Những nẻo đường buôn lậu vũ khí

Chủ Nhật, 18/11/2018, 14:41
Thương mại vũ khí đã mang về 374,8 tỷ USD cho 100 công ty sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới trong năm 2016, theo ước tính của SIPRI Top 100. Giá trị bình quân của thương mại vũ khí quốc tế ước tính khoảng 80-90 tỷ USD/năm (không bao gồm doanh số bán nội địa).


Thị trường vũ khí bất hợp pháp được ước tính tương đương 10-20% tổng giá trị thương mại vũ khí trên toàn thế giới, tức khoảng 10 tỷ USD mỗi năm.

Cần thế giới chung tay

Buôn lậu vũ khí thường là hoạt động xuyên biên giới của các nhóm tội phạm có tổ chức. Vì vậy, để phòng chống và ngăn chặn hiệu quả tệ nạn này rất cần đến nỗ lực chung của các nước liên quan, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới, hoặc trên phạm vi toàn cầu thông qua các hiệp ước.

Đường đi của vũ khí lậu

Có 7 con đường chính để vũ khí rơi vào tay một người buôn lậu. Cách đầu tiên và trực tiếp nhất là vận chuyển các loại vũ khí được sản xuất hợp pháp tới các nước bị cấm mua vũ khí. Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm lệnh cấm vận vũ khí ở Angola và Liberia. Tại những nước nơi mức lương công chức bèo bọt, dễ xảy ra tình trạng các quan chức “kiếm thêm” bằng cách chạy giấy phép xuất khẩu cho các mạng lưới không hợp quy hoặc phi pháp.

Thứ hai, an ninh thấp và quản lý kém tại các kho vũ khí của chính phủ có thể khiến vũ khí từ các kho này chảy vào tay các đầu nậu buôn lậu hoặc các tổ chức tội phạm, khủng bố hoặc phản động.

Thứ ba, kho vũ khí quốc gia có thể bị trộm cướp vào những giai đoạn bất ổn. Thí dụ, năm 1997, khoảng nửa triệu món vũ khí của Chính phủ Albania đã bị trộm.

 Thứ tư, đơn giản là vũ khí của chính phủ hoặc quân đội bị mất. Ước tính có tới 1 triệu SALW bị đánh cắp hay mất mỗi năm trên thế giới, và đa số xuất hiện trở lại trên thị trường chợ đen.

Một giám sát LHQ kiểm tra vỏ vũ khí rò rỉ hóa chất.

Thứ năm, quân nhân có thể bán vũ khí để kiếm tiền, đặc biệt ở những nơi lương của quân nhân rẻ mạt hoặc không có lương.

Thứ sáu, vũ khí bị lấy trộm từ các cá nhân sở hữu vũ khí hợp pháp hoặc phi pháp. Và cuối cùng là lợi dụng những kẽ hở trong quản lý mua bán vũ khí, một cá nhân có thể mua không giới hạn vũ khí và mang sang nước khác để bán. Tình trạng này diễn ra phổ biến giữa Mỹ, Mexico và Canada.

“Khách hàng” chính của bọn buôn lậu vũ khí thường là các thành phần phiến quân ở những nước có nội chiến, kế đó là các tổ chức tội phạm và khủng bố, sau đó là một số cá nhân cá biệt. Khi vũ khí lậu đến tay các thành phần phiến quân, nó sẽ khiến xung đột/nội chiến tại nơi đó trở nên khốc liệt hơn. Trong khi đó, vũ khí lậu sẽ khiến bọn tội phạm và các tổ chức khủng bố trở nên nguy hiểm hơn. 

Như tại Ấn Độ, Cảnh sát ở thành phố Allahabad cho biết có trên 85% ca tội phạm nghiêm trọng ở thành phố có liên quan đến vũ khí lậu. Thậm chí, ở thành phố này số vũ khí lậu còn nhiều hơn vũ khí hợp pháp, với tỷ lệ 1 khẩu súng hợp pháp có tới 12 khẩu phi pháp. Từ 2009-2012, cơ quan chức năng đã bắt giữ hơn 1.200 khẩu katas (một loại súng lậu) ở Allahabad.

Những hiệp ước thiếu sức mạnh

Mối đe dọa từ việc chuyển giao vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) bất hợp pháp chủ yếu là một nhóm khủng bố sẽ tạo ra một quả bom bẩn phóng xạ hoặc lắp ráp một thiết bị hạt nhân. 

Mặc dù Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân (NNT), được thông qua vào năm 1968, đã cố gắng ngăn chặn sự gia tăng vũ khí hạt nhân không được kiểm soát, nhiều người cho rằng hiệp ước này và cơ quan thực thi của nó - Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - được trang bị rất yếu ớt để chống lại các mối đe dọa từ những “nhà nước bất hảo” hay các thành phần nguy hiểm phi nhà nước.

Năm 2004, việc thông qua Nghị quyết 1540 của HĐBA LHQ (UNSCR) đánh dấu một bước ngoặt trong nỗ lực ngăn chặn sự gia tăng vũ khí hủy diệt hàng loạt. 

Liên kết với tất cả các quốc gia thành viên LHQ, UNSCR 1540 kêu gọi các nước thực thi pháp luật trong nước để ngăn chặn sự gia tăng, cũng như thành lập Ủy ban 1540 để giám sát việc thực hiện nghị quyết. 

Dù vậy, đến năm 2011, hơn 50 thành viên của LHQ đã không chính thức báo cáo những nỗ lực của họ trong việc ngăn chặn gia tăng hạt nhân cho Ủy ban 1540. 

Các thách thức khác liên quan đến việc thực hiện UNSCR 1540 bao gồm những khó khăn trong việc phối hợp các nỗ lực xây dựng khả năng ngăn chặn phổ biến hạt nhân toàn cầu và giải quyết các hạn chế của một số nước đang phát triển do thiếu chuyên môn kỹ thuật và nguồn lực cần thiết để thực hiện các quy định của nghị quyết. 

Ngoài ra, nhiều nước đang phát triển đơn giản không đưa các mối đe dọa vũ khí hạt nhân vào diện ưu tiên cao như các vấn đề khác.

Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm lệnh cấm vận vũ khí ở Angola.

Sự xuất hiện tương đối gần đây của các thỏa thuận đa phương như Sáng kiến An ninh chống Phổ biến vũ khí giết người hàng loạt (PSI), Sáng kiến toàn cầu Chống khủng bố hạt nhân (GICNT) và Công ước của LHQ về Ngăn chặn các hành vi khủng bố hạt nhân (UNCSANT) là những công cụ quan trọng cho việc xây dựng quy tắc và duy trì sự chú ý toàn cầu về mối đe doạ gây ra bởi sự gia tăng vũ khí hủy diệt hàng loạt. 

Tuy nhiên, các ứng cử viên tiềm năng cho việc chuyển giao bất hợp pháp - dù là nhà nước hay phi nhà nước - chỉ đơn giản là có thể chọn không hợp tác hoặc tham gia vào các hiệp định này. 

Tương tự, tại Hội nghị thượng đỉnh về An ninh hạt nhân năm 2010 ở Washington, gần 50 người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ đã cam kết sẽ bảo đảm an toàn cho vật liệu hạt nhân dễ bị tổn thương trước năm 2014. 

Tuy nhiên, cam kết này không hề ràng buộc về mặt pháp lý, nó cũng không bao gồm những đe dọa đến từ việc phổ biến các thành phần liên quan đến các loại vũ khí hạt nhân. Một hiệp ước có tính ràng buộc là Hiệp ước Cắt giảm nguyên liệu phân hạch (FMCT) lại chưa được thông qua.

Nghị định thư Súng cầm tay

LHQ đã lập ra Sổ Đăng ký Vũ khí quy ước (RCA) để các nước báo cáo tất cả hàng xuất khẩu và nhập khẩu liên quan đến 7 loại vũ khí được coi là nguy hiểm nhất, kể cả vũ khí nhỏ. Tuy nhiên, sự tuân thủ của các quốc gia là tự nguyện và báo cáo này đã giảm trong những năm gần đây. 

Chương trình Hành động ngăn chặn, chống lại và loại bỏ thương mại trái phép vũ khí hạng nhẹ (SALW) trong tất cả các khía cạnh của nó (PoA) là nỗ lực toàn diện nhất trong lĩnh vực này. Được tất cả các quốc gia thành viên LHQ thông qua vào năm 2001, PoA yêu cầu các nước phát triển các cơ quan quốc gia xem xét luật pháp và hợp tác quốc tế để ngăn chặn buôn bán trái phép SALW.

Mặc dù thiết lập các nền tảng quy định quan trọng về cấp phép, truy tìm và hợp tác quốc tế, PoA là một thỏa thuận tự nguyện và không giải quyết các vấn đề quan trọng bao gồm đạn dược, thương mại giữa các nước và thương mại phi quốc gia. 

Tại Hội nghị đánh giá triển khai PoA năm 2012 của các quốc gia thành viên, các nhà phân tích đã báo cáo những khoảng trống đáng kể trong việc thực hiện vì nhiều lý do. Đầu tiên, một số nước vẫn chưa hiểu rõ nghĩa vụ của họ. Ngay cả khi PoA rõ ràng, thì đối với nhiều quốc gia, chống buôn bán SALW không phải là ưu tiên cao. Ngoài ra, PoA thiếu các tiêu chuẩn rõ ràng và một cơ chế để chia sẻ các phương pháp tối ưu để hỗ trợ triển khai.

Hiệp ước ràng buộc pháp lý duy nhất về SALW là Nghị định thư Súng cầm tay (FP), một công cụ bổ trợ cho UNTOC (Công ước LHQ về Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia), yêu cầu các nước tăng cường các biện pháp kiểm soát chống lại vũ khí bất hợp pháp và đạn dược của họ. 

Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng không quy định việc chuyển giao giữa các nước và không thành công lắm trong việc giúp các quốc gia kiểm soát vũ khí bất hợp pháp, mặc dù nó cấp phép, đánh dấu và theo dõi việc phổ biến. 

Ví dụ năm 2007, một tàu Ucraina đã vi phạm các biện pháp trừng phạt quốc tế khi vận chuyển 33 xe tăng T-72, lựu đạn phóng tên lửa và súng phòng không đến Nam Sudan qua Kenya.

Văn Cường
.
.
.