Tanzania:

Nhiều chính trị gia muốn sở hữu bộ phận cơ thể người bạch tạng để lấy hên

Thứ Sáu, 22/05/2015, 21:29
Cảm giác đau khôn tả lan khắp cơ thể Kulwa khi một nhóm đàn ông chặt cánh tay của cô trên giường. Cô cầu xin chúng dừng lại, song chúng vẫn tiếp tục vung dao.

Kulwa Lusana đã bị 5 gã đàn ông đè cô xuống giường trong túp lều gần nhà của cô ở phía Tây Bắc Tanzania rồi vung dao để chặt cánh tay. Chúng bọc cánh tay trong áo choàng rồi tẩu thoát trong bóng tối- Daily Mail mô tả.

Trên thực tế, Kulwa chỉ là một trong vài trăm nạn nhân của nạn buôn bán các bộ phận cơ thể người bạch tạng ở Tanzania. Các thầy phù thủy ở nước này dùng bộ phận cơ thể của người bạch tạng để làm bùa cho những người giàu có và quyền lực. Kulwa khá may mắn vì nhiều người có màu da giống cô đã mất mạng trong các vụ tấn công.

Kulwa Lusana bị những kẻ tàn ác chặt tay.

Trong vòng 6 tháng qua, những kẻ bất lương đã giết hoặc chặt tay, chân của 15 người bạch tạng - bao gồm cả những đứa trẻ dưới 6 tuổi.

Bộ phận cơ thể của người bạch tạng là mặt hàng béo bở đối với những kẻ bất lương. Chúng có thể bán cơ thể nguyên vẹn của người bạch tạng với giá 50.000 bảng (hơn 1,6 tỷ đồng) và bộ phận tay, chân với giá vài nghìn USD. Số tiền như thế là gia tài lớn đối với nhiều kẻ túng quẫn. Thực trạng đó khiến cuộc sống của người bạch tạng trở nên mong manh.

Cánh tay của Kulwa, giống như chi của những người bạch tạng khác, sẽ xuất hiện trong nhà một thầy phù thủy. Một người nào đó sẽ trả khoản tiền lớn để mua nó. Tòa án chưa bao giờ xét xử những người mua bộ phận hay thậm chí cả xác của người bạch tạng.

Kulwa không thể hiểu tại sao cảnh sát không thể bắt những gã đàn ông đã chặt cánh tay của cô. "Nếu cảnh sát bắt những kẻ đó, chúng nên bị giết theo đúng cách mà chúng sát hại người bạch tạng"- cô bình luận.

Một bộ phận dân chúng ở Tanzania tin rằng, những người bạch tạng là hiện thân của sự xui xẻo hoặc quỷ dữ. Vì thế gia đình cũng đối xử với họ khá tệ. "Bố không cho tôi tới trường vì ông sợ da tôi sẽ cháy sạm vì tia nắng và tôi sẽ ngất. Vì thế, hàng ngày tôi ở nhà nấu ăn, rửa bát, giặt quần áo. Khi các anh, chị, em của tôi tới trường, tôi làm bữa sáng và chuẩn bị đồng phục cho họ"- cô kể.

Việc Kulwa phải ngủ ngoài lều, còn em gái song sinh của cô - vốn không mắc bạch tạng - ngủ trong nhà cũng là một dấu hiệu cho thấy cách người bố phân biệt đối xử với cô. Nhưng giờ đây, ở tuổi 19, cuộc đời của Kulwa đã sang trang mới. Sau khi cô mất cánh tay, tổ chức từ thiện Under The Same Sun (UTSS) đã cử người đưa cô tới một trung tâm bảo vệ người bạch tạng do họ thành lập. Nhờ nỗ lực của UTSS, cô gái 19 tuổi có cơ hội học tập. Hiện cô đang học nghề may.

"Tôi cũng học cách đan áo len nữa. Dù chỉ còn một tay, tôi vẫn cố học"- cô tâm sự. Mơ ước của Kulwa là mở một hiệu may. Nụ cười rạng rỡ cho thấy mức độ tự hào của cô về những kỹ năng mà cô đã đạt.

Kulwa cảm thấy ấm lòng và hạnh phúc bên cạnh các nhân viên của tổ chức từ thiện Under The Same Sun.

Vicky Ntema, một thành viên của UTSS, nói với Daily Mail rằng, Kulwa phải vượt qua vài trở ngại trước khi biến ước mơ thành hiện thực. "Một cánh tay nhân tạo, bộ đan len chuyên nghiệp, máy may là những thứ mà Kulwa cần để mở hiệu hoặc hợp tác với một phụ nữ khác"- Ntema giải thích.

Hiện tại Kulwa an toàn vì cô ở trong trung tâm của UTSS, song nhiều người bạch tạng khác luôn đối mặt với hiểm họa. Một cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 10 năm nay. Vì thế, những nhà hoạt động xã hội lo ngại các vụ tấn công người bạch tạng sẽ tăng. Trong các cuộc bầu cử ở Tanzania, người ta sẵn sàng mua bộ phận cơ thể người bạch tạng vì họ tin rằng, việc đó sẽ giúp họ giành lợi thế trước đối thủ. Nhưng chính phủ cũng bắt đầu tỏ ra kiên quyết hơn. Họ yêu cầu cảnh sát trên toàn quốc bắn mọi đối tượng tấn công người bạch tạng. Thậm chí Thủ tướng Tanzania kêu gọi người dân giết những kẻ mang theo bộ phận cơ thể người bạch tạng. 

Tại Burundi, chính quyền đưa mọi thanh thiếu niên bạch tạng vào những cơ sở đặc biệt, nơi lực lượng vũ trang bảo vệ họ suốt ngày. Birgithe Lund Henriksen, Giám đốc phụ trách hoạt động bảo vệ trẻ em của UNICEF tại Tanzania, ủng hộ chủ trương thành lập những trung tâm dành cho trẻ bạch tạng để các em có thể sống và học tập. Song đó không phải là giải pháp lý tưởng cho chúng, bởi chúng sẽ phải xa gia đình và cộng đồng.

"Trong ngắn hạn, để giảm thiểu nguy cơ, tạo môi trường an toàn cho trẻ là việc quan trọng nhất. Nhưng trong dài hạn, UNICEF đang nỗ lực để tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em ở Tanzania từ cấp độ cộng đồng tới chính phủ"- bà tiết lộ. Đối với Kulwa, dù sống trong trung tâm của UTSS, cô vẫn không hạnh phúc hoàn toàn, bởi cô chưa gặp bất kỳ thành viên nào trong gia đình từ khi vụ tấn công xảy ra. "Nếu tôi có thể gặp lại mẹ, tôi sẽ rất vui. Tôi nhớ bà ấy. Thực ra tôi nhớ cả nhà"- cô thổ lộ.

Vân Trường (tổng hợp)