Người di cư và nhập cư cùng "nổi loạn"
Cảnh sát phải bắn đạn hơi cay để giải tán khoảng 150 người di cư ném gạch đá và dùng gậy sắt chống đối khi lực lượng chức năng giải tỏa khu lán trại này. Trước đó, nhiều người di cư đã tấn công cảnh sát, đốt cháy khoảng 20 lều trong khu trại tạm, khiến các vụ đụng độ kéo dài qua trưa 29-2.
Tình hình chỉ được kiểm soát sau khi cảnh sát trấn áp và bắt 4 đối tượng gây rối. Trại tị nạn Jungle là nơi hàng nghìn người di cư đến từ Trung Đông và châu Phi tạm trú chờ cơ hội tới Anh bằng cách vượt eo biển Manche trên những chiếc thuyền tự chế thô sơ, hoặc qua tuyến đường hầm Eurotunnel.
Một trẻ em nhập cư được đưa lên đảo Lesbos, Hy Lạp. |
Theo thống kê, hiện có khoảng 3.700 người di cư tạm trú tại trại tị nạn Jungle và khoảng 800-1.000 người sẽ phải rời khỏi khu vực này. Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve tuyên bố, chính quyền sẽ làm việc với các tổ chức nhân đạo để tái định cư người tị nạn tại một công viên gần đó, nơi họ đã chuẩn bị sẵn các container được xây lại thành nhà ở, hoặc các trung tâm tiếp nhận trên khắp nước Pháp.
Tòa án thành phố Lille đã bật đèn xanh cho việc giải tỏa khu vực này. Quận trưởng Fabienne Buccio cho biết, sự hiện diện của cảnh sát là cần thiết bởi những người quá khích có thể cố gắng xúi giục người di cư từ chối chuyển đến nơi ở mới. Thị trưởng thành phố Calais, bà Natacha Bouchart cho biết, việc này sẽ được triển khai trong vòng 3 tuần.
Cùng ngày 29-2, cảnh sát Macedonia đã phải sử dụng hơi cay để đối phó với hàng trăm người di cư Iraq và Syria đang tìm cách giật đổ hàng rào dây thép gai được dựng tại biên giới nước này với Hy Lạp để ngăn dòng người nhập cư bất hợp pháp. Việc này diễn ra khi có tin đồn Macedonia mở cửa biên giới sau nhiều giờ đóng hoàn toàn, cho phép 300 người Syria và Iraq đi qua trong khi hàng nghìn người khác phải chờ đợi.
Người tị nạn đổ bộ lên đảo Lesbos của Hy Lạp. |
Cảnh sát Hy Lạp cho biết, hơn 7.000 người đang bị tắc ở thị trấn Idomeni giáp ranh giữa nước này và Macedonia. Cũng trong ngày 29-2, Thủ tướng Đức Angela Merkel tái khẳng định chính sách mở cửa đối với người tị nạn Syria, vốn đang bị nhiều người chỉ trích bởi Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận thêm nhiều người tị nạn hơn số lượng mà châu Âu sẵn sàng tiếp nhận.
Ngày 1-3, Thủ tướng Đức còn cho rằng, hình ảnh người di cư tuyệt vọng không thể tiếp tục hành trình tới Tây Âu qua lộ trình Balkan cho thấy sự cấp bách phải giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn tại Hội nghị thượng đỉnh của EU vào tuần tới. Trước đó (28-2), bà Angela Merkel tuyên bố, châu Âu không cho phép Hy Lạp rơi vào "hỗn loạn" bằng việc đóng cửa biên giới đối với người tị nạn.
Bởi theo Bộ trưởng Nhập cư Hy Lạp Yannis Mouzalas, Athens chuẩn bị mọi phương án cho trường hợp khẩn cấp nếu tất cả các quốc gia láng giềng đều đóng cửa biên giới với nước này. Ngày 28-2, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố, nước này đang chuẩn bị xây dựng rào chắn dọc biên giới với Romania để ngăn chặn làn sóng người di cư vào nước này trên đường đi sâu vào EU.
Thủ tướng Viktor Orban cũng đã ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng và Nội vụ lên phương án chuẩn bị nguồn lực cho công trình này, song song với việc củng cố lớp rào thép gai hiện có trên biên giới với Serbia và Croatia. Đồng thời khẳng định, làn sóng người di cư hiện nay vào châu Âu có thể ngăn chặn được nếu EU có quyết tâm và ý chí mạnh mẽ.
Ủy viên châu Âu phụ trách nhập cư Dimitris Avramopoulos cảnh báo, nếu tới hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào ngày 7-3, EU và Thổ Nhĩ Kỳ không thể đạt được kết quả cụ thể và rõ ràng về hạn chế số người di cư vào châu Âu, nhiều khả năng hệ thống nhập cư của khối này sẽ hoàn toàn sụp đổ.
Do đó, từ ngày 29-2, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk bắt đầu chuyến công du tới Áo, Slovenia, Croatia, Macedonia và Hy Lạp để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ, bàn về vấn đề người nhập cư dự kiến diễn ra ngày 7-3 tại thủ đô Brussels, Bỉ.
Bởi trước đó (26-2), sau khi Slovenia, Macedonia, Croatia, Áo và Serbia áp đặt hạn ngạch đối với người di cư - chỉ cho phép 580 người đi qua biên giới nước họ mỗi ngày, ông Donald Tusk đã tuyên bố, việc tái lập hoạt động hoàn toàn của khu vực Schengen cần phải có thời gian.
Ngày 23-2, người phát ngôn cảnh sát Bỉ Peter de Waele cho biết, kể từ ngày 23-2, Bỉ đã gửi trở lại 619 người di cư, trong đó 334 người đã đặt chân lên lãnh thổ Bỉ, sau khi nước này triển khai khoảng 300 cảnh sát để tăng cường kiểm soát biên giới với Pháp.