Nóng bỏng cuộc chiến 'bảo vệ ngà voi' ở Tanzania

Chủ Nhật, 09/08/2015, 07:30
Tờ Telegraph (Anh) đưa tin, số voi ở Tanzania đã giảm 2/3 trong vòng 4 năm trở lại đây. Nạn săn trộm voi để lấy ngà đang khiến đàn voi ở nước này giảm đến mức báo động. Những giải pháp của chính quyền Tanzania đưa ra không phát huy hiệu quả.

Tàn sát voi với quy mô  lớn

"Tôi chưa bao giờ nhìn thấy điều gì đau xót như thế khi quay trở lại Tanzania lần này. Xác voi rải rác ở khắp mọi nơi. Săn trộm voi đã trở thành một vấn đề lớn, rất lớn", chuyên gia Howard Frederick nói với tờ The Telegraph.

"Ngồi trên máy bay qua khu vực bảo tồn này, thậm chí lái xe qua, bạn cũng có thể nhìn thấy xác hàng chục con voi đực lớn. Trong 17 năm làm việc tại khu bảo tồn thiên nhiên Selous, tôi đã thấy hai xác voi vào năm 2010 và đến năm 2012, con số này đã tăng gấp nhiều lần. Nó giống như những cuộc tàn sát quy mô lớn", ông Howard Frederick nói tiếp.

Chuyên gia về voi nổi tiếng thế giới Iain Douglas-Hamilton tiến hành khảo sát số lượng voi ở Tanzania lần đầu tiên vào năm 1976. Ông cho rằng, Tanzania có tổng số 316.000 con voi và là quốc gia sở hữu số lượng voi lớn nhất hành tinh.

Ngà voi bị thu giữ ở khu vực phía Tây Tanzania.

"Đối với một người đếm voi, nó giống như người leo núi chinh phục đỉnh Everest. Thật không tin được. Một nơi hoang dã, đầy ắp voi", ông Iain Douglas-Hamilton nói. Tuy nhiên, theo thống kê năm 2013, số voi ở  Tanzania chỉ còn 13.084 con. Năm 2013 cũng là năm "đánh dấu" sự sụt giảm số lượng voi nghiêm trọng nhất. Trong năm này, các cơ quan chức năng trên thế giới đã phát hiện, thu giữ nhiều tấn ngà voi phần lớn có xuất xứ từ Tanzania.

Theo đánh giá của các chuyên gia bảo tồn động vật hoang dã, các băng nhóm tội phạm săn voi hoạt động ngày càng tinh vi và chuyên nghiệp. "Đó là những băng nhóm tội phạm lớn, hoạt động chuyên nghiệp. Khi hoạt động, chúng có sự phân công rất cụ thể cho từng nhóm nhỏ như nhóm chuyên khảo sát, phát hiện voi, nhóm hành động…", ông Howard Frederick nhận định.

Rob Muir, Giám đốc Frankfurt Zoological Society - một tổ chức bảo vệ động vật hoang dã có lịch sử hoạt động lâu năm ở Đông Phi nhận định. "Rõ ràng săn trộm voi đang là vấn đề nóng bỏng trên khắp lãnh thổ châu Phi. Vấn nạn này tăng mạnh ở Selous, một khu bảo tồn thiên nhiên lớn hơn hai lần diện tích Bỉ. Chúng tôi không tin những gì đang xảy ra. 85% ngà voi châu Phi đến từ hai khu vực là Tây Phi và Tanzania".

Nỗ lực như muối bỏ bể

Ông Muir kể lại câu chuyện một cặp vợ chồng người Mỹ đã bỏ khoản tiền lớn đi trăng mật tại Tanzania với mong muốn tận mắt chứng kiến những chú voi rừng. Tuy nhiên, hai người đã thất vọng vì "tìm đỏ mắt" cũng không thấy con voi nào ở khu bảo tồn thiên nhiên Selous.

Theo chuyên gia Iain Douglas-Hamilton, voi là con vật nhạy cảm và thông minh nên có thể do sợ bị săn bắn nên đi tìm nơi khác sinh sống hoặc trốn trong bụi rậm, chỉ hoạt động về đêm. Ông Iain Douglas-Hamilton cho rằng, số voi ở Tanzania hiện nay đã "đạt ngưỡng", không thể thấp hơn được nữa.

Tanzania từng đi đầu trong việc kêu gọi lệnh cấm xuất khẩu ngà voi trong những năm 1980. Tanzania được coi là "thủ đô voi" của thế giới. Khu bảo tồn động vật Selous từng có doanh thu khoảng 9 triệu USD/năm từ du lịch. Tuy nhiên, Chính phủ Tanzania chỉ trích 20% lợi nhuận cho các hoạt động tái tạo, tu bổ khu bảo tồn.

"Chúng tôi hoàn toàn bất lực và suy sụp với vũ khí ít ỏi, thiếu lều trại, thức ăn trong khi những kẻ săn trộm hành động rất hung hãn", ông Guthrie một cán bộ kiểm lâm nói.

Chính phủ Tanzania cho biết, sẽ tăng cường bảo vệ động vật hoang dã và chấp nhận sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, ngay cả việc đồng ý cho Mỹ đưa thủy quân lục chiến đến và giúp đào tạo cán bộ kiểm lâm.

Tại một hội nghị quốc tế bàn về việc chống săn trộm động vật hoang dã tổ chức tại London (Anh) vào tháng 4 năm ngoái, Tổng thống Tanzania Jakaya Kikwete khẳng định, sẽ tăng cường sự tham gia của lực lượng vũ trang để giải quyết vấn đề, đồng thời cho biết, Chính phủ Tanzania đã xác định được danh tính các trùm săn trộm voi.

Tháng 6 vừa qua, Ngành du lịch Tanzania cũng công bố chiến dịch quy mô lớn về bảo vệ với sự tham gia của một cựu hoa hậu Tanzania và ngôi sao bóng rổ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì nỗ lực của Chính phủ vẫn chưa đủ mạnh để bảo vệ đàn voi trước nguy cơ tuyệt chủng. Tiến sĩ Alfred Kikoti, chuyên gia nghiên cứu về voi của Tanzania nhận định, Chính quyền Tanzania vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết, trong đó có tình trạng các quan chức cấp cao, nhân viên cảnh sát tham nhũng, bảo kê cho các băng đảng tội phạm săn bắn động vật hoang dã hoạt động. Những kẻ săn trộm voi đã chuyển địa điểm hoạt động từ khu bảo tồn thiên nhiên Selous, sang Ruaha, công viên quốc gia lớn nhất Tanzania. Chỉ trong vòng một năm, từ giữa năm 2013 và 2014, số lượng voi của Tanzania tiếp tục giảm khoảng 60%. 

Mạnh Tường (tổng hợp)
.
.
.