Ngồi tù oan 23 năm vì bằng chứng giám định thiếu chính xác

Thứ Tư, 06/05/2020, 15:02
Bill Richards phải chịu bản án chung thân vì giết hại người vợ đầu gối tay ấp là bà Pamela Richards vào tháng 8/1993 - một tội ác ông không hề phạm phải.


Nhà tù California có sức chứa 2.000 tù nhân tại Vacavillie, California được đặt giữa một ngọn đồi và một khu dân cư ở vùng ngoại ô với những ngôi nhà xinh xắn và hai công viên với hai sân bóng chày.

Những tiếng cổ vũ của cha mẹ xem con thi đấu ở giải bóng chày nhi đồng vang vọng qua cả những tán cây, những hàng rào kẽm gai, đến tận sân nhà tù. Những thanh âm của cuộc sống ngoài kia thật gần mà cũng thật xa - nhắc nhớ cho những tù nhân biết thế giới ngoài kia thật gần mà cũng thật xa tít tắp với họ… 

Mỗi khi phải lao động tập trung trên tầng 6 của nhà tù, người tù 65 tuổi Bill Richards luôn tưởng như mình là một phần của thế giới ngoài kia, và ông vẫn hy vọng có thể được tự do một lần nữa. Nhưng Bill Richards phải chịu bản án chung thân vì giết hại người vợ đầu gối tay ấp là bà Pamela Richards vào tháng 8/1993 - một tội ác ông không hề phạm phải.

Bỗng dưng thành… thủ phạm

Vào ngày 10/8/1993, Bill Richards, một công nhân nhà máy vừa tan ca làm, háo hức lái xe về nhà lúc gần nửa đêm để xem phim truyền hình với vợ. Tuy nhiên khi về đến nơi, ông lấy làm lạ khi thấy sân nhà mình tối om, vì vợ ông bị quáng gà và không bao giờ tắt đèn ngoài sân. 

Hai vợ chồng đã mua mảnh đất này 8 năm nhưng vừa mới bán căn nhà cũ ở Riverdale và chuyển tới đây 1 năm trước để xây trang trại. Trong lúc đợi hoàn thiện thi công, hai vợ chồng dựng tạm một túp lều để chứa đồ đạc, quần áo, còn hai người thì ngủ tạm trong chiếc xe bán tải của Bill. 

Ông Bill xuống xe, cầm đèn pin đi tìm vợ và ông nhìn thấy vợ mình nằm bất động trong lều, bán khoả thân. Tưởng rằng vợ mình ngủ quên, Bill lay lay vợ và kinh hoàng nhận ra phần thái dương trái của bà lõm vào, còn mặt đất thì ướt sũng máu. Bill vội vàng gọi cả cấp cứu lẫn cảnh sát, nhưng ông chợt nghe thấy tiếng chuông điện thoại trong lều.

Chủ nhân của chiếc điện thoại là Eugene Price, tình nhân của bà Pamela. Bill biết Eugene và hoàn toàn thoải mái với những cuộc tình ngoài luồng của vợ mình, vì hai ông bà có một cuộc hôn nhân mở. Bill vội vàng gọi cấp cứu và cảnh sát vào lúc 11h58 phút, và chưa đầy 10 phút sau, ông lại quay số một lần nữa vào 12h6 phút. 

20 phút sau, cả cấp cứu lẫn cảnh sát đều chưa đến và Bill gọi điện thêm một lần nữa, đầy hốt hoảng: “Các ông đang đến đâu rồi? Vợ tôi vừa bị giết” - trích biên bản cuộc gọi của Bill, được đưa ra bởi luật sư bào chữa của ông là H. Charles Smith. 40 phút sau cuộc gọi thứ 3, Cảnh sát trưởng hạt San Berdanino là ông Mark Nouse mới lái xe đến mảnh đất của hai vợ chồng Richards và phải nhờ ông Bill dẫn đường thì ông mới đến được hiện trường.

Vết cắn trên người nạn nhân Pamela Richards.

Mark Nourse ngay lập tức nghi ngờ người chồng, người cung cấp những bằng chứng “quá đỗi chi tiết” về vụ án. Bình dầu của máy phát điện đang để mở và trước khi khởi động máy thì người dùng phải kiểm tra dầu. 

Dựa vào quan sát của mình, Cảnh sát trưởng đã lập luận rằng bà Pamela bị siết cổ khi đang chạy máy phát điện, sau đó hung thủ tấn công nạn nhân bằng một hòn đá gần căn lều. Tuy nhiên phán đoán của vị Cảnh sát trưởng có vẻ không chính xác lắm, vì cảnh sát về sau đã phát hiện ra hai chiếc gối đẫm máu cùng quần và giày của nạn nhân ở trong xe. Trước phiên toà, ông Nourse còn làm chứng rằng Bill thuật lại tình tiết vụ án mạng như thể ông đã tập kể câu chuyện này nhiều lần.

Tận 3 tiếng sau đó mới có thêm 3 cảnh sát nữa có mặt và họ quyết định đợi đến sáng mới khám nghiệm hiện trường. Trong lúc họ đợi thì chú chó cưng của hai vợ chồng nhà Richard gần như vùi hẳn đầu nạn nhân xuống đất và phá hỏng hoàn toàn hiện trường - đến mức bên pháp y còn không thể kết luận được thời điểm nạn nhân bị sát hại.

Nạn nhân Pamela Richards.

Cảnh sát lấy lời khai từ gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của Pamela, bao gồm cả người tình của Pamela là Eugene - người cũng có mặt tại hiện trường. Eugene khai với cảnh sát rằng vào ngày Pamela bị sát hại, bà đang âm thầm gói gém hành lý để rời bỏ người chồng vũ phu và trước khi vụ án mạng xảy ra một thời gian ngắn, Bill đã mua một gói bảo hiểm nhân thọ có giá trị rất lớn cho vợ mình. 

Vào năm 1997, Eugene còn khai thêm rằng Bill từng đánh đập vợ dã man đến mức Pamela phải đi cấp cứu. Tuy nhiên theo điều tra của cảnh sát, Bill chưa bao giờ mua bất cứ gói bảo hiểm nào, và không có bằng chứng nào cho thấy Pamela từng phải nhập viện. 

Cơ quan điều tra còn nói chuyện với cả hàng xóm nhà Bill và Pamela và được họ cho biết Bill và Pamela có mối quan hệ vợ chồng “cơm không lành canh không ngọt”. Thế nhưng họ không hề hay biết những người hàng xóm từng đột nhập vào nhà của hai vợ chồng để lấy cắp nước sinh hoạt và thậm chí còn lắp cả… kính viễn vọng để nhìn trộm bà Pamela thay quần áo. 

Chưa hết, lời khai của chị gái Pamela rằng, Pamela sợ tình nhân Eugene Price chết khiếp và Eugene đi theo rình mò Pamela cả ngày, bằng một cách nào đó, đã không hề được đưa ra trước toà. 

Ngoài những lời khai có phần bất nhất và những nhân chứng rất không đáng tin cậy, cảnh sát không hề tìm được bằng chứng nào khác ngoài hung khí là một hòn đá, vết cắn trên tay nạn nhân và một sợi vải màu xanh từ chiếc áo Bill mặc đêm hôm ấy, đến cả dấu vân tay và DNA cũng không có trong hồ sơ vụ án. 

Đáng ngờ hơn, sợi vải không xuất hiện dưới móng tay nạn nhân trong những bức ảnh chụp tại hiện, nhưng… lại có trong báo cáo khám nghiệm tử thi.

Bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt Norman Sperber - chuyên gia về sau thay đổi lời khai.

Vết răng cắn – bằng chứng giám định kém chính xác

Bill Richards là nạn nhân của một cuộc điều tra cẩu thả, một bồi thẩm đoàn hấp tấp và bằng chứng pháp y không hề xác đáng: vết răng cắn - một trong những hình thức giám định được cho là kém chính xác nhất trong ngành khoa học pháp chứng. 

Bất hạnh thay cho Bill, Toà án bang California đã sử dụng chính bằng chứng này để đưa đến kết luận rằng chỉ có Bill Richards mới có thể dùng búa tấn công, sau đó siết cổ vợ đến chết và bỏ lại thi thể của bà trong một túp lều ngoài sân tại tư gia rộng 5ha của hai vợ chồng. 

Cụ thể hơn, hai chuyên gia răng hàm mặt đầu ngành đã phân tích một vết tím trên tay của nạn nhân và kết luận rằng vết thương này là vết người cắn, được gây ra bởi một hàm răng trùng khớp với hàm răng của Bill Richards.

Thế nhưng vào phiên toà phúc thẩm năm 2008, khi Bill đã ngồi tù được 15 năm, bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt Norman Sperber - một huyền thoại trong giới nha sĩ ở California - đã rút lại lời khai của mình. Bác sĩ Sperber thừa nhận rằng bức ảnh chụp vết cắn trên cơ thể nạn nhân được cơ quan điều tra cung cấp có chất lượng rất thấp và điều này khiến ông đưa ra những kết luận mà giờ đây ông đánh giá là sai lầm.

Bác sĩ Sperber không phải là chuyên gia duy nhất không còn tin tưởng việc khám nghiệm vết cắn. Năm 2009, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ đưa ra một bản báo cáo gây chấn động cộng đồng khoa học pháp chứng. 

Bản báo cáo đưa ra những hồ nghi về tính chính xác của việc giám định vết cắn và cho thấy phép giám định này gần như không có bất kì cơ sở khoa học nào. Trong nhiều năm tiếp theo, chính những nhà khoa học pháp chứng chuyên phân tích dấu răng cũng đã lên tiếng về sự kém chính xác của biện pháp giám định này và họ cho biết, sự sai lệch này rõ ràng đến mức nếu nhiều chuyên gia cùng phân tích một mẫu răng thì mỗi người sẽ cho ra một kết quả khác nhau.

Ông Bill Richards tại hiện trường.

Việc bác sĩ Sperber rút lại lời khai, cộng với việc vào năm 2001 cơ quan điều tra sử dụng công nghệ giám định gen mới và tìm ra nhiều mẫu ADN thuộc về một người đàn ông khác ở hiện trường vụ án đã khiến các thẩm phán lật lại cuộc điều tra và giải oan cho Bill Richards vào năm 2009. 

Tuy nhiên năm 2013, Toà án tối cao bang California không đồng ý với quyết định của các thẩm phán dựa vào lý do bang California không cho phép nhân chứng thay đổi lời khai, và Bill Richards tiếp tục phải ngồi tù. 

Tạp chí Luật khoa California gọi phán quyết này là phán quyết “tồi tệ nhất của năm”. 2 năm sau, Tổ chức minh oan cho các tù nhân mang tên California Innocence Project nỗ lực vận động thành công một đạo luật cho phép các chuyên gia được thay đổi lời khai, vướng mắc chính trong án oan của ông Bill Richards. Ngay sau đó, California Innocence Project đã nộp đơn tiếp tục xin xét lại vụ án.

Vào ngày 26/5/2016, Toà án tối cao bang California đã tổ chức một cuộc bỏ phiếu kín để đưa ra phán quyết cuối cùng, và kết quả là toàn bộ thành viên bồi thẩm đoàn đều cho rằng ông Bill Richards vô tội. 

Ông Bill Richards, sau hàng chục năm ngồi tù oan giờ đã là một ông già mắc bệnh ung thư, đã được trả tự do. Ông chỉ là một trong số 24 người vô tội được minh oan sau khi các kết quả của phép giám định vết cắn được lật lại.

Huyền Thi
.
.
.