Nước Pháp chấn động vì đại án dược phẩm

Chủ Nhật, 13/10/2019, 10:20
Tại Paris, một công ty dược phẩm hàng đầu của Pháp và cơ quan giám sát dược phẩm đã ra tòa hôm 23-9 vì một trong những vụ bê bối về sức khỏe lớn nhất từ trước đến nay của Pháp. Vụ xét xử Mediator, được đặt tên theo một loại thuốc trị tiểu đường liên quan đến ít nhất 500 trường hợp tử vong, sẽ kéo dài 7 tháng.


23 bị cáo - gồm 11 tổ chức và 12 cá nhân - phải đối mặt với hơn 2.600 nguyên đơn trong phiên tòa. Và họ chỉ là một phần trong số 4.981 nạn nhân của loại thuốc Mediator có gốc amphetamine được cung cấp bởi Servier Laboratories. 

Được giới thiệu vào năm 1976 cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 thừa cân, Mediator được kê đơn rộng rãi như một chất ức chế sự thèm ăn cho những người khỏe mạnh muốn giảm cân. Các quan tòa điều tra tin rằng Servier đã cố tình che giấu các đặc tính của thuốc có nguồn gốc từ amphetamine và cố tình che giấu các tác dụng phụ có hại của nó.

Các phiên tòa sẽ tìm cách trả lời làm thế nào một loại thuốc phải cảnh báo an toàn ngay từ giữa những năm 90 thế kỷ trước  được cho phép tồn tại trên thị trường ở Pháp trong 33 năm, cho đến năm 2009, rất lâu sau khi nó được đưa ra khỏi kệ dược sĩ ở Mỹ, Tây Ban Nha và Ý.

5 triệu người đã sử dụng sản phẩm ở Pháp trong hơn 3 thập kỷ, bao gồm 3 triệu người cho các liệu trình dài hơn 3 tháng. Ít nhất 500 người được cho là đã chết do các vấn đề về tim sau khi sử dụng Mediator. Các chuyên gia pháp lý ước tính loại thuốc này cuối cùng có thể chịu trách nhiệm cho khoảng 2.100 trường hợp tử vong. Về phần mình, công ty dược phẩm khăng khăng rằng họ “không xác định được rủi ro” cho tới năm 2009.

Vụ kiện lớn

Hai phòng đã được thiết đặt để chứa 500 thành viên của cộng đồng, những người có thể muốn tham dự phiên tòa vào bất kỳ ngày nào. Không ít hơn 376 luật sư, bao gồm 23 luật sư bào chữa, tham gia vào quá trình tố tụng lớn, được thực hiện sau gần một thập niên kể từ khi cuộc điều tra phức tạp được mở lần đầu tiên cách đây 8 năm. Bản cáo trạng chỉ có 677 trang. 

“Tòa án nhận thức được sự thiếu kiên nhẫn và thất vọng của công chúng. Nạn nhân, nhân chứng và bị cáo đã chết trong thời gian điều tra có nghĩa là nhiều người sẽ không thể cất được tiếng nói trước tòa”, thẩm phán chủ tọa Sylvie Daunis nói khi phiên tòa bắt đầu hôm 23-9.

Servier Laboratories, công ty dược phẩm số 2 của Pháp, phần lớn dựa vào sức mạnh bán hàng ở nước ngoài, cho đến nay đã trả hơn 130 triệu euro tiền bồi thường cho các nạn nhân của Mediator. 

Các cáo buộc chống lại công ty mẹ và 9 công ty con của nó bao gồm: ngộ sát, lừa đảo nghiêm trọng và lừa đảo các chương trình bảo hiểm y tế xã hội và bảo hiểm tư nhân đối với các loại thuốc được kê đơn rộng rãi. Cơ quan quản lý ngành ANSM bị buộc tội vô ý giết người và gây thương tích do sơ suất vì đã hành động quá chậm để cấm Mediator.

Nhân vật số 2 trước đây của Servier, Jean-Philippe Seta, và cựu tổng thư ký của công ty, Christian Bazantay, nằm trong số những cá nhân bị xử tại Paris. Người sáng lập của tập đoàn, Jacques Servier, đã qua đời ở tuổi 92 vào năm 2014, khiến các nạn nhân Mediator bất bình vì họ muốn ông ta phải đối mặt với công lý trước tòa.

Những người liên quan khác bao gồm các chuyên gia y tế được thuê bởi công ty trước, sau hoặc trong thời gian làm việc cho cơ quan giám sát công nghiệp để giám sát các loại thuốc công ty bán ra. Cựu Thượng nghị sĩ Marie-Thérèse Hermange, là chính trị gia đơn độc trong phiên tòa, bị buộc tội đồng lõa sau khi bị cáo buộc sửa đổi phiên bản cuối cùng của một báo cáo về Mediator sau chuyến thăm của một cố vấn Servier.

Phiên tòa tại Paris sẽ tập trung vào 91 nạn nhân, 4 người trong số họ đã chết.

Người thổi còi, nữ anh hùng trong truyện cổ tích

Hơn 100 nhân chứng dự kiến sẽ được triệu tập trong 110 ngày dự kiến của quá trình tố tụng đến tháng 4-2020, bao gồm cả người tố giác Irène Frachon, nhà nghiên cứu phổi người Pháp được cho là đã đưa ra cảnh báo về Mediator.

Nhà nghiên cứu phổi người Pháp Irène Frachon chụp ảnh với một cuốn sách ảnh mô tả chân dung “nạn nhân của Mediator' khi cô đến dự phiên tòa tại Tòa án Paris, ngày 23-9-2019  

Vào năm 2007, Frachon đã tìm cách xác nhận sự nghi ngờ của cô đối với các tác dụng phụ chết người của Mediator bằng cách tìm kiếm thông qua tài liệu lưu trữ của bệnh nhân trong tầng hầm bệnh viện nơi cô làm việc ở Brest, miền Tây nước Pháp.

Kết quả là một cuốn sách năm 2010 “ERIC Mediator 150mg: Có bao nhiêu người chết?”, được chuyển thể cho truyền hình vào năm 2016 như bộ phim kinh dị y tế “150 Milligrams”. 

Trong một bài viết được đăng tải trước khi phiên tòa khai mạc vào ngày 23-9, tờ Libération của Pháp nói rằng Frachon xứng đáng là một nữ anh hùng trong truyện cổ tích thời hiện đại, ví như bác sĩ của Edward Snowden, Chelsea Manning và Greta Thunberg. 

“Đây là một khoảnh khắc quan trọng bởi vì chúng tôi đã chờ đợi phiên tòa này trong suốt nhiều năm qua”, Franchon nói với các phóng viên bên ngoài phòng xử án khi phiên tòa bắt đầu.

Vụ bê bối của Mediator bị phanh phui cùng năm với thảm họa y tế công cộng khác, vụ bê bối PIP, trong đó một thương hiệu cấy ghép vú nổi tiếng đã bị phát hiện sử dụng silicon không an toàn cấp công nghiệp, thay vì vật liệu y tế đắt tiền hơn.

Lòng tin của công chúng

Các vụ bê bối đã thúc đẩy một loạt các biện pháp nhằm vá các vết nứt trong hệ thống quy định pháp luật. Tài chính cho ngành dược phẩm đã được cải tổ lại, đẩy các nhân vật trong ngành ra khỏi các quá trình ra quyết định. Một cơ chế cảnh báo trực tuyến cho phép bệnh nhân gắn cờ tác dụng phụ của thuốc họ dùng. Bất kỳ quà tặng hoặc lợi thế nào mà một chuyên gia chăm sóc sức khỏe nhận được với giá trị lớn hơn 10 euro từ ngành dược phẩm phải được khai báo; các tuyên bố được công bố trực tuyến cho công chúng xem.

Liệu các biện pháp mới có lấy lại được niềm tin của công chúng vào một hệ thống đã để xảy ra vụ bê bối do thiếu hụt về tính minh bạch hay không vẫn là điều chưa biết. Một số chuyên gia Pháp đã rút ra mối liên hệ giữa các thảm họa y tế công cộng như Mediator và mức độ tin tưởng thấp đối với các cơ quan y tế. Một báo cáo được công bố vào tháng 6 vừa qua cho thấy Pháp có mức độ tin tưởng thấp nhất đối với vắc-xin trên toàn cầu.

Kim Sang
.
.
.