Nhức nhối nạn buôn người ở Hà Giang

Thứ Hai, 30/11/2015, 20:34
Buôn người - tội ác đã và đang gây ra biết bao nỗi đau cho bà con dân tộc thiểu số các tỉnh vùng cao, đặc biệt là Hà Giang. Các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc, đánh án, chặt đứt các đường dây lớn. Song, vấn nạn này vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là trong điều kiện đời sống người dân vẫn chưa vơi bớt khó khăn.

Con người không phải món hàng

Hình ảnh những xóm làng hoang vắng và lo sợ, những em bé ngơ ngác vì mất mẹ ám ảnh tôi. Lẽ ra mọi người đều có thể sum vầy, sống vui vẻ, nhưng tất cả đã bị một loại tội phạm tước mất: bọn buôn người. Hành vi chống lại quyền con người, xâm phạm phẩm giá, coi con người như một món hàng của bọn chúng khiến ai cũng phải bất bình.

Làm sao cầm lòng được khi chứng kiến hai em Nguyễn Thị Sang (quê Bắc Giang) và Hoàng Thị Lĩnh (quê Hà Nội) khóc thảm thiết vì trở thành nạn nhân của đối tượng Ma Ly Thành ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang).

Làm sao có thể không bất bình khi đối tượng Sùng Quáng Sử (Xín Mần, Hà Giang) nhẫn tâm mang cả người vợ của mình là chị Làn Thị Hàng đi bán để lấy 13 triệu đồng ăn tiêu? Giờ chị Hàng đã về miền quê ở huyện Quang Bình sống nương nhờ mẹ đẻ, gã chồng tội lỗi đã phải chịu án phạt tù, nhưng chị vẫn không thể tin gã chồng lại coi rẻ mình đến thế. "Bán cả vợ đi thì còn gì kinh khủng hơn. Con người không thể bị coi như món hàng!", chị Hàng uất nghẹn. Nỗi đau thật sự chưa vơi bớt trong lòng người vợ trẻ.

Người ta vẫn nói, chung dòng máu hay là người bạn đời trăm năm sẽ thương nhau hơn, vậy mà chuyện chồng bán vợ, anh bán em, cô bán cháu chẳng còn là chuyện hiếm hoi nữa. Người viết bài này từng theo đuổi nhiều vụ buôn người diễn ra ở các vùng sâu, vùng xa tỉnh Nghệ An, Lào Cai… Nhiều bị cáo trong phiên xử án thành thật khai nhận tội, trong đó có người đưa ra lý do bán người thân rất đơn giản: "Mình đang cần tiền thì đồng ý thôi". Sự bất chấp tình thâm đang cho thấy tiền bạc đã làm mờ mắt, tha hóa một số người từng rất lương thiện.

Các bị cáo phạm tội mua bán người trước vành móng ngựa.

Trở lại câu chuyện vẫn chưa "hạ nhiệt" tại Hà Giang, tôi nhiều lần nước mắt chực trào trước những tình huống tréo ngoe của người bị hại, như trường hợp em Sải Thị Liêm ở Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì là một điển hình. Dù đã được giải cứu cách đây ít tháng, nhưng đến giờ Liêm vẫn chưa hết lo sợ về những ngày bị bán vào một động mại dâm ở Vân Nam (Trung Quốc).

Gặp khách xa, em cúi mặt xuống khi nhắc lại chuyện cũ. Vốn là cô gái ham học, cha mẹ đưa Liêm ra thị trấn Vinh Quang trọ học ở trường trung học phổ thông. Do nhẹ dạ, cô gái mới lớn tin lời tán tỉnh và yêu Hứa Văn Trưởng, trú tại huyện Vị Xuyên, đối tượng sống lang thang, từng có một tiền án. "Trưởng quen cháu do một lần đến xây nhà thuê cho bố cháu, rồi anh ấy lấy số điện thoại, nói thương cháu. Cháu đã tin và đi theo đến những nơi Trưởng bảo. Trưởng đã bán cháu… Cháu sợ lắm, sợ lắm…", giọng Liêm nghẹn lại.

Sau khi bị lừa bán, người phụ nữ này đã không còn bình thường.

Quyết liệt đánh án

Chắp nối các thông tin từ Công an tỉnh Hà Giang, tôi được biết rất nhiều vụ án ban đầu chỉ một gia đình trình báo, trong quá trình điều tra đã khai mở cả một đường dây lớn có nhiều mắt xích liên quan đến nhau. Trường hợp em Sải Thị Liêm là một điển hình. Sau khi em mất tích, qua sàng lọc thông tin, cộng với sàng lọc các tin nhắn trong điện thoại Liêm bỏ ở phòng trọ, các trinh sát đã xác định được đối tượng nghi vấn là Hứa Văn Trưởng.

Qua Trưởng, bốn đối tượng khác cũng rơi vào "tầm ngắm" và chẳng bao lâu đường dây mua bán người, trẻ em đưa sang Trung Quốc làm vợ và gái mại dâm, gồm năm đối tượng là: Hứa Văn Trưởng, Đinh Thị Lan, Lù Văn Xanh, Đinh Thị Bình (đều trú tại huyện Vị Xuyên) và Vinh Triều Binh, trú tại Vân Nam (Trung Quốc) đã bị chặt đứt. Các cơ quan chức năng đã giải cứu sáu em gái đều ở tuổi vị thành niên là nạn nhân của Trưởng.

Hứa Văn Trưởng và đồng bọn chỉ là một trong số nhiều đường dây lớn và phức tạp bị bóc gỡ trong những năm qua. Nhiều chuyên án lớn huy động lực lượng lớn, tốn nhiều thời gian đã giải cứu cho hàng trăm nạn nhân của bọn tội phạm. Riêng từ đầu năm tới nay, Bộ đội biên phòng Hà Giang đã phát hiện, bắt giữ 12 vụ gồm bốn đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người, bắt cóc chiếm đoạt trẻ em.

Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người (2011- 2015) của UBND tỉnh Hà Giang đưa ra con số 1.683 trường hợp được giải cứu cho thấy những nỗ lực của cơ quan chức năng và tình hình vẫn đang rất nóng bỏng. Nhưng chẳng ai thống kê cho nổi những người vẫn chưa được giải cứu và nỗi đau dai dẳng mà người dân phải gánh chịu.

Thượng tá Nguyễn Khánh Toàn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an tỉnh Hà Giang, người có nhiều kinh nghiệm đánh án, nhìn nhận, đây là vấn nạn quốc tế chứ không riêng gì ở Việt Nam hay Hà Giang. Bọn mua bán người vẫn không ngừng mở rộng mạng lưới, các đối tượng hoạt động ẩn, công tác giải cứu gặp nhiều khó khăn. "Chúng tôi mong cả xã hội vào cuộc, quyết liệt đánh bạt loại tội phạm này, bởi đây là công việc vô cùng phức tạp, gian nan và có ảnh hưởng lâu dài đến an ninh khu vực, đời sống của nạn nhân và gia đình họ".

Lo ngại trước những thủ đoạn tinh vi của loại tội phạm này, Đại tá Hầu Văn Lý, Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang cho rằng, công tác thông tin tình hình tội phạm, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc còn gặp nhiều khó khăn, lực lượng phòng chống tội phạm còn mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm công tác nên cần sâu sát và chủ động hơn trong phối hợp đánh án.

Đối tượng Nguyễn Thị Khuê khai báo tại cơ quan điều tra.

"Từ nay đến cuối năm, tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Lực lượng Công an, Biên phòng tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp; Tòa án cần phối hợp mở các phiên tòa xét xử lưu động tại địa bàn thường xuyên xảy ra tội phạm, có nguy cơ cao để phục vụ tuyên truyền, răn đe nhằm kiềm chế tội phạm gia tăng", Đại tá Hầu Văn Lý nhấn mạnh.

Một kênh tuyên truyền được xác định đang dần phát huy hiệu quả là Dự án Xây dựng đường dây nóng phòng chống nạn buôn bán người do Tổ chức Jica (Nhật Bản) tại Việt Nam phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Giang triển khai tại một số xã trọng điểm.

Đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin về tội phạm; giúp đỡ, tư vấn cho người dân kiến thức phòng ngừa những thủ đoạn lừa đảo của chúng. Bà Mạc Thị Liên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Giang cho hay: "Chúng tôi đang nỗ lực để đường dây nóng hoạt động có hiệu quả hơn, giúp trang bị thêm cho bà con kỹ năng, kiến thức tự bảo vệ mình".

Giải quyết tận gốc cái nghèo và lạc hậu

Phải nhìn nhận, dù "đổ tội" cho cái nghèo, lạc hậu và địa bàn phức tạp, thì chính công tác phối hợp vẫn chưa đạt kết quả cao như Đại tá Hầu Văn Lý từng nói. Theo nhiều ý kiến đồng thuận, biện pháp giảm bớt nạn mua bán người chính là giải bài toán xóa đói giảm nghèo và lạc hậu cho bà con. Bởi khi ấy, bà con sẽ có thêm nhiều điều kiện để tự bảo vệ mình và những người dân lành hiền cũng không vì đói nghèo mà ra tay làm liều.

Trong nhiều chuyến đi vùng cao Hà Giang, gặp gỡ những người nông dân hay lam hay làm, da dẻ sạm nắng, tôi từng nể phục sức sống quật cường của họ. Thế nhưng, cũng có người nghĩ dại tham gia vào những đường dây phạm tội. Chính những phạm nhân trong trại giam đã từng thốt lên những lời ân hận: "Chúng tôi biết làm vậy là vi phạm, nhưng đói thì hóa liều". Thượng tá Nguyễn Khánh Toàn nêu quan điểm: "Nếu "đánh" được cái đói, cái nghèo và lạc hậu sẽ mang lại hiệu quả".

Các cơ quan chức năng Hà Giang cần sớm nhận thức rõ nguyên nhân để ngăn chặn từ gốc, thay vì đối phó theo vụ việc? Phải chăng, công tác xóa đói, giảm nghèo và lạc hậu sớm được triển khai thì tệ nạn này đã được hạn chế hơn? Nói như ông Trần Việt Trung, Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB&XH Hà Giang, thì dù đã cố gắng nhưng do đặc thù, điều kiện kinh tế nói chung của địa phương còn nghèo, nhất là các huyện giáp biên, nên muốn diệt cái nghèo cũng không phải một sớm một chiều mà thực hiện được.

 "Công tác dạy nghề ở các địa phương cần được triển khai hiệu quả hơn, đồng thời tuyên truyền để những người từng là nạn nhân được học nghề, tái hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định cuộc sống", ông Trung nêu giải pháp.

Hùng Khánh
.
.
.