Nạn tống tiền ở Guatemala
- Vấn nạn bắt cóc đòi tiền chuộc và tiền ảo Bitcoin ở Ấn Độ
- Gia tăng nạn bắt cóc, cưỡng bức nữ du khách tóc vàng ở Nam Mỹ
Theo Giám đốc GAM Mario Polanco thì những người bị sát hại là những người từ chối nghe những cuộc điện thoại mà bọn tội phạm gọi đến (để tống tiền) hoặc từ chối nộp tiền cho chúng, những món tiền phải nộp (hằng tuần) dao động trong khoảng từ 25 USD đến 1.290 USD.
GAM cũng đã tổng hợp một danh sách các công việc nguy hiểm nhất ở Guatemala: đó là những người buôn bán nhỏ, nông dân và những tài xế xe buýt hay taxi. Theo Polanco, những người làm các ngành nghề này đặc biệt dễ bị tổn thương bởi tập quán sử dụng tiền mặt. Các nhóm tội phạm kiếm được khoảng 100 triệu USD/năm.
Vào các khu chợ, "mỏ vàng" để tống tiền
San Martín de Porres là một trong những khu chợ lớn nhất của Guatemala với nhiều loại sản phẩm. Rau, trái cây, thịt, thịt gà, quần áo, giày dép, điện thoại, sản phẩm tẩy rửa, phụ tùng thay thế và quần áo cũ - mọi thứ đều có thể tìm thấy và mua bán ở đó. Các quầy hàng chen chúc trong khu chợ và tràn ra cả các đường phố lân cận.
Trên một số tuyến phố có tới ba hàng quầy hàng xếp chen chúc bên nhau. Để đi xuyên qua các con phố đó, khách chỉ có thể di chuyển bằng cách đi bộ. Mỗi cửa hàng nộp thuế cho chính quyền địa phương từ 150 đến 3.000 quetzales (tiền Guatemala - khoảng 20 đến 400 USD)/tháng.
Băng đảng Mara Salvatrucha (MS13) cũng hoạt động tại khu chợ này. Nhóm tội phạm đường phố đã xây dựng kế hoạch tống tiền bằng cách đếm số lượng vị trí được vẽ bằng các đường màu vàng trên mặt đất – nơi đánh dấu để đặt các quầy hàng - và tiến hành gọi những cú điện thoại tống tiền. Mức tiền mà các nạn nhân phải nộp từ 100 đến 300 quetzales (khoảng 13 đến 40 USD)/ngày, tùy thuộc vào cách đánh giá của bọn chúng về quy mô và lợi tức của gian hàng đó.
Hầu hết những người buôn bán nhỏ, khi bị tống tiền không dám tố cáo vì sợ hãi bị trả thù. |
Một người bán hàng tại chợ San Martín de Porres đã kể với các nhà điều tra của tổ chức InSight Crime (một tổ chức điều tra tội phạm châu Mỹ ) rằng mọi chuyện bắt đầu từ ba năm trước khi các thành viên băng đảng dán thông báo yêu cầu mỗi cửa hàng, mỗi ngày phải nộp 100 quetzales cho bọn chúng.
Ban đầu những người bán hàng từ chối nộp tiền nhưng họ đã phải nhanh chóng phải thay đổi quan điểm sau khi chứng kiến một số vụ giết người tàn bạo và công khai của băng đảng này. Kể từ đó, họ đã nộp tiền đều đặn theo những yêu cầu của nhóm tội phạm.
Trong danh sách tống tiền, các nạn nhân được xác định bằng mã số ở chợ và theo chủng loại hàng hóa mà họ kinh doanh. Theo những mệnh lệnh được truyền đạt qua điện thoại, nạn nhân sẽ phải tự mình tìm đến chỗ băng đảng đã chỉ định để nộp tiền.
Theo các nạn nhân, họ chưa bao giờ nhìn thấy khuôn mặt của những kẻ tống tiền nhưng họ ước đoán tuổi của chúng khoảng từ 15 đến 20 tuổi. Các thành viên nữ trong băng đảng thì phụ trách việc bí mật điều tra về các nạn nhân và gọi điện thoại thúc giục nộp tiền.
“Cảnh sát có đến đây một lần và hỏi tất cả chúng tôi rằng chúng tôi có bị tống tiền và có phải nộp tiền theo yêu cầu của các băng đảng hay không? Chúng tôi không thể nói “có” tại đây, tại khu chợ này và trước mặt tất cả mọi người.
Nếu có một điểm nào đó kín đáo để người dân đến khiếu nại, tố cáo, tôi sẽ làm ngay, nhưng bạn thấy đấy, cảnh sát vẫn thường xuyên có mặt ở đây nhưng họ chẳng làm gì cả”, một người bán hàng đã kể như vậy với các nhân viên điều tra của Insightcrime.
Carlos Tiberio Valladares, ông trùm của băng đảng Mara Salvatrucha (MS13). |
Chịu áp lực nặng nề, thường xuyên bị ám ảnh, sợ hãi về các băng đảng, nhiều người đã quyết định đóng cửa hàng và ngừng kinh doanh. Nếu người nào đó muốn tiếp quản lại các điểm bán hàng đã ngừng hoạt động này, họ sẽ phải chấp nhận nộp các khoảng tiền hằng ngày (hay hằng tuần) và thanh toán ngay số tiền từ 50.000 đến 75.000 quetzales (khoảng 6.750 đến 10.100 USD) cho băng đảng.
Hầu hết các nạn nhân vì quá sợ hãi nên không dám tố cáo những hành động tống tiền này. Theo quy định của băng đảng MS13, những người bán hàng ở chợ San Martín de Porres sẽ phải đặt một lá cờ Guatemala nhỏ trên kệ hàng hay giữa các đống hàng hóa, một dấu hiệu chứng tỏ họ sẵn sàng nộp tiền cho các băng đảng và chúng sẽ không ngần ngại ra tay sát hại tất cả những ai không tuân theo điều đó.
Tài xế xe buýt trở thành nạn nhân số 1 của nạn tống tiền
Kể từ giữa những năm 2000, tống tiền xe buýt đã trở thành một tội phạm phổ biến ở Guatemala và ngày càng có nhiều các tài xế xe buýt thiệt mạng vì bị tống tiền.
Trong năm 2009, tỷ lệ bị sát hại của các tài xế xe buýt là 135/100.000, cao gấp 200% so với mức trung bình của quốc gia. Theo Hiệp hội Góa phụ xe buýt (Asociación de Viudas de Piloto - AVP) từ năm 2001 đến năm 2019 đã có khoảng 3.200 tài xế bị sát hại trong các vụ việc liên quan đến tống tiền.
Sự tàn bạo này ngày càng gia tăng bởi sức hấp dẫn của số tiền kiếm được, năm 2017 ước tính việc tống tiền xe buýt đã đem về cho các băng đảng khoảng 100 triệu USD.
Cựu Tổng thống Guatemala (2008-2012) - Alvaro Colom và nhiều bộ trưởng trong nội các của ông bị bắt giữ vì tham nhũng liên quan đến khoản tiền hỗ trợ giao thông công cộng. |
Nhưng các băng đảng đường phố không phải là những kẻ duy nhất làm đầy túi với hàng triệu USD. Khi tình trạng mất an ninh của xe buýt gia tăng, chính phủ đã quyết định tăng thêm trợ cấp cho lĩnh vực này, khoản đầu tư công này lại rơi vào bàn tay mờ ám của Hiệp hội các công ty vận tải đô thị (Asociación de Empresas de Autobuses Urbanos - AEAU) một tổ chức của các công ty tư nhân đứng đầu trong lĩnh vực này.
Không có sự minh bạch, một phần lớn các quỹ này đã “bốc hơi” trong các chương trình tham nhũng liên quan đến các doanh nhân vận tải và các chính trị gia. Tổ chức AEAU hiện là đích ngắm của cuộc điều tra vụ bê bối "Transurbano", cuộc điều tra về vụ biển thủ công quỹ lớn nhất từng được phát hiện, đã hạ bệ một cựu tổng thống và một loạt các cựu bộ trưởng.
Cấu trúc đặc biệt của hệ thống giao thông công cộng tại Guatemala khiến nó dễ dàng bị các băng đảng tống tiền. Hệ thống hoạt động công ích này được phân chia thành từng mảng và được tư nhân hóa.
Chính quyền các thành phố bán quyền vận hành các tuyến xe buýt cho các chủ thể tư nhân – những người sẽ được độc quyền kinh doanh giao thông công cộng, sau đó họ sẽ cho thuê giấy phép sử dụng đường bộ và thường là cho thuê cả xe buýt cho các tài xế.
Một số nhà quan sát nghi ngờ rằng đã có các thành viên băng đảng trà trộn vào hàng ngũ những người làm việc trong hệ thống giao thông công cộng và trên các xe buýt.
Những nghi ngờ này hoàn toàn có cơ sở khi mà các băng đảng dường như đã có được các thông tin chính xác về các tuyến đường, số lượng hành khách và thói quen của các tài xế xe buýt. Người ta cũng nghi ngờ rằng có sự thông đồng giữa một số tài xế xe buýt với các băng đảng.
Khi các vụ sát hại các tài xế xe buýt gia tăng và các vụ xả súng lan rộng, Chính phủ Guatemala đã quyết định tăng trợ cấp hàng năm cho ngành giao thông công cộng.
Từ 54 triệu quetzales (khoảng 7,3 triệu USD theo tỷ giá hiện tại) vào năm 2004, khoản trợ cấp này đã đạt con số 340 triệu quetzales (46,3 triệu USD) vào năm 2008, và năm 2018 là hơn ba tỷ quetzales (400 triệu USD). Điều đáng nói là hoàn toàn thiếu vắng sự minh bạch trong việc chính quyền đã chi tiêu số tiền này ra sao.
Tống tiền xe buýt đã trở thành một tội phạm phổ biến ở Guatemala. Từ năm 2001- 2019 đã có 3.200 tài xế bị sát hại trong các vụ tống tiền. |
Juan Alberto Sánchez, phụ trách an ninh tại quận Villa Nueva ở ngoại ô thành phố Guatemala, kể lại rằng cuộc điều tra về nạn tống tiền mà ông tiến hành trước đây (vào năm 2009) đã cho thấy có sự dính líu, móc ngoặc của nhiều thành phần khác nhau trong lĩnh vực này.
“Có khoảng 100 xe buýt chạy hằng ngày, mỗi chiếc thường bị tống tiền 9 lần/tuần. Khi cuộc điều tra được tiến hành, những người đầu tiên bị buộc thôi việc là các thanh tra vận tải (chịu trách nhiệm ghi lại thời gian vận chuyển của xe buýt)...
Nhưng các tài xế và nhân viên bán vé xe buýt, thanh tra giao thông đường bộ và thậm chí các chủ xe buýt đều có liên quan trực tiếp. Họ liên kết với các băng đảng ... trong một số trường hợp chính các chủ xe buýt đã thuê các băng đảng để thực hiện các hành động khủng bố chống lại các đối thủ cạnh tranh hay tấn công chính phương tiện giao thông của mình (để nhận trợ cấp của chính phủ)”, Sánchez nói.
Các hoạt động mờ ám này chưa bao giờ bị phanh phui đến tận cùng, dẫu rằng “có rất nhiều người liên quan đến những hoạt động tội phạm này nhưng chưa bao giờ có một vụ án nào được đưa ra xét xử”, Emma Emma Flores, công tố viên phụ trách lĩnh vực chống tội phạm tống tiền ở Guatemala đã thừa nhận như vậy với các nhân viên của tổ chức Insightcrime.