Nước Mỹ lại bất an vì súng đạn
Đây là vụ thảm sát tàn khốc nhất ở Mỹ trong năm nay và đưa thành phố ven biển của bang Virginia vào danh sách những địa điểm có các vụ xả súng giết người hàng loạt.
Chiều thứ sáu đẫm máu
16h ngày 31-5 (giờ địa phương), tại tòa nhà số 2 thuộc khu tổ hợp Trung tâm chính quyền thành phố Virginia Beach, một vụ xả súng kinh hoàng đã xảy ra làm 12 người thiệt mạng và 6 người bị thương, trong đó có một cảnh sát. Đây là nơi làm việc của trên 400 nhân viên các Sở công nghệ thông tin nhà đất, công trình xây dựng, kế hoạch hóa và tiện ích, ngay cạnh Tòa thị chính.
Cảnh sát trưởng thành phố Virginia Beach cho biết nghi phạm sử dụng súng ngắn gắn thiết bị giảm thanh và ổ đạn được kéo dài để có thể nạp đạn liên tục. Những người sống sót mô tả cảnh tượng hỗn loạn và sợ hãi lan nhanh khi tiếng súng vang lên trong khi các nhân viên cuống cuồng chạy trốn và tìm chỗ ẩn nấp. Một số người cho biết đã xếp bàn làm việc chặn cửa văn phòng để ngăn nghi phạm tiến vào.
Một nạn nhân chết trên đường đi cấp cứu, 4 nạn nhân khác đang được chữa trị tại bệnh viện, một số người bị thương tự đến cơ sở y tế, ông cho biết. Tại hiện trường, người chết nằm ở cả 3 tầng của tòa nhà và có một nạn nhân được tìm thấy trong xe ở bên ngoài.
Sau khi nghe thấy tiếng súng trong tòa nhà, nơi có văn phòng các dịch vụ công và tiện ích, 4 sĩ quan cảnh sát tới hiện trường. Sau một cuộc đấu súng kéo dài, cảnh sát mới tiêu diệt được thủ phạm.
Cảnh sát Virginia Beach thông báo hung thủ là kỹ sư DeWayne Craddock, 40 tuổi, người đã có 15 năm làm nhân viên Sở Dịch vụ công ích thành phố Virginia Beach. Craddock vào tòa nhà của Trung tâm hành chính Virginia Beach lúc 4 giờ chiều 31-5 (giờ Mỹ) và bắt đầu xả súng bừa bãi.
Craddock đã trang bị hai khẩu súng lục cỡ nòng 0.45 được mua hợp pháp và nạp lại băng đạn nhiều lần trong khi bắn bừa bãi khắp 3 tầng lầu của tòa nhà nơi gã làm việc. Craddock đã giết 7 người đàn ông và 5 phụ nữ trước khi bị cảnh sát bắn hạ.
Theo Sở Dịch vụ công ích, Craddock là đầu mối liên lạc để cung cấp thông tin về các dự án đường đi trong thành phố trong mấy năm qua. Hồ sơ tòa án ở Virginia Beach và các hạt xung quanh cho thấy, Craddock chỉ có một vi phạm về xe máy vào năm 2013. Có thông tin cho rằng Craddock đã báo với cấp trên rằng ông sẽ nghỉ việc vào đúng ngày xảy ra vụ xả súng. Hiện cảnh sát đang tìm kiếm lá thư xin nghỉ việc của nghi can Craddock.
Ông Bobby Dyer, Thị trưởng thành phố Virginia Beach, nói "Đây là ngày thảm khốc nhất trong lịch sử của Virginia Beach vì những người liên quan đều là bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm và cộng sự của chúng tôi".
Hiện trường vụ xả súng tại Virginia Beach. |
Nỗi ám ảnh súng đạn
Đây là vụ xả súng thứ 150 tại Mỹ trong năm nay và là vụ gây thương vong nhiều nhất kể từ tháng 11-2018 đến nay. Luật Sở hữu súng của Mỹ khá lỏng lẻo và các nỗ lực để giải quyết vấn đề này đang lâm vào bế tắc cho dù số người thiệt mạng do súng đạn tại nước này vẫn tăng dần hằng năm.
Theo thống kê của ATF, hiện nay cả nước Mỹ có 54.026 cửa hàng bán súng được cấp phép kinh doanh, 98% người Mỹ chỉ cần lái xe 15 phút (16km) là gặp một cửa hàng bán súng. Ngoài ra còn có 7.810 quầy, cửa hiệu khác cũng được phép bán súng. Việc mua súng ở Mỹ rất dễ dàng.
Theo các cuộc khảo sát từ Trung tâm nghiên cứu Pew, người Mỹ chiếm chưa tới 5% dân số toàn cầu, nhưng sở hữu khoảng 45% vũ khí tư nhân của thế giới. Đầu tháng 2-2019, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật an toàn súng đạn quy mô lớn, cho phép mở rộng việc kiểm tra lai lịch đối với gần như mọi trường hợp mua bán súng.
Đây là dự luật siết chặt kiểm soát vũ khí đầu tiên được Hạ viện Mỹ thông qua trong vòng 25 năm và được coi là bước đột phá trong nỗ lực ngăn chặn bạo lực súng đạn. Nhưng sau đó Thượng viện Mỹ đã phản đối dự luật này. Thậm chí, Tổng thống Donald Trump và các tổ chức ủng hộ quyền sở hữu súng, đã tuyên bố sẽ bác bỏ dự luật này nếu được Quốc hội thông qua.
Mỹ là quốc gia phải đối mặt với bạo lực súng đạn cao nhất trong các nước phát triển, khi gấp 6 lần so với Canada, gấp 7 lần so với Thụy Điển và gấp gần 16 lần so với Đức.
Ước tính vào năm 2018, khoảng 14.611 người Mỹ chết vì súng đạn. Trong đó có những vụ rất thẩm khốc như tháng12-2012, tại trường tiểu học Sandy Hook, bang Connecticut, Adam Lanza, 20 tuổi, đã dùng khẩu súng trường liên thanh AR-15 bắn chết mẹ của hắn sau đó bắn chết 27 người, gồm 20 trẻ em từ 6 đến 7 tuổi…
Vì vậy vụ việc vừa xảy ra tại Virginia Beach một lần nữa làm "nóng" trở lại cuộc tranh cãi về luật sở hữu vũ khí tại Mỹ. Trong một diễn biến mới nhất, các ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ đã có phản ứng đặc biệt khi lên án khủng hoảng bạo lực súng đạn.
Trên mạng xã hội Twitter, Thị trưởng thành phố South Bend, bang Indiana, Pete Buttigieg viết: "Rõ ràng không thể chấp nhận việc Mỹ vẫn là nước phát triển duy nhất mà điều này xảy ra thường xuyên. Chúng ta phải hành động".
Thượng nghị sĩ độc lập Bernie Sanders của bang Vermont, cũng là một ứng cử viên tranh cử tổng thống sắp tới, đã lên án Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA), nhóm ủng hộ mạnh mẽ sở hữu vũ khí tư nhân khi cho rằng "Thời mà NRA kiểm soát Quốc hội và soạn thảo luật súng đạn phải chấm dứt. Quốc hội phải lắng nghe người dân Mỹ và thông qua luật về an toàn súng đạn".