Ngân hàng Credit Suisse liên quan tới rửa tiền ở FIFA
Mặc dù đã thông báo án phạt đối với Credit Suisse, nhưng FINMA vẫn yêu cầu ngân hàng này phải tăng cường các nỗ lực chống rửa tiền và giao cho "bên độc lập thứ 3" kiểm tra hiệu quả của các biện pháp này.
Việc công bố báo cáo điều tra của FINMA đối với Credit Suisse (Credit Suisse Group AG) cho thấy, ngân hàng này đã thiếu nỗ lực trong việc ngăn chặn hành vi rửa tiền liên quan đến các giao dịch của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA).
Theo kết quả điều tra của FINMA, trong giai đoạn 2006-2016, khi làm việc với FIFA, ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ này đã không làm đầy đủ các bước để xác định rõ ràng khách hàng của mình, cũng như xác định người thụ hưởng thật sự của tài khoản, cùng các quan hệ làm ăn có "nguy cơ tăng thêm".
Những thiếu sót tương tự cũng được phát hiện trong các hoạt động giao dịch của Ngân hàng Credit Suisse đối với Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Brazil Petrobras và doanh nghiệp năng lượng Petroleos de Venezuela SA của Venezuela.
Ngoài những thiếu sót kể trên, Ngân hàng Credit Suisse còn phạm sai lầm nghiêm trọng trong việc giám sát 1 quản lý cấp cao vì "đã đưa khách hàng vào những nguy cơ quá mức". Mặc dù trong báo cáo của FINMA không chỉ đích danh nhân vật này, nhưng theo hãng Bloomberg, đó là Patrice Lescaudron, người đã bị 1 tòa án Geneva kết án 5 năm tù hồi tháng 2-2018 bởi tiến hành các giao dịch bất hợp pháp với số lượng lớn.
Theo giới truyền thông, FINMA bắt đầu mở cuộc điều tra đối với Credit Suisse từ năm 2015 để xác định quy mô cũng như mối liên quan của ngân hàng này với vụ bê bối tham nhũng gây chấn động tại FIFA, liên quan đến hàng trăm triệu USD tiền hối lộ tại nhiều châu lục trước đây.
Gần 3 năm trước (30-12-2015), Bộ Tư pháp và Cảnh sát Thụy Sĩ đã chuyển cho cơ quan chức năng Mỹ những tài liệu đầu tiên về vụ tham nhũng tại FIFA. Theo đó, nhiều tài khoản ngân hàng (50 tài khoản tại 10 ngân hàng) đã được sử dụng trong vụ tham nhũng có liên quan đến việc trao quyền tiếp thị đối với các giải bóng đá ở Mỹ và Mỹ Latinh. Theo tài liệu của Bộ Tư pháp Mỹ, trong 24 năm qua, những quan tham ở FIFA đã nhận hối lộ gần 150 triệu USD.
Ngay sau khi biết tin, đại diện của Ngân hàng Credit Suisse cho biết, đã được thông báo về kết quả điều tra của FINMA, nhưng nhấn mạnh, hầu hết các sơ suất kể trên đều xảy ra trước năm 2014 và họ đã thực hiện các biện pháp để tăng cường hệ thống kiểm duyệt.
Ngoài ra Credit Suisse còn tiết lộ, họ đã nhận được yêu cầu từ các cơ quan hữu quan của Mỹ và Thụy Sĩ từ năm 2015 về mối quan hệ giữa ngân hàng này với các cá nhân và tổ chức có liên quan đến FIFA.
Được biết, cổ phiếu của Ngân hàng Credit Suisse chỉ giảm 0,3% vào đầu giờ giao dịch ở châu Âu, ngay sau khi FINMA công bố báo cáo của mình. Và không chỉ Ngân hàng Credit Suisse, mà còn có 11 ngân hàng khác như Deutsche Bank, HSBC hay Standard Chartered cũng liên quan tới vụ bê bối rửa tiền của FIFA.
Từ tháng 7, ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ là UBS Group AG đã bị kiểm duyệt bởi Cơ quan kiểm soát tiền tệ Mỹ về "những thiếu sót hệ thống" trong các hệ thống chống rửa tiền của mình tại chi nhánh ở New York, Connecticut và Florida.
4 năm trước (2014-2018), Tòa án Liên bang Mỹ từng phạt Ngân hàng Credit Suisse 2,5 tỷ USD vì đã giúp đỡ công dân nước này trốn thuế. Sau đó, Ngân hàng Credit Suisse đã phải chấp nhận nộp 5,3 tỷ USD cho Mỹ để giải quyết vụ bán chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản thế chấp dưới chuẩn - nhân tố góp phần gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 10 năm trước (2008-2018).
Ngoài ra, Ngân hàng Credit Suisse cũng từng là đối tượng điều tra của Hà Lan, Anh, Đức, Pháp và Australia xung quanh cáo buộc giúp khách hàng trốn thuế thông qua hàng chục nghìn tài khoản khác nhau.
Được biết, hơn 2 năm trước (tháng 3-2016), FIFA đã yêu cầu những quan chức tham nhũng phải bồi thường thiệt hại lên tới hàng chục triệu USD. Trong thông báo của mình, FIFA cho biết sẽ đòi bồi thường từ khoản tiền 190 triệu USD mà Mỹ đã tịch thu từ 39 cá nhân và 2 công ty liên quan trong bê bối.
Đồng thời cáo buộc Nam Phi đã chi 10 triệu USD để hối lộ giành quyền đăng cai World Cup 2010. Được biết từ tháng 5-2015, 7 quan chức FIFA, trong đó có Phó Chủ tịch Jeffrey Webb, đã bị bắt tại một khách sạn ở Zurich vì bị nghi ngờ tham gia đường dây hối lộ, tham nhũng và rửa tiền với tổng số tiền hơn 100 triệu USD.