Nigeria và nỗi ám ảnh khủng bố trường học
Ông Animu Masari, Thống đốc bang Katsina đã điều động lực lượng cảnh sát địa phương tìm kiếm 333 em học sinh mất tích trong khu rừng gần trường và hiện cơ quan chức năng đang liên lạc với người thân của các em để xác định chính xác số học sinh mất tích.
Vụ bắt cóc nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây
Ông Gambo Isah, phát ngôn viên của lực lượng cảnh sát, cho biết nhiều học sinh may mắn trốn thoát vì cảnh sát đã đấu súng với những kẻ khả nghi. Ngoài ra, ông Gambo Isah khẳng định cảnh sát, quân đội và lực lượng phòng không - không quân Nigeria vẫn đang hợp tác với nhà trường để ước lượng số người mất tích và giải cứu các nạn nhân.
Phụ huynh tụ tập trước ngôi trường nơi con em mình bị bắt cóc. |
Em Musa Adamu, một nạn nhân may mắn trốn thoát, đã thuật lại vụ tấn công sau khi tìm được lối ra khỏi khu rừng gần trường: "Em đang ngủ trong kí túc xá thì nghe thấy tiếng súng. Vì quá sợ hãi, em đã nhảy khỏi cửa số phòng, trèo qua hàng rào của trường và cũng nhều bạn khác chạy vào rừng. Chúng em ở trong rừng cả đêm vì quá sợ hãi". Bạn của em Adamu đã không chạy kịp và hiện vẫn đang mất tích.
Một nạn nhân khác là em Hassan Al Bashir cho biết những kẻ tấn công đã đột nhập vào phòng của em, lấy đi một số đồ đạc như xà phòng, sữa tắm, bánh quy, sữa… sau đó ép các em học sinh đi theo hắn, nhưng Bashir đã trốn thoát khi những kẻ bắt cóc không để ý. Em Samatu Aliyu cũng chạy trốn kịp và tìm được đường quay lại trường sau 36 tiếng mất tích: "Những kẻ bắt cóc ép chúng em đi bộ rất lâu đến mức chân của em chảy máu và vì không có gì ăn, em đã phải uống nước bùn. Sau đó, chúng bỏ quên em ở lại và em cứ thế đi bộ về".
Cuộc tấn công đã gây ra một làn sóng phẫn nộ tại vùng quê nghèo khó Katsina, nơi chính phủ đang phải chịu rất nhiều áp lực với tình trạng mất an ninh. Hàng loạt gia đình vây kín ngôi trường, liên tục gây sức ép với ban giám hiệu để tìm ra danh tính những kẻ khả nghi và van nài chính quyền giải cứu con cái của họ.
Tổng thống Nigeria, ông Mihammadu Buhari, vốn xuất thân từ Katsina đã đưa ra phát ngôn chính thức về vụ tấn công: "Chúng tôi rất chia sẻ với người thân của các em học sinh, ban giám hiệu nhà trường và những người không may bị thương". Ông Garba Shedu, người phát ngôn của Tổng thống Buhari, chia sẻ rằng quân đội đã phát hiện ra hang ổ của những kẻ khả nghi và một chiến dịch giải cứu đang được thực hiện. Tuyên bố này không trấn an được cha mẹ của các em học sinh và những người dân địa phương - vốn cũng là nạn nhân của những vụ tấn công tương tự trong suốt nhiều năm - chứng kiến cảnh các em bị bắt cóc.
Hàng loạt chiến dịch tiêu diệt các nhóm vũ trang đã được khởi động trong những năm gần đây khi mà những cuộc thảm sát và bắt cóc hàng loạt ngày càng diễn ra càng thường xuyên tại vùng Tây Bắc Nigeria. Các nhóm cướp có vũ trang chuyên rình rập tại những con đường cao tốc sát các khu rừng phía Tây Bắc, bắt cóc người dân hoặc giết người để cướp gia súc cũng như thực phẩm đã trở thành nỗi kinh hoàng của người dân.
Hiện trường vụ tấn công. |
Tuy báo chí cũng như người dân Nigeria thường gọi những tên tội phạm này là cướp có vũ trang, nhưng trên thực tế, cơ quan chức năng nghi ngờ rằng chính những người dân du mục Fulani đã đứng đằng sau các cuộc tấn công khủng khiếp gần đây. Tộc người Fulani, vốn có sức khỏe và sự dẻo dai khác thường nhờ nhiều năm sống du mục và chăn nuôi gia súc, đã liên tục hành hung người dân ở các nông trại và cướp đi hàng nghìn sinh mạng vì tranh chấp đất đai kể từ khi Nigeria giành lại độc lập vào năm 1999. Theo ước tính của Tổ chức Ân xã Quốc tế, đã có 1126 người bị các toán cướp hoặc nhóm vũ trang sát hại.
Chuyên gia về chủ nghĩa cực đoan kiêm nhà phân tích tại Viện Tony Blair, Bulama Bukarti tin rằng vụ việc xảy ra tại Katsina có lẽ là vụ bắt cóc tồi tệ nhất trong những năm trở lại đây: "Đây là một mốc mới trong tình hình an ninh suy giảm tại vùng Tây Bắc đất nước".
Nhiều người dân Nigeria đã rất bức xúc với hướng giải quyết của chính phủ cũng như những thất bại trong việc bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương và ông Bukarti cũng nhận định: "Chính quyền Buhari đã không thể đối phó với tình huống này một cách cấp thiết, nghiêm túc và khéo léo. Vô số chiến dịch quân đội đã được khởi xướng nhưng rõ ràng là tất cả đều thiếu nhân lực, năng lực và hỗ trợ tài chính". Vô số chuyên gia đã cảnh báo chính phủ về sự phát triển của các băng nhóm vũ trang và nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến đẫm máu như cuộc nổi dậy của các chiến binh Hồi giáo - hiện đã bước sang năm thứ 11 - tại phía Đông Bắc Nigeria.
Bóng ma khủng bố luôn hiện hữu
Ngày 15-12-2020, thủ lĩnh nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan Boko Haram đã lên tiếng nhận trách nhiệm cho bắt cóc hàng loạt diễn ra tại Katsina. Trong một cuộn băng ghi âm được tung ra vào ngày 15-12, Abubakar Shekau, thủ lĩnh của Boko Haram, tuyên bố: "Những người anh em của ta đã gây ra vụ việc tại Katsina với mục đích tiêu diệt nền giáo dục phương Tây và bảo vệ Hồi giáo tại Nigeria". 6 năm trước, cũng chính nhóm vũ trang này đã bắt cóc 276 học sinh nữ từ kí túc xá của trường các em, tại phía Tây Bắc bang Borno, và cho đến bây giờ có 100 em vẫn không rõ tung tích.
Boko Haram, tên đầy đủ là "Nhà nước Hồi giáo Tây Phi" là một tổ chức khủng bố hiện đang hoạt động tại phía Đông Bắc Nigeria và một số quốc gia khác như Chad, Niger, Cameroon…
Thành lập năm 2002 dưới sự dẫn dắt của Mohammed Yusuf, Boko Haram lúc đầu không phải là một tổ chức khủng bố mà chỉ là một tổ chức có mong muốn thanh lọc Hồi giáo ở vùng Đông Bắc Nigeria. Sau khi Boko Haram đi theo đường lối cực đoan, lực lượng quân đội Nigeria đã tiến hành trấn áp lực lượng này và xử tử thủ lĩnh Mohammed Yusuf mà không qua xét xử vào năm 2009. Sau sự kiện này, tổ chức khủng bố càng lúc càng trở nên tàn bạo, bằng chứng là kể từ năm 2009, nhóm khủng bố đã giết hại hàng chục nghìn người, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của 2,3 triệu người bước trở thành nhóm khủng bố chết chóc nhất thế giới.
Thành viên nhóm khủng bố Boko Haram. |
Sau vụ cướp nhà tù tháng 9-2010 tại bang Bauchi, Boko Haram bắt đầu khởi xướng những cuộc tấn công rất phức tạp nhắm vào những mục tiêu dễ tiếp cận, nhưng nhóm khủng bố bắt đầu đánh bom các toà nhà của Liên hợp quốc và các đồn cảnh sát tại bang Abuja. Nỗ lực ban hành tình trạng khẩn cấp toàn quốc của Chính phủ Nigeria năm 2012 chỉ khiến những vụ đánh bom thêm phần dữ dội và đẫm máu. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra nạn tham nhũng trong lực lượng an ninh và những hành vi vi phạm quyền con người của nhà chức trách đã khiến cố gắng của chính phủ thất bại.
Giữa năm 2014, quân đội Nigeria đã giành lại quyền kiểm soát bang Borno có diện tích 50.000km2 - đại bản doanh của Boko Haram - nhưng vẫn không thể xua chúng khỏi thủ phủ của bang là Maiduguri. Vào ngày 7-3-2015, thủ lĩnh của nhóm khủng bố Abubakar Shekau bắt đầu mối giao hảo với ISIS và đến tháng 9-2015, dù Giám đốc lực lượng Tình báo quân đội Nigeria khẳng định Boko Haram đã hoàn toàn bị tiêu diệt nhưng các vụ khủng bố vẫn tiếp diễn.
Đến năm 2019, Tổng thống Muhammadu Buhari lại một lần nữa tuyên bố Boko Haram đã bị đánh bại, tuy nhiên các cuộc tấn công của Boko Haram càng lúc càng dữ dội và hiện vẫn đang đe doạ tình hình an ninh của Nigeria, gây ra nạn đói dai dẳng và một cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ.
Boko Haram cũng đã bắt cóc hàng nghìn trẻ em cũng như người lớn dọc vùng Đông Bắc Nigeria. Cũng như nhiều nhóm vũ trang khác, những kẻ khủng bố này hiện đang tập trung tại biên giới giữa Nigeria và Niger, và đáng sợ hơn là chúng còn được trang bị vũ khí hiện đại hơn lực lượng cảnh sát.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn không tin rằng Boko Haram là thủ phạm vụ bắt cóc này vì Abubakar đã không hề kể lại chi tiết vụ việc và chính quyền bang Katsina bắt đầu nhận được yêu cầu tiền chuộc của một băng nhóm khác.
Đáng chú ý hơn, nhiều nhân chứng đã bắt gặp thành viên của băng nhóm này tại hiện trường vào lúc xảy ra vụ nổ súng. Nhiều chuyên gia chống khủng bố tin rằng thủ phạm thực sự đã bán các nạn nhân cho Boko Haram để đổi lấy tiền hoặc vũ khí và đây cũng không phải là điều lạ vì tội phạm vũ trang, những kẻ buôn người và những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan tại Nigeria luôn có mối liên hệ rất mật thiết.