Nô lệ tình dục dưới tay phiến quân nhà nước Hồi giáo

Chủ Nhật, 15/03/2015, 07:00
Tất cả những gì mà phiến quân nhà nước Hồi giáo cực đoan đã làm, đang làm đã khiến cả thế giới lên án. Đúng với cái tên “cực đoan” được gắn cho họ thì bất cứ một suy nghĩ nào hay một việc làm nào của họ đều thể hiện bản tính cực đoan. Với những cô gái trẻ thì không khỏi kinh hoàng bởi những màn bị tra tấn tình dục và bị buôn bán xác thịt như những mớ rau ngoài chợ.

Chợ buôn phụ nữ

Một nhóm người Kurd ở London, nước Anh đã dựng lại một phiên chợ với những hình ảnh mà những tổ chức của nhóm người Hồi giáo cực đoan đã làm đối với những người phụ nữ và trẻ em gái.

Hình ảnh bốn người phụ nữ mặc bộ quần áo đen trùm kín mít từ đầu đến chân, bị xiềng xích vừa lê từng bước vừa gào khóc tuyệt vọng. Đi bên cạnh là một người đàn ông cầm loa vừa đi vừa hét lên “cô gái chỉ mới 14 tuổi, còn trinh, sạch sẽ, có khả năng phục vụ quý khách bất cứ công việc gì từ lau dọn nhà cửa đến cả những việc trên giường ngủ, với giá chỉ 50 USD”.

Những tiếng rao cứ vọng vào trong chiếc loa mặc cho các cô gái kêu khóc thảm thiết. Thân xác của những cô gái cứ lê la trên khắp các con phố cho đến khi có người đàn ông nào chấp thuận mang về. Buôn người không khác gì buôn những mớ rau, những người phụ nữ trẻ, những cô gái mới lớn lúc nào cũng mang trong mình nỗi khiếp sợ và hoảng loạn bởi thân xác, tính mạng của họ luôn trong tình trạng bị đe dọa.

Những hình ảnh kinh hoàng này được nhóm người Kurd tái hiện lại để công chúng thấy rõ hơn sự tàn bạo và dã man của tổ chức khủng bố Hồi giáo. Những hình ảnh được mô phỏng lại một cách thực nhất để người dân thấy được rằng, những người phụ nữ đáng thương đã trở thành nô lệ tình dục và họ trở thành những món hàng tham gia vào phiên đấu giá nô lệ tình dục ngay giữa chợ.

Những người tổ chức những hình ảnh mô phỏng này với mong muốn đẩy mạnh phản ứng lên đến cao trào, nhấn mạnh hơn nữa những tội ác mà phiến quân Hồi giáo IS đang thực hiện ở Iraq và Syria. “Phiến quân IS manh động và hung hãn có thể gây ra tội ác ở bất cứ nơi đâu, cũng có thể ngay tại London, điều đó không phải là không thể xảy ra”, những người tham gia vào màn mô phỏng cho biết.

Nô lệ tình dục trong nhà tù

Những hình ảnh đau đớn mà các cô gái phải chịu đựng không có từ ngữ nào để có thể miêu tả được hết. Không chỉ đau đớn về thể xác mà họ còn phải sống trong sự sợ hãi, thần kinh tinh thần hoảng loạn. Đau đớn hơn nữa là nhóm phiến quân hồi giáo IS còn bắt giữ những trẻ em rồi nhốt vào tù để trở thành những nô lệ tình dục. Không chỉ có vậy, bọn chúng còn bắt cha mẹ của những nô lệ tình dục phải chứng kiến cảnh tượng con cái họ đau đớn vì bị tra tấn.

Một người mẹ có con gái bị phiến quân Hồi giáo bắt đi, đã đau đớn chia sẻ rằng, khi đang cố gắng tìm kiếm con gái thì bất ngờ bà nhận được một cuộc điện thoại. Hy vọng là có thông tin của con gái nhưng bà đã không còn tin vào tai mình khi trong điện thoại là tiếng la hét của con gái đang bị hàng chục gã đàn ông hãm hiếp.

Cuộc điện thoại kéo dài hàng giờ đồng hồ, con gái bà bị bọn chúng thay nhau hãm hiếp và bắt bà phải chứng kiến sự đau đớn của con gái mà không thể làm được gì hơn là chịu đựng nỗi đau cùng con gái. Gia đình bà không phải là trường hợp duy nhất mà hàng trăm gia đình khác cũng phải chịu đựng cảnh tượng đau đớn giống như bà. Nỗi đau không thể nào xoa dịu được, chỉ có cái chết mới giúp bà và con gái thoát khỏi sự hoảng loạn.

Cuộc chiến đấu với nhóm Hồi giáo cực đoan diễn ra càng ngày càng căng thẳng. Hàng nghìn người ở Iraq bị mất nhà cửa và đang mắc kẹt trong các cuộc không kích của máy bay quân sự Mỹ nhắm vào lực lượng khủng bố IS. Bên cạnh đó, chúng còn bắt cóc hàng trăm phụ nữ Yazidi và giam giữ ở một nhà tù bí mật. Bọn chúng đầy đọa, hãm hại rồi bán họ đi làm nô lệ tình dục để kiếm lời.

Những cô gái bị bắt cóc làm nô lệ tình dục luôn cố gắng tìm mọi cách để thoát thân nhưng không thể bởi bọn chúng giam giữ và canh gác nghiêm ngặt. Nếu như bọn chúng phát hiện ra có ý định bỏ trốn thì chắc chắn người đó sẽ bị nhốt riêng và tra tấn dã man hơn nhiều lần.

Một tù nhân may mắn chạy thoát khỏi nhà tù của phiến quân IS kể lại rằng, phụ nữ bị nhốt trong các nhà tù ở Mosul phải đối mặt với 2 số phận, hoặc là bị bán làm cô dâu cho các chiến binh của IS với giá thấp nhất là 25 USD và cao nhất là 150 USD tùy theo nhan sắc. Những người còn lại thì sẽ bị hiếp dâm mỗi ngày và chết dần chết mòn.

Kể từ khi IS chiếm đóng Mosul vào tháng 6, chúng dùng các nhà tù ở đây để giam giữ phụ nữ, biến họ thành nô lệ tình dục trước khi bán họ cho một bên thứ ba. Ước tính có hàng trăm phụ nữ bị bắt tại đây, còn theo con số của chính phủ Iraq, con số này còn cao hơn vì chưa kể tới những phụ nữ từ các dân tộc thiểu số khác tại quốc gia này.

Một nạn nhân cho biết, quân khủng bố bắt những cô gái có nhan sắc ăn vận quần áo đẹp đẽ, trang điểm kỹ càng rồi bắt phục dịch chồng mới là những tên khủng bố. Rất nhiều nạn nhân vẫn đang ở tuổi vị thành niên, khoảng 14-15 tuổi nhưng cũng bị hành hạ tra tấn tình dục không thương tiếc. Nhiều cô bé còn chưa đủ lớn để hiểu hết chuyện gì đang xảy đến với mình.

Những phụ nữ trốn thoát được khỏi nhà ngục của IS và các thân nhân gia đình thường gọi tới Cao ủy Các vấn đề Phụ nữ ở khu vực Kurdish để cầu xin sự giúp đỡ.

Bà Zangana, người đứng đầu Cao ủy này cho biết: "Hằng ngày, chúng tôi nhận được hàng trăm cú điện thoại kêu cứu từ các nạn nhân và gia đình của họ".

Tuy nhiên, theo bà Zangana, nếu không có sự trợ giúp bên ngoài, việc cứu những phụ nữ này là bất khả thi. Mặc dù vậy, họ vẫn đang cố tìm cách vận động các nguồn lực tư nhân để mua lại các phụ nữ người Yazidi bị IS bán đi làm nô lệ tình dục và sẽ bồi hoàn cho các Mạnh Thường Quân này khi các cô gái được cứu ra.

Tuy nhiên, chiến dịch này vẫn chưa đạt được hiệu quả cao vì nhiều phụ nữ bị bán đi ít khi có cơ hội quay về với gia đình vì gia đình họ đã ly tán hoặc không muốn nhận một người con như họ về nhà.

Cưới quân khủng bố để cứu cha

Hana, một cô gái người Syria, 26 tuổi, đã bị ép buộc lấy một tay súng thuộc tổ chức khủng bố nhà nước Hồi giáo cực đoan, đau đớn chia sẻ rằng, nỗi đau mà cô phải chịu đựng không còn có nỗi đau nào đau hơn. Mọi thiếu nữ trên cuộc đời này đều có ước mơ được sống và được khoác lên mình bộ váy cưới tinh khôi, tay trong tay cùng với người chồng mà mình thương yêu. Còn cô thì ước mơ đó đã bị tước mất một cách tàn bạo.

Đến giờ phút này cuộc sống nô lệ đã qua nhưng Hana vẫn giam mình trong phòng, không dám bước chân ra đường vì cô lo sợ mình lại bị ép buộc trở thành cô dâu nô lệ, và thậm chí là phần thưởng cho những tay súng của nhà nước Hồi giáo.

Hana vừa khóc vừa nói: “Nỗi kinh hoàng khi trở thành nô lệ tình dục mà người hành hạ thân xác tôi chính là người được gọi là chồng tôi”.

Hana cho biết cô đã buộc phải cưới tên khủng bố IS để cứu mạng cha mình. Dưới lớp áo niqab, người ta chỉ có thể nhìn thấy đôi mắt to màu nâu đậm của cô đang ngấn lệ. Nhưng khi nghe những tiếng khóc nấc nghẹn ngào mỗi lần cô kể chuyện cũ, ai tiếp xúc cũng dễ dàng cảm nhận nỗi đau đớn mà Hana phải trải qua. Không tấm mạng che mặt nào giấu nổi điều đó.

Dù hiện sống tại Thổ Nhĩ Kỳ và không còn ở bên người chồng không mong muốn nhưng cảm giác kinh hãi và tổn thương sâu sắc vẫn còn nguyên vẹn trong Hana, đến nỗi cô không dám rời nhà nửa bước suốt ba tuần được trả tự do.

Nhấc nhẹ chiếc khăn để lau nước mắt, Hana bắt đầu tâm sự câu chuyện đời mình. Khi phiến quân IS càn qua thành phố nơi cô cùng gia đình sống ở phía đông Syria, nhóm khủng bố bắt bớ bất kỳ ai chúng nghi ngờ là thành phần chống đối. Em trai Hana đã chết trong một cuộc giao tranh trước đó. Cha cô giữ khẩu súng AK-47 của con trai mình để tưởng nhớ đến con.

"Khi IS đến, ai đó nói với chúng rằng cha tôi tàng trữ vũ khí, và thế là chúng bắt ông ấy đi", Hana kể. "Chẳng còn đàn ông trong nhà. Chỉ có tôi, hai đứa em gái và mẹ. Vậy nên tôi quyết định tới trụ sở của quân cảnh vệ Sharia, nơi IS giam giữ các tù nhân với hy vọng sẽ làm được điều gì đó để cứu cha".

Lực lượng cảnh vệ Sharia là một nhóm người trực thuộc IS, có nhiệm vụ tuần tra trên phố, chúng đưa ra các hình phạt và giam giữ những người bị cáo buộc vi phạm đạo luật Sharia của IS. Theo luật, phụ nữ không được phép ra khỏi nhà nếu không có đàn ông trong gia đình đi cùng nhưng trong nhà không có đàn ông nên lúc đó cô vẫn quyết tâm ra đường. Bọn cảnh vệ Sharia đã chặn đường và tìm mọi cách quấy rối. Chúng yêu cầu có người hộ tống thì Hana mới được gặp cấp trên của trụ sở cảnh vệ.

“Khi chúng hỏi người hộ tống đâu thì tôi đã trả lời rất dứt khoát rằng người đàn ông duy nhất trong nhà đang ở trụ sở cảnh sát và chúng tôi phải đến đó để cứu ông”. Cố gắng cầu xin, nịnh nọt bọn chúng nhưng chẳng có kết quả gì.

"Được một lúc thì mẹ đến bên tôi và nói chúng sẽ thả cha ra nếu tôi chịu kết hôn với lãnh đạo lực lượng cảnh vệ Sharia. Tên ông ta là Mohammed al-Iraqi. Tính mạng cha tôi nằm trong tay ông ta. Chúng tôi chẳng còn ai khác ngoài cha. Vì thế, tôi phải chấp nhận", Hana ngậm ngùi nói. Hana chỉ nghĩ được rằng việc cứu cha là quan trọng nhất, cô có thể hy sinh cuộc đời mình để cha cô được bình an trở về làm trụ cột cho gia đình.

Theo Hana thì Abu Mohammed al-Iraqi chỉ là một cái tên giả và cho đến tận bây giờ cô cũng không biết tên thật của người đàn ông đó là gì. Cô chỉ nhớ rằng ông ta cao, gầy, da ngăm đen, có mái tóc dài và hàng râu rậm.

Khi được hỏi về cái đêm đầu tiên ở với người đàn ông lạ mặt bỗng dưng trở thành chồng của mình, Hana ngập ngừng cùng với vẻ sợ hãi bởi cô đã bị hắn cưỡng hiếp thô bạo. Cố gắng tìm cách chống cự nhưng rồi cô lại nghĩ đến tính mạng của cha cô bị đe dọa nên đã nhắm mắt chấp nhận với mong muốn duy nhất là cứu được cha.

Nghĩ lại những ngày tháng sống với người đàn ông lạ mặt đó, Hana đau đớn, hoảng loạn bởi cô bị hắn tra tấn và hành hạ như một nô lệ tình dục. Một người được gọi là chồng nhưng đã tra tấn cô không khác gì một kẻ thù.

Hana luôn bị nhốt trong nhà khóa trái cửa, không bao giờ được đặt chân ra khỏi nhà, chỉ được phép gọi điện thoại về cho gia đình khi ông chồng có mặt. Kể cả việc đi chợ thì Hana cũng không được phép. Hana luôn bị hắn đe dọa chứ không phải là chuyện trò như những cặp vợ chồng khác.

Cô không khác gì một tù nhân bị quản thúc và bị tra tấn, lạm dụng tình dục thô bạo. Ngủ cạnh vợ nhưng chưa bao giờ ông ta rời khẩu súng. Thời gian ngủ với chồng là những đêm Hana ngủ cùng khẩu súng ngay đầu giường bởi Abu không tin tưởng bất kỳ ai.

Sau đám cưới với Abu được một tháng thì hắn ta bị giết nên Hana may mắn được về đoàn tụ với gia đình. Nhận được tin chồng bị giết, Hana như trút được một tấn bi kịch trên người. "Tôi như đứa trẻ trở về bên vòng tay mẹ. Nhưng trong tôi như mất đi một điều gì đó", Hana nhẹ nhàng nói. "Mẹ tôi chỉ biết khóc để bày tỏ nỗi lòng. Cha tôi cũng vậy bởi tôi đã hy sinh bản thân vì ông ấy".

Dù trở về đoàn tụ với gia đình nhưng Hana vẫn chưa hết lo sợ bởi cô vẫn chưa thực sự được an toàn. Cô cũng không được hưởng tự do thật sự và chỉ một thời gian ngắn sau, người ta lại báo tin một lãnh đạo IS khác ở địa phương muốn gặp cô.

"Tôi bảo với họ rằng mình không thể đi và cũng chẳng thể gặp mặt ai. Đối với tôi tất cả những gì xảy ra đã là quá đủ", Hana nói. Nhưng cũng vì thế mà chúng gửi hai phụ nữ tới để nói chuyện. Theo Hana, những người này rất đáng sợ, không mảy may cảm thông hay thể hiện lòng trắc ẩn. Cuộc gặp mặt diễn ra trong vỏn vẹn 10 phút.

"Họ muốn tôi lấy một tay súng khác. Họ nói tôi không thể ở lại thành phố mà không có chồng". Cha mẹ của Hana đã trốn chạy tới khu vực do chính quyền Syria kiểm soát. Còn cô thì đã may mắn trốn được đến nhà một người họ hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ.

"Tôi không biết ông ta có bao nhiêu người phụ nữ như tôi, và sẽ còn bao nhiêu người phải chịu chung số phận nữa. Họ sẵn sàng cướp đi bất cứ thứ gì họ muốn kể cả thân xác của con người. Đến giờ phút này tôi vẫn không thể hiểu thấu những gì mình phải trải qua. Cuộc sống của tôi đã bị hủy hoại hoàn toàn", Hana chia sẻ.

Hải Hiền (tổng hợp)
.
.
.