Những "kỷ lục" về hình phạt tù trên thế giới

Thứ Hai, 23/05/2016, 16:50
Để loại trừ hoàn toàn khả năng những người thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng có cơ hội quay trở lại xã hội, không ít tòa án ở Anh, Mỹ, Thái Lan, Tây Ban Nha... đã đưa ra phán quyết bản án "kỷ lục" hàng nghìn năm tù hay hình phạt hàng chục án chung thân.


Hình phạt "nghìn năm tù"

Theo tờ The Independent (Anh), bản án kỷ lục với hình phạt 141.078 năm tù đã được một tòa án Thái Lan đưa ra với bị cáo Chamoy Thipyaso vào năm 1989. Chamoy Thipyaso là vợ của một sĩ quan không quân cấp cao Thái Lan bị kết án đã lừa đảo 16.231 người với tổng số tiền khoảng 2 triệu bảng Anh. 

Một số nguồn tin cho rằng, trong số nạn nhân có người là thành viên của hoàng gia Thái Lan. Có lẽ, vì vậy mà Chamoy Thipyaso đã không được bất kỳ sự khoan hồng nào. Tuy nhiên, Thipyaso đã may mắn khi vào thời điểm đó, pháp luật Thái Lan có quy định rằng, thời gian thụ án cho hành vi gian lận tối đa là 20 năm tù.

Một "kỷ lục" tương tự với 42.924 năm tù cũng đã được phán quyết với trường hợp của Otman el-Gnaoui ở Tây Ban Nha. Phần tử khủng bố Otman el-Gnaoui đã tham gia vào vụ đánh bom ở Madrid vào năm 2004 khiến 191 người thiệt mạng. Kẻ đồng phạm Jamal Zougam bị kết án 42.922 năm tù. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, luật pháp Tây Ban Nha quy định, thời gian thụ án trong tù dài nhất là 40 năm.

Mỹ có lẽ là quốc gia có nhiều tội phạm bị kết án "khủng" hàng đầu thế giới. Vào năm 1994, một tòa án ở tiểu bang Oklahoma, Mỹ đã kết án Charles Scott Robinson 30.000 năm tù vì cáo buộc thực hiện 6 vụ hiếp dâm trẻ em. Các thẩm phán thông báo rằng, Robinson sẽ không được ân xá cho đến năm 108 tuổi. Tội phạm Darron Bennalford Anderson ở Mỹ cũng bị kết án 11.250 năm về tội danh cướp, bắt cóc và cưỡng hiếp một người phụ nữ cao tuổi vào năm 1993.

Otman el Gnaoui, bị kết án 42.924 năm tù vì đã tham gia vào vụ đánh bom ở Madrid vào năm 2004 khiến 191 người thiệt mạng.

"Kẻ giết người đêm Halloween" Dudley Wayne Kyzer ở tiểu bang Alabama, Mỹ bị kết án 10.000 năm tù vì tội giết vợ cũ Diane Kyzer, mẹ vợ Eunice Barringer và Rick Pyron, một sinh viên đại học vào năm 1976. Ban đầu, Dudley Wayne Kyzer bị kết án tử hình vào năm 1977. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Mỹ cho rằng, hình phạt tử hình ở Alabama là vi hiến nên vụ án được xử lại. 

Kết quả là vào năm 1981, Dudley Wayne Kyzer bị kết hai án chung thân về tội giết mẹ vợ Barringer và sinh viên Pyron, cộng với 10.000 năm tù vì tội giết vợ. Bạn bè cho biết, Kyzer hiện đã 74 tuổi, trở thành một người theo đạo Kitô và luôn cảm thấy hối hận vì hành vi phạm tội của mình. Kyzer đã 10 lần bị từ chối tạm tha, lần gần đây nhất là vào cuối năm ngoái.

Hình phạt "vài chục án tù chung thân"

Án tù dài nhất trong lịch sử của nước Anh hiện thuộc về tù nhân Andrew Aston. Andrew Aston bị tòa án ở Birmingham Crown Court kết án 26 án tù chung thân vào năm 2002 vì hai tội danh giết người và 24 tội danh cướp tài sản. Trong ba tháng đầu năm 2001, Andrew Aston, một kẻ nghiện ma túy đã tấn công và trộm cắp tài sản của 26 người già, người khuyết tật tại nhà riêng của họ. Hai trong số những người già bị tấn công là George Dale, 87 tuổi và Frank Hobley, 80 tuổi đã chết. Thay vì nhận tội để có cơ hội giảm án, Andrew Aston yêu cầu ra tòa và có thái độ kích động các nạn nhân nên bản án nặng hơn.

Trước đó, một tù nhân được gọi là "Birmingham Six" cũng bị kết án 21 án tù chung thân vì cáo buộc thực hiện hàng loạt vụ đánh bom vào năm 1974. Khi đã trải qua 16 năm ngồi tù, "Birmingham Six" được công nhận là oan sai. Đây được coi là vụ bê bối pháp lý tồi tệ nhất trong lịch sử nước Anh.

Án oan dài nhất trong lịch sử nước Mỹ

Nếu "Birmingham Six" là vụ án oan tồi tệ trong lịch sử tư pháp Anh thì vụ án Ricky Jackson là bê bối oan sai tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ricky Jackson đã phải ngồi tù 39 năm vì cáo buộc giết người. Năm 1975, ở tuổi 19, ông Jackson cùng với hai người bạn bị kết tội sát hại người bán hàng có tên là Harry Franks. Nhân chứng duy nhất của vụ án là một cậu bé 13 tuổi. 

Ban đầu, ông Jackson bị kết án tử hình nhưng sau đó được giảm án. Vào năm 2014, cậu bé 13 tuổi năm xưa giờ đã trưởng thành ký vào một bản khai cho biết, ông đã nói dối và bị cảnh sát ép buộc phải làm chứng trong vụ ông Jackson. Năm ngoái, ông Jackson đã nhận được hơn 1 triệu USD tiền bồi thường án oan sai từ bang Ohio.

43 năm biệt giam

Tù nhân Albert Woodfox bị biệt giam trong một nhà tù ở Louisiana suốt 43 năm. Đây là khoảng thời gian biệt giam dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tù nhân Woodfox đã phải chịu đựng những tháng ngày tồi tệ, đơn độc trong phòng biệt giam. 23 giờ mỗi ngày, Woodfox phải ngồi một mình trong phòng giam với cùm ở chân và chỉ được phép tập thể dục một giờ tại sân bê tông có hàng rào thép gai kiên cố. 

Theo cáo trạng, Albert Woodfox và hai người khác đã tấn công, giết hại một quản tù vào năm 1972. Ông Woodfox và những người ủng hộ ông cho rằng, cả ba người đã bị kết án sai.

Bên trong một nhà tù ở Mỹ.

Vụ án của ông Woodfox được đưa ra xét xử lần đầu vào năm 1992 nhưng bị trả lại để điều tra bổ sung. Tại phiên tòa thứ hai diễn ra vào năm 1998, ông Woodfox đã bị kết án. Vào năm 2013, bang Louisiana đồng ý cho ông Woodfox tại ngoại. 

Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Woodfox cho biết, "mặc dù tôi đã rất mong muốn được chứng minh vô tội nhưng hiện nay, sức khỏe là vấn đề mà tôi cần phải quan tâm hàng đầu. Những ngày sống trong phòng biệt giam thực sự tồi tệ. Tôi sợ mình sẽ biến thành một em bé, nằm cuộn tròn như một bào thai trong suốt quãng đời còn lại. Nhiều lúc, tôi cảm thấy sợ bản thân mình. Sợ rằng, một lúc nào đó, tôi sẽ tấn công chính cơ thể mình. Có khi, tôi thấy mình không thể chịu đựng thêm được nữa".

Thụ án 68 năm và 245 ngày trong tù

Paul Geidel Junior là người thụ án lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ với tổng số 68 năm và 245 ngày. Trước đó, kỷ lục này thuộc về Johnson VanDyke Grigsby với 68 năm và ba tháng thụ án trong một nhà tù ở tiểu bang Indiana. Johnson VanDyke Grigsby được tại ngoại  vào năm 1976.

Geidel phạm tội vào năm 1911 khi mới 17 tuổi và là nhân viên phục vụ làm việc tại một khách sạn ở New York. Geidel đã lẻn vào phòng của khách hàng William H Jackson với ý định ăn cắp tài sản. Người đàn ông giàu có 73 tuổi này đã tỉnh giấc, phát hiện hành vi của Geidel và hai người đã xảy ra xô xát với nhau. Trong lúc giằng co, Geidel đã dùng một miếng giẻ bịt vào miệng khiến William H Jackson chết ngạt. Geidel chỉ lấy được vài đô la sau đó bỏ trốn khỏi hiện trường.

Geidel bị bắt hai ngày sau đó. Geidel bị kết tội giết người cấp độ hai và được đưa đến nhà tù thụ án khi mới 20 tuổi. Geidel được trả tự do khi bước vào tuổi 86. Ông Geidel từng được ân xá vào năm 1974 nhưng quyết định ở lại trong tù thêm 6 năm nữa vì ông nghĩ rằng, mình không biết cách sống ra sao ở xã hội bên ngoài vì cả đời bị giam cầm trong tù. Ông  Geidel chết trong một nhà dưỡng lão ở tuổi 93.

Tường Phạm (tổng hợp)
.
.
.