Những chiến dịch điều tra mafia nổi tiếng của Cảnh sát Italia

Chủ Nhật, 02/06/2019, 20:05
Các tội phạm mafia bị bắt giữ, trong đó bao gồm Giuseppe Pensabene (ảnh đứng riêng bên phải), Emanuele Sangiovanni (hàng cuối, thứ 4 từ phải sang) và Giuseppe Vinciguerra (hàng cuối, thứ 2 từ phải sang).


Chiến dịch "Crimine-Infinito" của SCO

Vào một buổi chiều mùa hè năm 2012, đội cảnh sát điều tra thuộc lực lượng đặc nhiệm chống tội phạm có tổ chức (SCO) của Italia lắng nghe cuộc điện thoại giữa một trùm mafia Ndrangheta với một người môi giới và cuộc điện thoại đến từ Hồng Kông.

Giọng nói thứ nhất là của ông trùm Giuseppe Pensabene (biệt danh “Giáo hoàng”), đối tượng chẳng xa lạ gì đối với SCO. Giọng nói thứ hai trong điện thoại là của người môi giới Thụy Sĩ gốc Italia tên Emanuele Sangiovanni. Giuseppe Pensabene “Giáo hoàng” chào đời năm 1968 ở ngôi làng nhỏ Montebello Jonico vùng Calabria miền Nam Italia, nơi được coi là thành trì của Ndrangheta.

Các tội phạm mafia bị bắt giữ, trong đó bao gồm Giuseppe Pensabene (ảnh đứng riêng bên phải), Emanuele Sangiovanni (hàng cuối, thứ 4 từ phải sang) và Giuseppe Vinciguerra (hàng cuối, thứ 2 từ phải sang).

Pensabene bắt đầu bước vào thế giới tội phạm vào đầu năm 1980 khi gia nhập Imerti – gia đình mafia “đáng kính” liên quan đến sự kiện gọi là “Chiến tranh Ndrangheta lần thứ 2” xảy ra khoảng các năm 1985 và 1991 giết chết 500 người. Năm 1988, Pensabene di chuyển lên phía Bắc và sống ở Brianza – vùng phụ cận thành phố Milan và là một trong những địa phương giàu có nhất Italia. Lúc này, “nghề nghiệp” của hắn là tống tiền, buôn ma túy và rửa tiền. Sau chiến dịch truy quét tội phạm của SCO năm 2010, Pensabene trở thành thủ lĩnh của Ndrangheta.

Trong điện thoại, Pensabene và Sangiovanni bàn chuyện làm ăn với một công ty ở Malta và công ty khác ở Hồng Kông có thể qua mặt chính quyền. Mối liên kết giữa Pensabene với vùng Viễn Đông là công ty của một nhân vật gọi là “kiến trúc sư Hồng Kông”. Từ văn phòng siêu nhỏ không cửa sổ và nhà vệ sinh ở Brianza (được gọi là “il tugurio”, túp lều), Pensabene và tổ chức của hắn dễ dàng rửa sạch vài triệu euro lợi nhuận từ buôn lậu cocaine của những người cháu hoạt động ở Calabria.

Gần như 100% khách hàng sử dụng “dịch vụ” của Pensabene thuộc về thế giới ngầm ở Calabria thông qua người trung gian gốc đảo Sicily khoảng 40 tuổi tên là Giuseppe Vinciguerra. Trong mạng lưới rửa tiền của Pensabene cũng bao gồm Công ty Trung Quốc Fengrun International Ltd. Theo hồ sơ điều tra SCO, mối hợp tác làm ăn Pensabene-Vinciguerra trị giá đến 8,2 triệu euro (9,6 triệu USD).

Cảnh sát bắt đầu theo dõi Vinciguerra từ khi kết thúc chiến dịch “Crimine-Infinito” (tạm dịch: Chiến dịch Tội phạm vô tận), bất chấp hắn hết sức cẩn thận chuyển từ máy này sang máy hàng tuần. Trong tháng 11-2011, thám tử SCO nghe được 6 cuộc trò chuyện giữa Vinciguera và một người quốc tịch Trung Quốc chỉ được gọi biệt danh là “Michele”.

Cả hai bàn luận về vài vụ “giao hàng”, “container”, “bưu kiện” và “những hành trình” mà có lẽ liên quan đến hoạt động chuyển tiền có (hoặc không có) sự dính líu của Fengrun International Ltd. Đến chiều ngày 11-12-2011, Vinciguerra và “Michele” hẹn gặp nhau để kết hợp một số việc chưa giải quyết và thám tử SCO nhanh chóng quyết định triển khai kế hoạch theo dõi xung quanh đảo Sicily miền Nam Italia.

Đúng chiều ngày hôm đó, một chiếc Volkswagen chạy đến đỗ cạnh chiếc Mescedes của Vinciguerra trong khoảng sân nhỏ đằng sau GMB – một công ty ở Milan được bọn tội phạm sử dụng làm bình phong cho các hoạt động của chúng. Sau đó, một người đàn ông châu Á khoảng 30 tuổi bước vào chiếc Mercedes và nói chuyện kín đáo với Vinciguerra suốt 2 giờ. Lúc đó, lực lượng SCO âm thầm theo dõi và nghe lén điện thoại của chúng từ xa.

Cảnh sát Milan DDA.

Cuối cùng, SCO điều tra được biển số xe Volkswagen và số điện thoại di động của người đàn ông châu Á thuộc về một người tên là Chen Sheng sinh năm 1981, ở tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc và sở hữu một công ty xử lý rác thải ở Milan.

Khi “Giáo hoàng”, Sangiovanni cùng với 38 người khác bị bắt giữ năm 2014, SCO tịch thu được số lượng lớn hàng hóa, bất động sản, tài khoản ngân hàng và 39 công ty tội phạm trị giá hàng chục triệu euro. Pensabene, Sangiovanni, Vinciguerra và nhiều người khác bị buộc hàng loạt tội danh: đồng lõa rửa tiền, đe dọa tống tiền, buôn lậu, sở hữu vũ khí trái phép và vài trọng tội khác.

Chiến dịch nghe lén của lực lượng DDA

Tháng 12-2014, lực lượng cảnh sát chống mafia ở Milan (DDA) đã bắt giữ 59 tên tội phạm, trong đó có 2 anh em Giulio và Vincenzo Martino đặc biệt nguy hiểm của gia đình mafia nổi tiếng DeStefano ở vùng Calabria. Kẻ thù không đội trời chung của hai anh em Martino lúc còn ở tuổi 20 chính là Giuseppe Pensabene.

Một ngày trong năm 2011, tức đúng 20 năm sau khi “Chiến tranh Ndrangheta lần thứ 2” kết thúc với thỏa ước ngừng bắn giữa DeStefano, Imerti, cũng như đồng minh của cả 2 phe, anh em Martino ngồi đối diện với cựu thù Giuseppe Pensabene “Giáo hoàng” trong một quán bar ở Milan để giải quyết một cuộc xung đột khác liên quan đến 2 doanh nhân địa phương.

Do gặp rắc rối về vấn đề tài chính, cả hai doanh nhân buộc phải cậy nhờ sự “phân xử” của 2 ông trùm mafia này. Doanh nhân Cristinano Sala sở hữu vài công ty cung cấp dịch vụ thực phẩm cho Sân vận động San Siro, nơi hàng tuần diễn ra trận đấu giữa 2 câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng A.C. Milan và Inter Milan.

Cristiano Sala rất cần tiền nên nhờ “Giáo hoàng” giúp đòi doanh nhân Marco Santulli số tiền đã vay ít nhất là 500.000 euro. Santulli biết tỏng có một ông trùm hùng mạnh đằng sau Sala nên cũng mò đến anh em Martino để xin giúp đỡ. Hai cựu thù mafia đã học được bài học từ cuộc chiến tranh đẫm máu ngày xưa ở Calabria nên bây giờ thay vì “đấu súng” với nhau thì họ chuyển sang hợp tác có lợi cho đôi bên nhờ vụ giải quyết xung đột của 2 doanh nhân Milan.

Martino Giulio.

Cuối cùng, Cristiano Sala bắt đầu làm việc cho hai ông trùm, đồng thời giúp họ thâm nhập giới doanh nhân giàu có trong mạng lưới của mình. Sau một thập niên chỉ biết loay hoay buôn lậu cocaine, 2 anh em Giulio và Vincenzo Martino dần được “kính trọng” khi đổ tiền đầu tư vào vài doanh nghiệp từ xây dựng cho đến buôn ôtô.

Lực lượng DDA biết rõ trong suốt những năm dài ngồi tù vì tội buôn  lậu cocaine, anh em Martino giấu kín số tiền khổng lồ thông qua những tài khoản ngân hàng bí mật và bây giờ bọn chúng muốn sử dụng số tiền này để đầu tư kinh doanh. Sau nhiều tháng điều tra, DDA nắm được thông tin chuyên gia tài chính có thể giúp đỡ hai anh em chính là Francesco Longo, nhà môi giới người Italia hoạt động ở Thụy Sĩ.

Anh em Martino muốn mua tuyệt đại đa số cổ phần một khách sạn lớn ở Riviera – vùng duyên hải miền Nam châu Âu, trải dài từ thành phố Cannes nước Pháp đến La Spezia của Italia. Nhưng, muốn đạt được mục đích thì điều đầu tiên họ cần là số tiền giấu qua những tài khoản ngân hàng bí mật.

Vào một buổi sáng tháng 3-2011, ở Milan, Giulio Martino đã gặp nhà môi giới tài chính Francesco Longo trong khách sạn Western Palace Hotel. Chộp ngay cơ hội, DDA triển khai kế hoạch nghe lén cuộc trò chuyện của chúng.

Cuối cùng, DDA phát hiện từ năm 1996 đến 2009, anh em Martino giấu tiền ở Thụy Sĩ và Hồng Kông thông qua Edmondo Colangelo – tay sai trung thành của chúng. Sau khi bị bắt giữ tại thành phố cảng Genoa khi đang mua 283kg cocaine từ bạn hàng Dominican, Colangelo đồng ý làm việc cho cảnh sát.

Theo hồ sơ điều tra, có hai nhân vật bí ẩn khác gọi là “Peter” và “Oliver” được nhắc đến trong cuộc trò chuyện bí mật giữa Long và Giulio Martino tại Western Palace Hotel ở Milan. Thậm chí, sau khi bắt giữ Franceso Long, cảnh sát vẫn chưa xác định được danh tính thực của hai nhân vật bí ẩn và cho rằng có thể đó là người môi giới hoạt động trong những “điểm mềm” trên bản đồ thế giới từ Dubai đến Hồng Công.

Chiến dịch "Phuncards-Broker"

Trong bóng tối của thế giới mafia và nhà môi giới tài chính cũng xuất hiện một cá nhân đặc biệt khác giúp đỡ Ndragheta mở rộng hoạt động bất hợp pháp từ châu Âu đến châu Á - đó là cựu Thượng nghị sĩ Nicola Di Girolamo người gốc Roma.

Theo điều tra trong Chiến dịch “Phuncards-Broker” (tạm dịch: Chiến dịch Thẻ cào điện thoại và nhà môi giới) của lực lượng Cảnh sát Roma, Di Girolamo giành được chiếc ghế trong Thượng viện Italia vào năm 2008 chính là nhờ “công lao” của gia đình mafia Arena thuộc tổ chức Ndrangheta. Gia đình Arena đặt căn cứ tại ngôi làng nhỏ Isola Capo Rizzuto phía bắc Calabria, rải người và tiền khắp Italia cũng như vài quốc gia châu Âu.

Năm 2006, Di Girolamo đi lại khắp khu vực Đông Nam Á để làm việc cho “doanh nghiệp” gia đình Arena - ví dụ như có mặt ở Hồng Kông để thành lập vài công ty bình phong như là New Success Ltd., Y2K Diamonds và Super Harvest Finance. Đầu tháng 12-2006, Di Girolamo đến thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia và sau đó bay đến Singapore.

Trong vòng 3 năm sau đó, Di Girolamo rơi vào trung tâm của vụ bê bối khổng lồ - đó là mạng lưới các công ty bình phong do ông thành lập bị buộc tội trốn thuế. Theo điều tra của Cảnh sát Roma, Di Girolamo đến Hồng Kông tiếp xúc với một người tên là “Raymond Choi” hay “Raymond Chan”.

Mặc dù nỗ lực điều tra, song danh tính thực của người Hồng Kông này vẫn còn nằm trong bí mật. Một người trong mạng lưới của Di Girolamo tên là Silvio Fanella bị bắn chết ở Roma năm 2014. Bọn giết người mặc cảnh phục giả trang lực lượng cảnh sát tài chính Italia – Guardia di Finanza,  chịu trách nhiệm về những vụ án liên quan đến tài chính - và chúng không bao giờ bị bắt giữ.

Theo hồ sơ điều tra của cảnh sát, giữa tháng 2-2006 đến tháng 2-2007, chỉ riêng ở Hồng Kông, mạng lưới của Di Girolamo đã trốn thuế tại  Italia với số tiền  xấp xỉ 14 triệu euro. Hiện nay, nhiều cuộc điều tra của Cảnh sát Italia trải dài từ châu Âu đến châu Á vẫn đang được tiến hành. Và, có vẻ như Ndrangheta đã thực sự yêu mến Hồng Kông cũng như “tuần trăng mật” của tổ chức mafia vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Duy Minh
.
.
.