Nước Mỹ đối mặt với nạn buôn người

Thứ Tư, 06/11/2019, 20:18
Ngày 31-10, Cảnh sát liên bang Brazil cho biết đã bắt giữ Saifullah Al-Mamun, gốc Bangladesh, đang sống tại Sao Paulo, một trong số những tên buôn người khét tiếng.

Al-Mamun và 7 người khác bị bắt với cáo buộc tham gia một đường dây buôn người, tổ chức đưa người di cư bất hợp pháp từ Brazil sang Mỹ và rửa tiền. Cảnh sát cũng đóng băng 42 tài khoản ngân hàng mà nhóm này dùng để hoạt động. 

Một số vụ bắt giữ được tiến hành ở Sao Paulo, nơi Al-Mamun sinh sống và ba thành phố khác ở Brazil.  Tuy nhiên, đây chỉ là "phần nổi của tảng băng" bởi mỗi năm có hàng chục ngàn người nhập cư lậu vào Mỹ qua biên giới với Mexico.

Thu hơn 10 triệu USD từ buôn người vào Mỹ

Saifullah Al-Mamun, 32 tuổi, cách đây 6 năm tới Brazil như một người tị nạn và sống ở Bras, khu vực lân cận Sao Paulo, nơi sinh sống của người nhập cư tới từ khắp nơi trên thế giới. Al-Mamun và nhóm của mình thường đưa người lậu vào Brazil, sau đó đưa họ tới Mỹ. 

Các khách hàng của tên này là người Afghanistan, Bangladesh, Ấn Độ, Nepal và Pakistan. Cảnh sát Brazil cho hay, nhóm của Al-Mamun thu mỗi người khoảng 12.524 USD để đưa tới Mỹ.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Al-Mamun bị buộc tội chứa chấp người nhập cư tới từ Đông Nam Á ở Sao Paulo và sắp xếp cho họ tới Mỹ. Những người di cư nhận giấy tờ giả sẽ vào Brazil bằng đường hàng không thông qua sân bay quốc tế Guarulhos ở Sao Paulo, sau đó đi tới thủ phủ Rio Branco của bang Acre (giáp ranh với Peru). 

Trước khi tới điểm cuối cùng là Mỹ, người di cư sẽ đi bằng đường bộ theo trình tự qua Peru, Ecuador, Colombia, Panama, Costa Rica, Honduras, Nicaragua, El Salvador, Guatemala và Mexico. Nhóm buôn người bị bắt tại Sao Paulo đã điều hành và kiểm soát toàn bộ tuyến đường thông qua việc liên hệ với những đối tượng khác tại các nước nói trên.

Băng nhóm của Al-Mamun từng đứng đằng sau vụ 8 công dân Bangladesh nhập cư bất hợp pháp bị các tổ chức buôn ma túy tại Mexico bắt cóc hồi tháng 6 năm ngoái. Theo số liệu thống kê, tổ chức tội phạm này huy động được hơn 10 triệu USD tại Brazil trong giai đoạn 2014-2019 và thực hiện hoạt động rửa tiền tại 20 quốc gia châu Mỹ.

Hiện trường chiếc xe bán tải buôn người gặp nạn ở phía Bắc thị trấn biên giới Eagle Pass, bang Texas, Mỹ, gần thành phố Piedras Negras, Mexico.

Mỗi năm có hàng chục ngàn người nhập cư lậu vào Mỹ

Tuy nhiên, băng nhóm của Al-Mamun chỉ là một trong số những băng nhóm buôn người vào Mỹ. Mỹ và Mexico nằm trong số những nước có vấn nạn buôn người tồi tệ nhất thế giới năm 2018. 

Theo ước tính, khoảng 18.000 đến 20.000 nạn nhân bị bọn buôn người đưa vào Mỹ mỗi năm. Hầu hết các bang ở Mỹ đều tồn tại nạn buôn người, trong đó California, Texas và Florida là những "điểm nóng" về buôn người. 

Trong bối cảnh an ninh biên giới Mỹ-Mexico được thắt chặt, những kẻ buôn người chuyên nghiệp vẫn nghĩ ra nhiều thủ đoạn nhằm qua mặt cơ quan chức năng, trong đó chuyển hướng sang sử dụng công dân Mỹ vì họ nói tiếng Anh hoàn hảo và có kiến thức về địa hình bản địa, có thể giúp người di cư vượt qua các trạm kiểm soát biên phòng để vào Mỹ.

Chính phủ Mỹ có nhiều biện pháp nhắm tới những kẻ buôn người là tay sai của các băng đảng quốc tế, nhưng hơn 60% người bị kết tội buôn người tại các tòa án liên bang trong những năm gần đây lại là công dân Mỹ, và phần lớn trong số họ có ít hoặc không có tiền án tiền sự. 

Hơn 4.100 người đã bị kết tội buôn người trong 9 tháng qua. Đây là con số cao nhất kể từ khi hệ thống tòa án liên bang bắt đầu thống kê các vụ truy tố như vậy vào năm 2001, tăng 31% kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức. Các chuyên gia cho biết rất nhiều người đang tìm cách kiếm tiền từ việc buôn người.  

Việc tuyển dụng ngày càng nhiều công dân Mỹ là một dấu hiệu cho thấy những kẻ buôn người chuyên nghiệp đang tìm cách thích nghi trong bối cảnh an ninh biên giới được thắt chặt ở Mỹ và Mexico. Chúng không chịu từ bỏ mà sẽ thu phí vận chuyển cao hơn và tìm ra những cách thay thế để lén đưa người qua biên giới.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mexico cho biết trong hơn 8 tháng, nước này đã giải cứu được 46.616 người di cư không có giấy tờ khỏi các đường dây buôn người. Tính riêng trong hai tháng qua, các lực lượng chức năng của nước này đã giải cứu được hơn 19 nghìn người. 

Đây là giai đoạn Mexico tăng cường nỗ lực trấn áp dòng người di cư không có giấy tờ sang Mỹ theo thỏa thuận đã đạt được với Tổng thống Mỹ Donald Trump để đổi lại việc xóa bỏ hàng rào thuế quan từ Mỹ. 

Bộ Ngoại giao Mexico cho hay, các lực lượng chức năng của nước này đang nỗ lực ngăn chặn những người di cư bị buôn lậu trên tàu hỏa, xe buýt thương mại và xe tải.

Quý Đức (tổng hợp)
.
.
.