Những cái chết vì "danh dự" dành cho phụ nữ Hồi giáo

Thứ Sáu, 27/06/2014, 12:30

Trong thế giới Hồi giáo cực đoan, hôn nhân vì tự ý tìm hiểu mà không có sự đồng ý hoặc chối bỏ hôn phu đã được gia đình hứa hôn hoặc ngoại tình bị coi phạm tội ngoại tình, đó là một trọng tội, tất cả những người phụ nữ không may phạm phải đều phải lĩnh chịu hậu quả rất thương tâm có thể cướp đi sinh mạng của họ. Và trong tháng 5 này đã có 2 người phụ nữ Hồi giáo đều còn rất trẻ, một ở Pakistan và một ở Sudan đã bị xử tội chết theo cái gọi là "cái chết danh dự".

Vụ thứ nhất xảy ra ở nước Cộng hòa Hồi giáo Sudan ở châu Phi. Chị Ibrahim 27 tuổi, một người Ethopia nhập cư Sudan, nghề nghiệp: bác sĩ, có cha là người theo đạo Hồi, nhưng mẹ là người Thiên chúa giáo và đã làm lễ rửa cho Ibrahim ở nhà thờ.

Vào ngày 11/5, một tòa án ở Khartom kết tội Ibrahim, người phụ nữ đang mang thai tháng thứ 8 phạm tội ngoại tình và xử chị án tử hình treo cổ. Trước khi Ibrahim (tên thật là Abrar al Hady) nhận án tử, gia đình đã tìm nhiều năm vì nghĩ chị mất tích, họ đã vô cùng sốc khi thấy Ibrahim kết hôn với một người đàn ông theo đạo Thiên chúa.

Theo Luật Sharia của Sudan, bất kỳ cuộc hôn nhân nào của một người phụ nữ Hồi giáo với một người không theo đạo Hồi đều phạm tội ngoại tình. Mặc dù anh Ali, chồng chị Ibrahim cùng Tổ chức Ân xá quốc tế kêu gọi tòa án Sudan hoãn thi hành án đối với người phụ nữ phạm "trọng tội" cho đến khi con của chị được ít nhất 2 tuổi, tuy nhiên, thật xót xa, Ibrahim đã không bao giờ thấy mặt con trai mình nữa, chị bị xử tử bằng đòn roi và sau đó bị treo cổ theo Luật Sharia.

Và vụ thứ hai, rất thương tâm, chị Farzana Parveen, 25 tuổi, đã bị gần 20 thành viên trong gia đình của chị giết ngay giữa thanh thiên bạch nhật trước một đám đông tụ tập bên ngoài Tòa án Tối cao ở thành phố Lahore, miền Tây Pakistan. Khi Parveen đi tới cổng chính của tòa án cùng với chồng là anh Mohammad Iqbal, thì những người thân của chị Parveen đang đứng đợi cặp đôi từ trước, họ bắn súng chỉ thiên và cố lôi tuột chị khỏi tay người chồng Iqbal.

Khi chị chống cự, những kẻ tấn công, trong đó có cả cha đẻ, 2 người anh em ruột cùng người chồng hứa hôn trước đây bắt đầu đánh chị và chồng của chị, trước khi họ vơ gạch, đá tấn công tàn bạo đôi vợ chồng trẻ từ một công trường xây dựng gần đó.

Luật sư Mustafa Kharal, người bảo vệ quyền thân chủ của mình là chị Farzana cho biết, cha chị đã nộp đơn để kiện chồng chị tội bắt cóc, đôi vợ chồng trẻ đã kháng cáo.

Cảnh sát Pakistan đang phong tỏa hiện trường, lấy lời khai nhân chứng để phục vụ công tác điều tra vụ án mạng.

Hàng trăm phụ nữ đã bị giết hằng năm theo cái gọi là "đại hình luật Hồi giáo Pakistan: cái chết danh dự" do chồng hoặc những người thân thuộc thực hiện như một sự trừng phạt dành cho những người phụ nữ bị cáo buộc ngoại tình hoặc có hành vi tình ái bất hợp pháp khác.

Sau khi cố trốn thoát, ông Mohammad Azeem biết không thể thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật, ông đã đến cơ quan cảnh sát đầu thú và thừa nhận tham gia vụ sát hại chính con đẻ của mình. Tuy nhiên, thật đáng lên án, Mohammad Azeem không hề tỏ ra hối hận. "Tôi phải giết con gái tôi vì nó đã xúc phạm toàn bộ gia đình vì cưới một người đàn ông mà không có sự đồng ý của chúng tôi, và tôi không hề hối tiếc về việc đó", sĩ quan cảnh sát điều tra Rana Mujahid thuật lại lời khai của ông Mohammed Azeem.

Anh Iqbal, 45 tuổi, bắt đầu tìm hiểu chị Parveen sau khi người vợ đầu mất, họ sinh được 5 con. "Chúng tôi yêu nhau. Tôi chỉ mong đưa cô ấy đến tòa án và đăng ký kết hôn", Iqbal đau buồn nói trong trạng thái phẫn nộ trước hành vi giết người man rợ đồng thời tố cáo gia đình người vợ quá cố Parveen muốn tống tiền anh trước khi anh phải bỏ ý định cưới Parveen.

Theo Hiệp hội Aurat-nhóm hoạt động nhân quyền vì nhân dân Pakistan, có đến 1.000 phụ nữ bị gia đình họ giết vì "danh dự" mỗi năm. Ủy ban Nhân quyền Pakistan công bố một bản báo cáo vào tháng trước tiết lộ 869 phụ nữ đã phải chết vì "cái chết danh dự" trong năm 2013, tuy nhiên Hiệp hội Aurat khẳng định con số đó có thể cao hơn vì tổng số đó chỉ dựa trên số liệu báo chí. Trong khi đó, chính phủ Pakistan không thống kê bất kỳ số liệu nào về "cái chết danh dự".

Ông Zia Awan lưu ý rằng những đối tượng phạm tội bạo lực chống lại phụ nữ hoặc được xử trắng án, hoặc chỉ bị xét nhẹ, nguyên nhân do cảnh sát điều tra không đến nơi đến chốn và công tác truy tố xét xử thiếu nghiêm minh. Thậm chí những kẻ phạm tội có thể thoát tội khi luật pháp Pakistan ra phán quyết yêu cầu gia đình nạn nhân tha thứ cho kẻ giết nạn nhân.

Thậm chí còn kinh hoàng hơn thế, mặc dù hầu hết các vụ giết người vì "danh dự" đều do thành viên người chịu nhục nạn gây ra, tập thể thủ phạm có thể dùng tiền thuê người khác giả nhận tội và sau đó tha thứ cho anh ta theo cam kết ngầm. "Đây là một lỗ hổng lớn trong hệ thống pháp luật. Chúng tôi đang thật sự phải đấu tranh với vấn đề này", chủ tịch Quỹ Aurat Wasim Wagha lên tiếng bày tỏ sự quan ngại

Phạm Trúc
.
.
.