Sức mạnh tàu ngầm Mỹ - Nga - Trung:

Nga lấy lại sức mạnh

Thứ Năm, 03/05/2018, 16:03
Mặt trận dưới nước được xem có vai trò sống còn hàng thứ hai trong các cuộc chiến tranh hiện đại, chỉ sau mặt trận phòng không. Có lẽ đó là lý do khiến các cường quốc quân sự hiện nay đều chú ý phát triển sức mạnh của Hải quân, đặc biệt qua khí tài quân sự chiến lược tàu ngầm.


Gió Bắc từ hướng Đông

Sau Chiến tranh lạnh, hạm đội tàu ngầm hạt nhân hùng mạnh của Liên Xô dần dần mục nát, làm giảm đáng kể sức mạnh dưới mặt nước của Nga. Tuy nhiên, chục năm qua, Nga đã tập trung nghiên cứu phát triển những lớp tàu ngầm mới “đa năng”, có thể đóng nhiều vai trò cùng lúc. 

Trong tương lai, hạm đội tàu ngầm của Nga bao gồm 2 lớp: lớp tàu ngầm tên lửa đạn đạo Borei và lớp tàu tấn công nhanh Yasen. 

Quân đội Nga đang có kế hoạch đóng 10 tàu lớp Borei (gió Bắc) để thay thế các tàu ngầm đang lão hóa  Delta III, Delta IV và “quái vật” Typhoon vào năm 2020. Từ năm 1996, Nga bắt đầu khởi động chương trình nghiên cứu thiết kế tàu Borei và tên lửa chuyên dụng (Bulava) cho tàu này.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, tàu lớp Borei là một nền tảng “ấn tượng”. Với chiều dài khoảng 170m và trọng lượng 24.000 tấn, Borei không có vẻ ngoài “khủng bố” như tàu ngầm “cuồng phong” Typhoon của Liên Xô cũ. 

Tuy nhiên, các tàu ngầm “gió Bắc” mang trong mình những công nghệ tốt nhất của tàu ngầm thời hiện đại, bao gồm công nghệ bơm phản lực và chuyển động êm như của tàu lớp Virginia (Mỹ). Đặc biệt, các tàu Borei có chi phí khoảng 23 tỷ rúp (890 triệu USD)/chiếc, rẻ hơn nhiều so với mức giá 2,7 tỷ USD của Virginia và 2 tỷ USD của Ohio.

Tàu ngầm lớp Lada, kế thừa của lớp Kilo.

Giống như tàu Borei, tên lửa Bulava cũng mang trong mình những kỹ thuật tiên tiến. Tương tự phiên bản trên đất liền của nó, tên lửa Topol-M SS-27, Bulava có thể tiến hành một loạt biện pháp đối phó và mồi nhử để bảo vệ chống lại đánh chặn. 

Với vận tốc siêu thanh 10, đầu đạn có thể chuyển hướng của nó có thể chịu được những phá hoại cả về vật chất và xung điện từ để đảm bảo không bị hư hại trước khi bắn trúng mục tiêu. 

Borei thực sự đại diện cho một sự tái sinh theo nghĩa đen của hạm đội tàu ngầm của Liên Xô: một số tàu thuộc lớp này được đóng từ vỏ của các tàu Akulas bị loại bỏ hoặc tàu lớp Akula III chưa hoàn thành.

“Cây tần bì” gốc Xô Viết

Khi năng lực không quân bị xói mòn, Nga đã chú trọng phát triển hạm đội tàu ngầm để thu hẹp khoảng cách với sức mạnh của NATO. Lớp tàu ngầm tấn công nhanh Yasen (cây tần bì) được phát triển vì mục đích này. Chúng là lớp tàu ngầm đa năng, có vai trò đối ngầm, đối mặt nước và đối đất, thay thế cho vai trò của lớp tàu ngầm tấn công nhanh Akula và lớp tàu ngầm tên lửa hành trình Oscar. 

Chiếc tàu đầu tiên của lớp này được đóng từ năm 1993, nhưng mãi đến tháng 9-2011 mới hạ thủy. Chiếc thứ hai hoàn thành năm 2014. Mặc dù chi phí đóng lớp tàu này đã tăng vọt từ 1,5 tỷ USD của chiếc đầu lên 3 tỷ USD cho chiếc thứ hai, nhưng Nga đã đặt hàng thêm 4 chiếc nữa, thời gian giao hàng là từ năm 2016.

Dù bị trì trệ trong hàng thập niên nhưng các nhà thiết kế tàu ngầm của Nga vẫn theo kịp những tiến bộ công nghệ. Chẳng hạn, thủy thủ đoàn đã được giảm xuống còn 90 người, tức khả năng tự động hóa đã được nâng cao. Để so sánh, lớp tàu ngầm hiện đại nhất của Mỹ hiện nay là Virginia cần thủy thủ đoàn 134 người. Yasen cũng kế thừa và cải tiến công nghệ giảm tiếng ồn đã tích lũy của lớp Akula, giúp nó chạy êm hơn. Được biết, lớp Yasen được trang bị hệ thống quét sonar đầu tiên của Nga, với ống phóng ngư lôi nghiêng.

Trang bị vũ khí của tàu Yassen khiến nó trở nên rất đáng sợ. Với 8 ống phóng ngư lôi 25,6 inch có khả năng phóng các ngư lôi VA -111 "Schval", được mệnh danh là “kẻ hủy diệt tàu sân bay”. Ngư lôi Schval có kỹ thuật tạo bong bóng trước mũi, giúp nó có tốc độ trên 200 hải lý/giờ. Với tốc độ này, mục tiêu hầu như không có đủ thời gian để phản ứng hay tránh né. 

Ngư lôi Schval được thiết kế để có thể mang đầu đạn hạt nhân, giúp nó có khả năng tiêu diệt những chiếc tàu sân bay lớn nhất hiện nay chỉ bằng một cú bắn. Yasen có thể phóng nhiều loại tên lửa hành trình như SS-N-26 “Onyx”, SS-N-27 “Klub”...

Con tàu đầu tiên và cũng được coi là tốt nhất trong lớp tàu ngầm thế hệ mới này là Severodvinsk. Nó có khả năng lặn sâu hơn. Nhờ sở hữu tổ hợp Club-S, Severodvinsk phản ứng mau lẹ trước hành động của tàu đối phương được trang bị ngư lôi cỡ nhỏ.

Di sản Kilo

Ngoài việc đầu tư tái sinh hạm đội tàu ngầm hạt nhân, Moskva còn có kế hoạch mở rộng các đội tàu diezel-điện. Tàu ngầm diezel-điện không cần chạy máy bơm liên tục hay những thiết bị ồn ào khác như tàu hạt nhân, nên khi chạy bằng pin, chúng hầu như không bị phát hiện ngay cả với các hệ thống sonar tiên tiến nhất. 

Với ưu thế vượt trội ở các vùng nước nông ven biển, các lớp tàu ngầm diezel thực sự là một giải pháp chi phí thấp hoàn hảo để đe dọa các tuyến đường hàng hải quốc tế, thậm chí một nước yếu cũng có thể sử dụng để đe dọa các nước mạnh lân cận.

Hiện Nga đang lên kế hoạch phát triển đội tàu diezel-điện Lada, kế thừa từ lớp Kilo. So với tiền thân Kilo, tàu Lada vượt trội về mọi mặt: nhẹ hơn, nhanh hơn và có tin đồn được trang bị hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập (AIP). Hệ thống AIP sử dụng một hệ thống lưu trữ điện như các khoang nhiên liệu hydro-oxy giúp một tàu ngầm diezel có thể hoạt động và sạc pin mà không cần để ống thông hơi nối với không khí trên mặt nước.

Điều này cho phép một tàu ngầm được trang bị hệ thống AIP có lợi thế đáng kể vì tránh được yếu điểm của các tàu ngầm diezel truyền thống, là phải chạy gần mặt nước khi chạy bằng động cơ diezel để sạc pin. Nếu tàu Lada được trang bị hệ thống AIP, nó sẽ kéo dài hành trình dưới mặt nước sâu đến 45 ngày, thay vì chỉ 15 ngày như các tàu thông thường. Đặc biệt, các tàu diezel như Kilo và Lada có giá khoảng 300 triệu USD/chiếc, rẻ hơn so với tàu hạt nhân.

(Còn tiếp)

Văn Cường
.
.
.