Người trong nhà đưa nhau vào tù vì tiêu thụ tiền giả
Thuỷ mua 917 triệu đồng tiền giả, mệnh giá 200.000 đồng (giả) từ 2 đầu mối là Minh (có quốc tịch Trung Quốc) và Yến (ngụ Hải Phòng, không rõ lai lịch) tại khu vực biên giới và cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) mang về Việt Nam tiêu thụ.
Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, Thuỷ ngụy trang tiền giả trong các hộp quà sinh nhật, bưu phẩm, nồi cơm điện rồi gởi bằng xe khách vào Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ cho vợ chồng Chung - Thuỷ và Sơn tiêu thụ.
Bà trùm buôn tiền giả xuyên biên giới
Sáng 16-11, Toà sơ thẩm TAND TP Cần Thơ đã mở phiên toà xét xử đối với Hoàng Thị Thuỷ, người cầm đầu trong đường dây buôn tiền giả từ Trung Quốc về Việt Nam về hành vi "lưu hành tiền giả và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức".
Các bị cáo Nguyễn Thanh Sơn, Dương Hải Long (cùng 24 tuổi, ngụ phường An Lạc, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) bị truy tố về hành vi "vận chuyển, lưu hành tiền giả". Bị cáo Nguyễn Công Chung (44 tuổi, quê quán Đà Nẵng, ngụ xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Thanh Thủy (47 tuổi, vợ Chung và là cô ruột của Sơn), Hồ Thị Lệ Thu (45 tuổi, mẹ ruột Sơn), Trương Việt Hùng (34 tuổi) và Nguyễn Tuấn Em (30 tuổi, cùng ngụ TP Cần Thơ về tội "lưu hành tiền giả".
Đây là băng nhóm chuyên vận chuyển, lưu hành tiền giả từ khu vực biên giới Lạng Sơn về Hà Nội. Từ đây, Thuỷ chuyển tiền giả về Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ tiêu thụ, với số lượng lớn.
Các bị cáo nghe tuyên án. |
Thuỷ sinh ra ở Lâm Đồng. Năm 2002, Thuỷ kết hôn và theo chồng về Đồng Nai sinh sống. Mấy năm sau, người chồng qua đời nên thị quay ra Hà Nội làm thuê. Khoảng thời gian 2007, Thuỷ theo bạn bè buôn hàng chuyến tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn).
Có thời gian, thị sang hẳn Trung Quốc sinh sống. Qua các mối quan hệ làm ăn, Thuỷ quen Minh (quốc tịch Trung Quốc) và Yến (quê gốc ở Hải Phòng). Từ 2 người này, Thuỷ có nguồn cung ứng tiền giả từ Trung Quốc mang về Việt Nam tiêu thụ. Minh giới thiệu, có xưởng in tiền giả các nước như: Mỹ, Việt Nam, Lào…, Thuỷ về Việt Nam tìm đầu mối tiêu thụ hoặc ai có nhu cầu thì giới thiệu sang Trung Quốc.
Năm 2013, Thuỷ bị Công an tỉnh Sóc Trăng ra lệnh truy nã về hành vi "lưu hành tiền giả". Để che giấu hành vi của mình, Thuỷ tìm gặp Yến để hỏi mượn giấy CMND. Yến đưa cho Thuỷ giấy CMND mang tên Văn Thị Tường. Giấy CMND này do Công an tỉnh Bình Thuận cấp.
Sau đó, Thủy dùng kéo cắt và bóc ảnh của Văn Thị Tường ra thay thế bằng ảnh của Thủy rồi dán vào giấy CMND có tên Văn Thị Tường. Khi qua Pò Chài (Trung Quốc), Thuỷ nhờ ép nhựa giấy CMND này lại và sử dụng mở tài khoản ngân hàng, thuê nhà nghỉ ngủ qua đêm, nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Có thời gian, thị chung sống như vợ chồng với cha ruột của Sơn và là anh ruột của Nguyễn Thị Thanh Thuỷ. Giữa năm 2014, Thủy gọi điện thoại hỏi thăm Thanh Thủy về công việc làm ăn và đặt vấn đề có nguồn tiền giả cần tiêu thụ.
Người phụ nữ này từng có một tiền án về tội "lưu hành tiền giả" và bị TAND huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên - Huế) xử phạt 3 năm 6 tháng tù.
Thanh Thuỷ vừa mới ra tù được mấy tháng, nghe nhắc lại tiền giả nên sợ phải đi tù lần nữa. Đêm đó, Thanh Thuỷ nhắc lại chuyện này cho chồng biết. Chung từng có một tiền án về tội "truyên truyền văn hoá phẩm đồi trụy", bị tuyên phạt 4 năm tù giam vào năm 2010.
Hám lời, vừa nghe vợ nhắc, Chung liền dặn "khi nào Thuỷ gọi lại thì nói gửi tiền giả vào TP HCM tiêu thụ. Ban đầu, vợ chồng Chung thống nhất với Thuỷ, tỉ lệ 3/10 (3 triệu tiền thật lấy 10 triệu đồng tiền giả).
Sau đó, Thuỷ 3 lần trực tiếp sang Trung Quốc gặp Minh mua tiền giả mang về bán lại cho vợ chồng Chung. Hai lần đầu, Thuỷ mua của Minh với tỉ lệ 1,5 triệu đồng tiền thật lấy 10 triệu tiền giả.
Lần thứ 3, Minh tăng giá lên 2,5 triệu tiền thật lấy 10 triệu tiền giả. Tổng cộng, Thuỷ mua của Minh 230 triệu tiền giả. Mỗi lần giao dịch, Minh cho người mang tiền đến cửa khẩu Tân Thanh giao cho Thuỷ.
Thuỷ mang tiền về Hà Nội hoặc Đà Nẵng cất giấu. Sau đó, Chung ra nhận tiền giả trực tiếp từ Thuỷ tại Đà Nẵng hoặc Thuỷ gửi bằng xe khách từ Đà Nẵng đóng gói theo dạng quà sinh nhật vào Bến xe miền Đông (TP HCM), ghi tên Chung cùng số điện thoại. Chung ra bến xe nhận tiền, và chuyển tiền thật vào tài khoản ngân hàng do Thuỷ cung cấp mang tên Văn Thị Tường.
Tổng cộng, vợ chồng Chung mua của Thuỷ 577 triệu đồng tiền giả. Cụ thể, lần đầu mua 30 triệu, sau đó tăng dần lên 40 triệu, 50 triệu, 70 triệu, 80 triệu…
Ban đầu, Thuỷ bán cho vợ chồng Chung theo tỉ lệ 3/10, sau đó tăng lên 4,6/10 (tức 3 triệu đồng đến 4,6 triệu đồng tiền thật lấy 10 triệu tiền giả).
Chân dung Hoàng Thị Thuỷ, tiêu thụ cả tỷ tiền giả. |
Mắt xích phá chuyên án
Sau khi có tiền giả, vợ chồng Chung tiêu thụ bằng cách mua các hàng hoá nhỏ lẻ, mang tiền đi đánh bạc, đổ xăng… để được đổi tiền thật.
Qua sự giới thiệu của vợ chồng Chung, đầu năm 2015, Nguyễn Thanh Sơn đã liên hệ với Thuỷ để mua tiền giả về lưu hành tại Cần Thơ. Sau khi tìm hiểu rõ lai lịch của Sơn, Thuỷ đã đồng ý bán tiền giả cho Sơn. Thuỷ bán cho Sơn với tỷ lệ 4 triệu tiền thật, lấy 10 triệu đồng tiền giả.
Cũng trong thời gian này, nhiều hàng quán, khu vực chợ tại TP Cần Thơ xuất hiện nhiều tờ tiền giả, mệnh giá 200.000 đồng. Nhiều tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ, cả ngày trời làm lụng chỉ kiếm chưa đến 100.000 đồng nhưng gặp phải tiền giả đã mất trắng cả vốn, công sức lao động.
Giữa năm 2015, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Cần Thơ đã xác lập chuyên án đấu tranh, triệt phá. Đại tá Nguyễn Văn Thảo, Trưởng phòng An ninh điều tra (PA92) cho biết, quá trình giao dịch, Thuỷ cũng rất ma mãnh.
Thuỷ chỉ bán tiền cho những người thân, hình thành đường dây chặt chẽ để qua mặt cơ quan chức năng.
Tang vật được lực lượng an ninh thu giữ do Sơn vận chuyển. |
Sau thời gian dài, các trinh sát khoanh vùng được một số đối tượng nghi vấn. Trong đó, Nguyễn Thanh Sơn là một mắt xích quan trọng. Sơn có tiền án về tội "cướp tài sản" và bị TAND quận Ninh Kiều tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù giam, được tha tù vào tháng 6-2013.
Dù không có công việc ổn định, Sơn vẫn thường xuyên có tiền xài rủng rỉnh, tụ tập bạn bè ăn nhậu. Từ đầu mối của Sơn, các trinh sát đã lần ra một đường dây vận chuyển tiền giả từ TP Hồ Chí Minh về Cần Thơ và lần ra "bà trùm".
Ngày 13/1, Sơn và Long bị lực lượng An ninh bắt giữ trên đường Nguyễn Văn Linh (quận Ninh Kiều) cùng tang vật là 80 triệu đồng tiền giả được cất giấu trong nồi cơm điện.
Qua làm việc, Sơn khai số tiền này được Thuỷ gởi từ Đà Nẵng vào TP Hồ Chí Minh. Sơn đi xe đò lên TP Hồ Chí Minh nhận tiền đưa về Cần Thơ lưu hành, bán lại cho nhiều người khác hưởng lợi.
Quá trình giao dịch, Sơn đã giới thiệu mẹ ruột của mình cho Thuỷ. Bà Thu đã thông qua Sơn, 3 lần mua 30 triệu đồng tiền giả của Thuỷ. Sau đó, Thu đưa tiền thật cho con trai để chuyển vào tài khoản cho Thuỷ.
Số tiền giả này, Thu mang ra tiêu thụ tại một số chợ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Từ nguồn tiền giả do Thủy cung cấp, Sơn đã bán cho Nguyễn Tuấn Em 4 lần, tổng cộng 48,6 triệu đồng; Trương Việt Hùng 6 triệu đồng tiền giả, cùng tỉ lệ 5/10.
Từ lời khai của Sơn, đến ngày 20/1, Thủy bị bắt giữ khi lẩn trốn tại Đà Nẵng. Vợ chồng Chung cũng bị bắt sau đó cùng các nghi can khác.
"Quá trình điều tra vụ án, Ban chuyên án áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chọn những điều tra viên nhiệt huyết, kinh nghiệm, đặc biệt là phải đảm bảo được tính kỷ luật, bí mật, bất ngờ. Chính vì vậy, khi bị bắt tại Đà Nẵng, Thủy hoàn toàn bất ngờ.
Qua công tác xác minh và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan an ninh điều tra có đầy đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của Hoàng Thị Thủy. Thế nhưng thời gian đầu, thị rất ngoan cố quanh co chối tội. Cho đến khi, các đối tượng liên quan trong đường dây tiền giả bị bắt, Thuỷ mới chịu hợp tác, thừa nhận hành vi của mình", một điều tra viên (PA92) cho hay.
Qua chứng minh, tổng số tiền giả Thuỷ đã mua là 917 triệu đồng, bán lại cho vợ chồng Chung 577 triệu (thu lợi 227 triệu đồng tiền thật), bán cho Son 310 triệu (thu lợi 124 triệu đồng tiền thật), bán cho Thu 30 triệu (thu lợi 12 triệu đồng tiền thật). Thuỷ hưởng lợi là 366 triệu đồng… Tại phiên toà ngày 16/11, các bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi của mình.
Theo lời các bị cáo, do hám lợi, lười biếng lao động nên đã mua tiền giả để tiêu hàng tại các chợ, hàng quán, đổ xăng… để được thối lại tiền thật. HĐXX Tòa sơ thẩm TAND TP Cần Thơ tuyên phạt Hoàng Thị Thủy 20 năm tù, Nguyễn Công Chung 15 năm tù, Nguyễn Thị Thanh Thủy 14 năm tù; Nguyễn Thanh Sơn 15 năm tù; Dương Hải Long 5 năm tù; Hồ Thị Lệ Thu 6 năm tù; Trương Việt Hùng 3 năm tù và Nguyễn Tuấn Em 5 năm tù