Nghề buôn lậu mới: Thuốc lá điện tử

Thứ Tư, 11/11/2020, 08:37
Việc hút các loại hoạt chất chiết xuất từ thuốc lá thay vì sử dụng thuốc lá thông thường không phải là ý tưởng mới mẻ gì cả, nhưng với riêng thuốc lá điện tử thì hành vi đó cũng chỉ mới xuất hiện vào năm 2003 mà thôi.


Đây là một loại sản phẩm hoạt động trên nguyên lý biến chất lỏng thành aerosol (còn gọi là son khí) để người hút hít vào thay vì khói thuốc lá truyền thống. Nhờ vào vị thế của thuốc lá thông thường đã - đang bị suy giảm trong xã hội mà thuốc lá điện tử mới trở nên phổ biến. 

Chỉ trong một thời gian rất ngắn thôi thuốc lá điện tử đã nhanh chóng được phổ biến trên toàn thế giới và cuốn theo nó hàng triệu người sử dụng. Thế nhưng hiện nay một số quốc gia lại đang tìm cách ngăn cản sự phổ biến của thuốc lá điện tử.

Nhiều nước đã cấm thuốc lá điện tử

Trên thế giới, thuốc lá điện tử bị cấm tại Nhật Bản, Brazil, Singapore, Uruguay, Ấn Độ, Bahrain, Nepal, New Zealand, và hàng chục quốc gia khác. Không phải quốc gia nào cũng áp dụng lệnh cấm tương tự nhau, ví dụ như tại Bỉ, Pháp và Cộng hoà Séc chỉ có người dưới 18 tuổi mới bị cấm sử dụng thuốc lá điện tử. Thế nhưng mẫu số chung ở đây là hình phạt rất nặng áp dụng với những cá nhân vi phạm. 

Tại Thái Lan, mức phạt là 5 lần giá trị lô hàng và 10 năm tù giam. Còn riêng tại Malaysia, người hút hay buôn bán thuốc lá điện tử sẽ không được vào nhà thờ Hồi giáo làm lễ trừ khi nhận được sự tha thứ của giới chức sắc tu sỹ.

Đã có hàng loạt các quốc gia áp dụng các hình phạt cực kỳ nghiêm khắc như thế vậy tại sao việc buôn lậu thuốc lá điện tử vẫn còn đang diễn ra và liên tục mở rộng, trở thành một trong những loại hàng hoá “béo bở” nhất của mạng lưới buôn lậu quốc tế.

Trước khi nhiều nước ra lệnh cấm thuốc lá điện tử, việc buôn bán loại sản phẩm này diễn ra công khai ở mọi nơi.

Giới trẻ hiện là đối tượng khách hàng chính của thuốc lá điện tử. Riêng tại Mỹ, Hiệp hội Tim mạch  nước này đã tiến hành khảo sát và thu được kết quả như sau: có khoảng 3,1 triệu học sinh trung học từng sử dụng thuốc lá điện tử. Công ty chiếm lĩnh thị trường là JUUL với 73,4% thị phần và kiếm được 2 tỷ USD lợi nhuận trong năm 2018. Với một công ty chỉ mới ra mắt sản phẩm đầu tay vào năm 2015, đây quả là một con số khổng lồ và là minh chứng cho nhu cầu ngày càng gia tăng  đến mức độ chóng mặt của thuốc lá điện tử trong giới trẻ  Mỹ.

Cũng giống một số mặt hàng hướng đến giới trẻ như giày thể thao và nước giải khát v.v… chiến lược marketing của thuốc lá điện tử dựa nhiều vào sự “độc”, “lạ” của nó. Ngay từ các thiết kế bao bì sao cho nhiều màu sắc, hình hoạ bắt mắt, thuốc lá điện tử đã thể hiện tham vọng trở thành một thứ “tuyên ngôn” về tích cách của người trẻ. 

Hoặc các hãng sản xuất thuốc lá điện tử gần như tháng nào cũng đưa ra hương vị mới để tạo cảm giác nơi người dùng rằng có một hương vị dành riêng cho mình. Dùng thuốc lá điện tử vì thế có tính cộng đồng, nhưng nếu như các thế hệ trước hút thuốc lá thường như một cách để hoà nhập với đám đông, người trẻ lại hút thuốc lá điện tử nhằm làm cho “cái tôi” của bản thân nổi bật lên.

Một điểm mà các chuyên gia và nhà làm luật lo ngại về thuốc lá điện tử là sự thiếu thông tin của người dân. Các nhà sản xuất thuốc lá thông thường theo luật pháp phải ghi rõ thành phần của sản phẩm cùng lời cảnh báo lên bao bì. Đồng thời, các phương tiện truyền thông cũng thường xuyên đưa thông tin về tác hại của thuốc lá. Nhưng thuốc lá điện tử lại hoàn toàn không như thế. 

Rất nhiều người dùng thuốc lá điện tử mà không hề biết gì về thành phần hay nguy cơ gây hại của sản phẩm. Theo báo cáo của tổ chức Truth Initiative vào năm 2016 chỉ có một phần tư người trẻ biết rằng, trong thuốc lá điện tử có chứa nicotine, và chưa đến 5% biết rằng mình có thể sẽ bị nghiện.

Nói về nicotine, một điếu thuốc lá điện tử có thể chứa lượng hoạt chất này bằng 20 điếu thuốc lá thông thường. Vì thuốc lá điện tử mà hàm lượng nicotine sử dụng trung bình toàn cầu đã tăng lên mức bằng với năm 1990 của thế kỷ trước, thời điểm trước khi các bộ luật phòng chống tác hại thuốc lá đi vào thực tế. 

Với hàm lượng nicotine lớn như vậy, không những khả năng gây nghiện là rất cao, mà tổn thương có thể có với sức khoẻ cũng không nhỏ. Nhẹ thì người hút thuốc sẽ cảm thấy nóng rát cổ họng, đau bụng, đau đầu, thậm chí là rơi vào tình trạng nguy hiểm: mù tạm thời. Nặng hơn là các trường hợp tiêu chảy, hạ đường huyết, hay đau tim. 

Tại nhiều nước hiện có lệnh cấm thuốc lá điện tử trước đây đã từng xảy ra nhiều trường hợp người hút phải nhập viên, từ đó mà buộc chính phủ họ phải đưa ra lệnh cấm nghiêm ngặt nhất.

Giới trẻ là những người quan tâm nhất tới lệnh cấm thuốc lá điện tử.

Thị trường lậu thuốc lá điện tử

Vì phải chịu sắc thuế cao tại nhiều nước nên từ trước đến nay việc buôn lậu thuốc lá luôn dễ dàng kiếm được lợi nhuận cao cho các đối tượng buôn lậu. Có đến khoảng 85% số các tổ chức tội phạm xuyên biên giới tham gia vận chuyển, buôn bán, tàng trữ thuốc lá lậu. Nhưng với lệnh cấm thuốc lá điện tử, các băng đảng nói trên đã và đang nhanh chóng chuyển qua buôn lậu loại mặt hàng này.

Ngày 31-5-2020, Cục Hải quan thành phố Ninh Ba (Trung Quốc) đã bắt giữ 33 đối tượng buôn lậu mà lô hàng hơn 50.000 bao thuốc lá điện tử trị giá 40 triệu Nhân dân tệ. Chỉ sau đó vài ngày, ba người đàn ông bị bắt khi đang cố gắng vận chuyển 15.000 điếu thuốc lá điện tử từ Ba Lan sang Ukraine.  

Còn tại Malaysia vừa mới diễn ra một vụ truy đuổi gây náo loạn cửa khẩu Woodlands giữa cảnh sát và hai người đàn ông định buôn lậu hai balo đầy thuốc lá điện tử sang Singapore. Những trường hợp tương tự đang diễn ra trên toàn thế giới với tần suất ngày càng nhiều hơn.

Nhu cầu sử dụng thuốc lá điện tử không hề biến mất sau khi nhiều chính phủ ban hành lệnh cấm. Ngoài các cơ sở bí mật tự mình sản xuất, thuốc lá điện tử cũng đang được buôn lậu qua biên giới với số lượng lớn. Các đối tượng buôn lậu vẫn sử dụng những biện pháp quen thuộc như chia nhỏ lô hàng ra làm các kiện để vận chuyển bằng xe nhỏ hay ca-nô trên những tuyến đường biên giới ít người qua lại. 

Việc buôn lậu thuốc lá điện tử có phần dễ hơn vì các bộ phận của một cây thuốc lá có thể tháo rời ra rồi chia nhỏ nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Ngoài ra cũng có rất nhiều chủng loại thuốc lá điện tử, có một số sản phẩm người không biết nhìn thấy mà không thể nào nhận ra được.

Ngành khoa học thế giới còn biết quá ít về tác động của thuốc lá điện tử lên sức khoẻ con người.

Ngoài các nhóm tội phạm, một số tổ chức khác nguy hiểm hơn đang coi việc buôn lậu thuốc lá điện tử như là nguồn thu nhập chính của mình. Đơn cử như tại Serbia và Chechnya, nhiều nhóm phiến quân Hồi giáo đang lấy tiền từ thuốc lá điện tử để mua sắm vũ khí. 

Điều tương tự cũng đang xảy ra tại Afghanistan, khi quân Taliban thay vì buôn lậu thuốc phiện nay lại tăng buôn lậu thuốc lá điện tử có xuất sứ từ Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan. Đây là mối lo thường trực đối với nền hòa bình của khu vực và thế giới, yêu cầu cộng đồng quốc tế phải vào cuộc ngay để giải quyết. Nhưng liệu có cách gì không nhằm ngăn chặn việc buôn lậu thuốc lá điện tử?

Tại Mỹ, khi một số tiểu bang ra lệnh cấm thuốc lá điện tử, nguồn hàng lậu nhanh chóng tràn vào từ Canada và Mexico. Ngoài những vụ buôn lậu lớn trị giá hàng chục nghìn USD, còn có rất nhiều trường hợp cá nhân tự ý vượt biên chỉ để thoả mãn cơn nghiện của mình. 

Đây là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy việc phòng chống thuốc lá điện tử chỉ có thể thành công ở tầm vĩ mô khi được một loạt quốc gia hưởng ứng. Trước đây các tổ chức khu vực như EU và ASEAN đã đưa ra nhiều bộ luật, chương trình hợp tác phòng chống phổ biến thuốc lá thông thường.

Ở nhiều nước, thuốc lá điện tử được bày bán ở mọi nơi, nhưng ngoài các cửa hàng chuyên thuốc lá điện tử thì những cửa hàng tạp hoá là nơi doanh số bán mạnh nhất. Vì lệnh cấm mà các cửa hàng thuốc lá điện tử buộc phải đóng cửa, chuyển vai trò kênh phân phối chính cho hàng tạp hoá, siêu thị. Tuy họ không bày bán thuốc lá điện tử công khai nữa, nhưng người mua chỉ cần đến hỏi là sẽ được xem hàng ngay. 

Việc buôn bán thuốc lá điện tử qua mạng Internet cũng “lên ngôi”, đặc biệt là trong mùa đại dịch COVID-19 này. Hiện tượng chào bán, giao dịch, chuyển hàng diễn ra công khai. Các cơ quan có thẩm quyền hãy bắt đầu từ những cơ sở nói trên và truy ngược lên để phá đường dây buôn bán thuốc lá điện tử bất hợp pháp.

Lê Công Vũ (tổng hợp)
.
.
.