Nguy cơ chạy đua vũ trang mới ở châu Á?

Thứ Tư, 11/10/2017, 14:43
Cùng với mức độ leo thang của cuộc khủng hoảng hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên, nhiều người lo ngại các nước trong khu vực sẽ chạy đua vũ trang để tự bảo vệ mình phòng khi kịch bản xấu nhất xảy ra.


Kể từ khi CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào ngày 28-7, các quốc gia trong khu vực từ Nhật Bản đến Hàn Quốc, thậm chí cả Trung Quốc cũng cảm thấy bất an.

Nhật muốn nâng cấp hệ thống phòng thủ

Tờ Nikkei cho biết, kể từ vụ phóng tên lửa ICBM của Triều Tiên hồi tháng 7 đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản đã điện đàm cho nhau tới 6 lần. Trong các cuộc điện đàm đó, Tổng thống Mỹ liên tục cam kết “Mỹ ủng hộ Nhật Bản 100%”. Đôi khi ông lặp đi lặp lại cụm từ này 5 lần trong một cuộc gọi.

Tàu Kirishima, một trong 4 tàu đánh chặn tên lửa Aegis của Nhật Bản

Nhưng bất chấp sự đảm bảo của ông Trump, các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Nhật Bản đã bắt đầu đặt nghi vấn về sức mạnh của hợp tác an ninh vốn đã giúp củng cố mối quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản trong thời kỳ hậu chiến. Họ cho rằng một Triều Tiên sở hữu ICBM có trang bị đầu đạn hạt nhân có thể thay đổi cuộc chơi. Tokyo lo lắng, liệu người Mỹ vẫn có thể hợp tác chiến đấu với Nhật Bản bất chấp nguy cơ Los Angeles hay New York bị ICBM của Triều Tiên tấn công?

Hiện Nhật Bản có 4 tàu phòng thủ Aegis, và 3 trong số đó được đậu tại biển Nhật Bản để cung cấp phòng vệ cơ bản. Tuy nhiên, các tàu này chỉ có thể mang theo một số lượng hạn chế các máy bay đánh chặn, khiến cho Nhật Bản không thể tránh được sự tấn công của tên lửa Triều Tiên. Theo các quan chức của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, các tàu Aegis có thể hết máy bay đánh chặn và buộc phải quay trở lại cảng để nạp lại.

Nếu các máy bay đánh chặn Aegis bỏ lỡ bất kỳ tên lửa nào đang tới, thì mọi việc còn lại phải nhờ cậy vào hệ thống đánh chặn tên lửa PAC-3. Nhưng chúng chủ yếu được triển khai tại các khu vực thành thị, và mỗi trạm chỉ có thể bảo vệ được bán kính 10 km. Điều này khiến nhiều phần của quốc gia không được bảo vệ.

Để khắc phục điểm yếu này, Nhật Bản có kế hoạch giới thiệu hệ thống đánh chặn trên đất liền Aegis Ashore, có thể bao phủ một khu vực rộng lớn hơn - chỉ cần 2 trạm có thể bao phủ toàn bộ Nhật Bản - nhưng để triển khai phải mất vài năm. Một vấn đề khác là chi phí. Một máy đánh chặn cho hệ thống Aegis được cho là tốn kém khoảng 2 tỷ yen (18,5 triệu USD).

Chi phí đã khiến một số người trong Chính phủ Nhật Bản hoảng sợ, nhưng những người khác - kể cả cựu Bộ trưởng Quốc phòng Satoshi Morimoto - cho rằng đất nước cần phải chi tiêu nhiều hơn vào một hệ thống phòng thủ tên lửa mới. Theo ông Morimoto: "Aegis Ashore sẽ được lập ngân sách cho năm tài chính tiếp theo. Ngoài ra, chúng ta sẽ phải xem xét vũ khí laser trên máy bay, có thể phá hủy một tên lửa trong giai đoạn đang bắn lên”.

Và sửa đổi Hiếp pháp

Có một ý kiến khác, triệt để hơn, được thảo luận trong Chính phủ Nhật Bản: cho Không quân Tự vệ khả năng trực tiếp tấn công các cơ sở tên lửa của Triều Tiên. Nói cách khác, cho phép Nhật Bản nhắm tới tên lửa tại các bệ phóng của Triều Tiên, thay vì chờ đợi cho đến khi tên lửa bay đến. Điều này sẽ đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong cấu trúc quốc phòng của Nhật Bản.

Nhật Bản đã bị mắc kẹt trong Điều 9 của Hiến pháp sau chiến tranh, quy định họ chỉ được phép phòng vệ, không được chủ động tấn công. Tuy nhiên, kể từ năm 1956, đất nước này cho rằng Hiến pháp sẽ cho phép họ tấn công căn cứ của đối phương nếu không có cách nào tự vệ. Nhật Bản dựa vào quân đội Mỹ để tiến hành tấn công vì mục đích phòng vệ.

CHDCND Triều Tiên sở hữu tên lửa ICBM có trang bị đầu đạn hạt nhân

Yukio Okamoto, một chuyên gia về an ninh và cựu quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản, tin rằng Nhật Bản nên nghiêm túc xem xét ý tưởng này. Okamoto cho biết: "Trong cuộc thảo luận về cách phản ứng với phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, Nhật Bản nên tranh luận về khả năng cho phép cơ hội tấn công cơ sở phóng tên lửa. "Nếu Nhật Bản có được một khả năng như vậy, Triều Tiên sẽ nhận thức được rằng nó có nguy cơ bị trả đũa bởi không chỉ Mỹ mà còn Nhật Bản nếu họ tiến hành một chiến dịch quân sự chống lại Nhật Bản".

Đây được cho là một lý do quan trọng khiến Thủ tướng Abe quyết định công bố bầu cử sớm, nhằm có thể tập trung sức mạnh chính trị để kêu gọi sửa đổi Hiếp pháp, theo hướng giúp Nhật Bản có thể tự chủ hơn về quân sự.

Hàn Quốc cũng muốn có vũ khí hạt nhân?

Một số chuyên gia của Nhật Bản dự báo Bình Nhưỡng có thể triển khai ICBM trong vòng 2 năm hoặc thậm chí sớm hơn. Nếu Triều Tiên thành công trong việc phát triển công nghệ tên lửa hạt nhân, châu Á có thể chứng kiến một sự chạy đua vũ trang chưa từng thấy kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Theo mạng tin Asian Nikkei Review, Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất trong khu vực đặt nghi vấn về các chính sách cũ và liên minh với Mỹ khi Triều Tiên tiến gần hơn tới việc phát triển năng lực tên lửa hạt nhân. Lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên ngày càng trở nên khó dự báo hơn ngay cả với Trung Quốc. Điều đó đã khiến một số nhà lãnh đạo Bắc Kinh nghĩ rằng ông ta phải bị kiềm chế.

Tại Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đồng ý cho phép triển khai các dàn phóng tên lửa đánh chặn của Mỹ, đảo ngược cam kết trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông giữa lúc có nhiều quan ngại về hợp tác Mỹ-Hàn. Trung Quốc đã phàn nàn về quyết định của ông Moon trong việc triển khai nhiều dàn phóng tên lửa đánh chặn của Mỹ ở Hàn Quốc, và bất kỳ sự gia tăng nào về năng lực quân sự của Nhật Bản sẽ bị Bắc Kinh xem như một mối đe dọa đối với an ninh của Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Mỹ trong cuộc họp ở Florida hồi tháng 2-2017

Masao Okonogi, chuyên gia về Triều Tiên và là giáo sư tại Đại học Quốc tế Tokyo, cho biết: “Đang có nhiều lời kêu gọi ở Hàn Quốc yêu cầu có vũ khí hạt nhân để đối phó với mối đe dọa của Triều Tiên. Bất kể họ làm thế nào, sự tăng cường quân sự của họ sẽ làm tăng căng thẳng trong khu vực, đặc biệt là đối với Nga và Trung Quốc”.

Giáo sư Okonogi nói ông không nghĩ sẽ có “hiệu ứng domino” hạt nhân trong khu vực, đặc biệt khi Nhật Bản phản đối mạnh mẽ vũ khí hạt nhân và cam kết của Hàn Quốc theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, bất kỳ việc mở rộng quân sự nào cũng sẽ làm tăng thêm những rủi ro trong một khu vực căng thẳng, trong đó những tranh chấp về tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, quyền đánh bắt và xây dựng đảo của Trung Quốc đã gây ra những căng thẳng với nhiều nước láng giềng trong những năm gần đây.

Tetsuo Kotani, thành viên cao cấp của Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản, cho rằng: “Tôi không nghĩ khu vực này trở nên ổn định hơn trong những năm tới. Có nhiều nguy cơ xảy ra xung đột”.

Bàng Cương
.
.
.