Nhật Bản: Khép hồ sơ giáo phái AUM

Thứ Hai, 09/07/2018, 16:21
"Tôi tin giới chức cảnh sát sẽ có mọi biện pháp cần thiết", Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga tuyên bố, khi được hỏi về việc chuẩn bị cho khả năng những kẻ ủng hộ thủ lĩnh giáo phái AUM Shoko Asahara có phản ứng, sau khi tên này cùng 6 thành viên bị tử hình hôm 6-7.


Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera cho biết, các cơ quan hữu trách sẽ phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn xảy ra tội ác mới của những kẻ ủng hộ Shoko Asahara. 

Bộ trưởng Olympic Shuichi Suzuki hy vọng, việc tử hình Shoko Asahara sẽ nhắc nhở mọi người về sự tàn bạo của khủng bố và tầm quan trọng của các biện pháp phòng ngừa trước Thế vận hội Tokyo 2020. 

Theo giới truyền thông, Chính phủ Nhật Bản đang được đặt trong tình trạng báo động trước khả năng những kẻ ủng hộ giáo phái AUM có hành động trả đũa, sau khi Shoko Asahara và 6 thành viên của nhóm này bị tử hình. Đây là vụ thi hành án tử hình lớn nhất ở Nhật Bản kể từ năm 1911. 

Dư luận Nhật Bản hoan nghênh việc tử hình 7 đối tượng kể trên. Được biết, giáo phái AUM hiện đã đổi tên thành Aleph, và tuyên bố không còn coi Shoko Asahara là thủ lĩnh kể từ năm 2000. Aleph hiện có khoảng 1.650 tín đồ ở Nhật Bản và 460 người ở Nga cùng số tài sản trị giá 9 triệu USD.

Hãng Kyodo News cho biết, bị tử hình cùng Shoko Asahara sáng 6-7 là 3 thân tín Tomomasa Nakagawa, Kiyohide Hayakawa và Yoshihiro Inoue. 

Còn theo tờ The Guardian, Shoko Asahara và 6 thành viên của giáo phái AUM đã bị treo cổ tại một trung tâm giam giữ sáng 6-7. Và các tổ chức nhân quyền lên án việc tử hình 7 thành viên giáo phái AUM. 

Shoko Asahara là tử tù đầu tiên bị thi hành án trong số 13 thành viên giáo phái AUM lĩnh án tử hình liên quan đến một loạt tội ác gây ra do sùng bái ngày tận thế. 

Shoko Asahara bị thi hành án tử hình sau khi phiên xử các thành viên AUM kết thúc sau hơn 20 năm với phán quyết của Tòa án tối cao hôm 18-1-2018, bác kháng cáo bản án chung thân của Katsuya Takahashi, thành viên AUM cuối cùng phải hầu tòa. 

Theo luật Nhật Bản, tử tù được hoãn thi hành án nếu còn đồng phạm vẫn đang bị xét xử. Tờ The Guardian cho biết, việc tử hình ở Nhật Bản thường được giữ kín đến phút chót và gia đình tử tù chỉ được thông báo sau khi việc treo cổ diễn ra. Nhật Bản không thi hành án tử cho tới khi mọi vụ án liên quan kết thúc.

Nhân viên tờ Mainichi Shimbun phân phối ấn bản đặc biệt tường trình về vụ hành quyết Shoko Asahara và đồng phạm.

Shoko Asahara có tên thật là Chizuo Matsumoto (63 tuổi trên hòn đảo Kyushu, ở thành phố Yatsushiro, tỉnh Kumamoto, phía Tây Nam Nhật Bản và thường tự coi mình là hiện thân của Chúa). 

Tên này bị bắt tháng 5-1995, sau khi ra lệnh cho các thành viên AUM để chất độc sarin dạng lỏng tại 5 toa tàu điện ngầm ở các vị trí khác nhau, khiến hàng nghìn người quằn quại trong đau đớn, tạo ra cảnh tượng thương tâm như thời chiến tranh hôm 20-3-1995, tại ga tàu điện ngầm ở thủ đô Tokyo đúng vào giờ cao điểm. 

Đây là vụ tấn công gây thương vong nhiều nhất tại Nhật Bản và gây chấn động dư luận thế giới. Shoko Asahara bị tử hình sau nhiều lần trì hoãn. 

Trước đó hắn bị kết án tử hình từ năm 2004 vì chủ mưu trong các vụ án giết người, đáng quan tâm nhất là vụ tấn công khí sarin ga tàu điện ngầm tại thủ đô Tokyo vào giờ cao điểm hôm 20-3-1995 khiến 13 người chết và hơn 6.200 người bị thương, trong đó nhiều người bị di chứng cho tới ngày nay. 

Giới truyền thông cho biết, Shoko Asahara bị cáo buộc có trách nhiệm đối với cái chết của 29 người và hàng nghìn người bị thương.

Theo giới truyền thông, Shoko Asahara bắt đầu thu hút tín đồ từ đầu thập niên 1980, khi dạy yoga. Và AUM được Shoko Asahara thành lập năm 1984 khi là giáo viên yoga và học thuyết của giáo phái này bao gồm các thành tố từ đạo Thiên chúa, đạo Phật và Hindu. 

Theo lời kể của Shoko Asahara, AUM từng có hơn 10.000 thành viên ở Nhật Bản và 30.000 tín đồ ở Nga. Giáo phái AUM có 1 nhà máy hóa chất ở làng Kamikuishiki, huyện Nishiyatsushiro, tỉnh Yamanashi, dưới chân núi Phú Sĩ để sản xuất khí sarin. 

Các công tố viên cho biết, Shoko Asahara từng nói với những người theo giáo phái Aum rằng, ông ta là hiện thân của Shiva, vị thần của sự hủy diệt và tái sinh trong đạo Hindu và kêu gọi họ giao phó bản thân, tài sản và cuộc sống cho mình. 

Theo văn phòng công tố Nhật Bản, Shoko Asahara bắt đầu gây án sau khi hắn cùng 24 thành viên AUM thất bại trong cuộc bầu cử vào Hạ viện năm 1990. 

Shoko Asahara bắt đầu hầu tòa từ tháng 4-1996 và đến tháng 2-2004, Tòa án quận Tokyo ra phán quyết - hắn phạm 13 tội và bị kết án tử hình. Tòa án Tối cao thông qua lần cuối vào tháng 9-2006, với lý lẽ Shoko Asahara hoàn toàn tỉnh táo và phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. 

Được biết, trong 10 năm qua, Shoko Asahara từ chối mọi cuộc gặp từ bên ngoài, kể cả người thân.

Thiện Lân
.
.
.