Nhiệm vụ đặc biệt của hơn 1.000 cảnh sát của Cộng hòa Czech

Thứ Tư, 20/09/2017, 20:54
Theo thông báo của người đứng đầu lực lượng cảnh sát Cộng hòa Czech Tomas Tuhy, Prague đã quyết định triển khai thêm 1.100 cảnh sát ở nước ngoài để kiểm soát dòng người di cư tại các đường biên giới châu Âu trong bối cảnh các nước Liên minh châu Âu (EU) đang mâu thuẫn về phân bổ hạn ngạch người di cư.


Theo ông Tomas Tuhy, kể từ khi cuộc khủng hoảng người di cư bùng phát năm 2015, Cộng hòa Czech đã điều 760 cảnh sát làm nhiệm vụ ở các nước Hungary, Macedonia, Serbia, Hy Lạp và Slovenia theo các thỏa thuận song phương. Và lực lượng kể trên chủ yếu được triển khai tại các quốc gia nằm trên "tuyến đường Balkan" mà hàng trăm nghìn người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng để trốn tới Trung Âu. 

Ngoài ra, Chính phủ Czech cũng đã gửi 330 cảnh sát tham gia European Frontex, cơ quan phụ trách bảo vệ đường biên giới và bờ biển của châu Âu. Và thông qua European Frontex, cảnh sát Czech được điều tới làm nhiệm vụ tại các nước Italia, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Và nhiệm vụ của nhóm cảnh sát này là bảo vệ đường biên giới vành ngoài của EU. 

Theo giới truyền thông, lực lượng cảnh sát Czech ở nước ngoài chủ yếu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, theo dõi tình hình, kiểm tra an ninh và các phương tiện vận tải. Và Chính phủ Cộng hòa Czech đang tập trung lực lượng cảnh sát bảo vệ chặt chẽ đường biên giới vành ngoài EU.

Hàng nghìn người đã xô đẩy hàng rào an ninh của Cảnh sát để vượt qua khu vực biên giới.

Mấy ngày trước (13-9), Bộ trưởng Nội vụ các nước thành viên EU đã nhóm họp ở Brussels (Bỉ) để thảo luận tiếp về những vấn đề liên quan tới số phận của người tị nạn trong bối cảnh các quốc gia EU đang mâu thuẫn về phân bổ hạn ngạch người di cư. Việc này diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Cộng hòa Czech quyết định triển khai thêm 1.100 cảnh sát ở nước ngoài nhằm kiểm soát dòng người di cư tại các tuyến biên giới châu Âu. 

Trước đó (10-9), Bộ trưởng Nội vụ Cộng hòa Czech Milan Chovanec thông báo, Praha có thể nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng bằng hình thức khác chứ không nhất thiết phải tiếp nhận người tị nạn. Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman từng tuyên bố, nước này không phải chấp nhận các cơ chế bắt buộc về phân bổ người di cư giữa các nước thành viên trong EU. 

Đồng thời nhấn mạnh, việc tiếp nhận người di cư Hồi giáo tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia khi những phần tử mang tư tưởng Hồi giáo cực đoan có thể trà trộn vào dòng người di cư tới Cộng hòa Czech. Trước đó, ông Milos Zeman đã ký phê chuẩn Luật sửa đổi về cư trú đối với người nước ngoài. 

Theo đó, các cơ quan chức năng của nước này có quyền ngừng xử lý hồ sơ đề nghị cấp cư trú nếu người nước ngoài đệ đơn không có mặt tại địa bàn mà không có lý do xác đáng hoặc nộp các giấy tờ, tài liệu giả. Và nếu người nước ngoài bị kết án tại Czech thì điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình xem xét cấp cư trú. Bộ trưởng Nội vụ Milan Chovanec khẳng định, việc sửa đổi Luật Cư trú đối với người nước ngoài là cần thiết để đảm bảo an ninh và các nội dung sửa đổi chỉ tác động tới những người nước ngoài không tôn trọng các quy định của luật pháp Cộng hòa Czech.

Những động thái kể trên cho thấy, Cộng hòa Czech kiên quyết duy trì quan điểm từ chối việc phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn của EU và điều này một lần nữa chứng tỏ, sự rạn nứt trong EU liên quan tới phân bổ hạn ngạch tái định cư cho khoảng 160.000 người di cư vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung. 

Theo kết quả thăm dò dư luận do tổ chức Eurobarometer tiến hành, người dân Cộng hòa Czech có thái độ tiêu cực nhất trong EU đối với người nhập cư. Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa cảnh báo những quốc gia không chịu tham gia vào chương trình phân bổ hạn ngạch người nhập cư bởi nếu không có sự đoàn kết trong giải quyết vấn đề này, cũng sẽ không thể đoàn kết trong các lĩnh vực khác.

Theo giới truyền thông, Hạ viện Czech đã thông qua dự luật cho phép người dân sở hữu súng hợp pháp có quyền nổ súng khi an ninh quốc gia bị đe dọa như tấn công khủng bố. Chính phủ Czech cũng đã đệ đơn lên Tòa án Công lý châu Âu yêu cầu EU hủy bỏ quy định kiểm soát súng thông qua hồi trung tuần tháng 3. Trong đơn kiện EU ra Tòa án Công lý châu Âu hôm 9-8, Chính phủ Czech cho rằng, quy định kiểm soát súng sẽ khiến thị trường vũ khí chợ đen phát triển, nằm ngoài kiểm soát. 

"Chúng tôi không muốn tước vũ khí của người dân vào thời điểm tình hình an ninh ở châu Âu trở nên xấu đi. Hãy chỉ cho tôi thấy bất kỳ vụ tấn công khủng bố nào ở châu Âu dùng vũ khí hợp pháp", Bộ trưởng Nội vụ Milan Chovanec tuyên bố. Bộ Nội vụ Czech cho rằng, lệnh cấm của EU sẽ ảnh hưởng đến gần 300.000 người sở hữu vũ khí hợp pháp ở nước này.

Khắc Tuấn
.
.
.