Cộng đồng thế giới thứ ba ở châu Phi:

Nạn nhân của bạo lực, khủng bố và phân biệt đối xử

Thứ Tư, 20/07/2016, 13:54
Trong khi cả thế giới đang thương tiếc, hướng về 49 nạn nhân trong vụ xả súng điên cuồng tại một hộp đêm đồng tính ở Orlando, Florida, Mỹ thời gian gần đây, các thành viên của cộng đồng thế giới thứ ba (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới - LGBT) ở nhiều quốc gia châu Phi đang phải đối mặt với sự đàn áp, kỳ thị của cộng đồng. Luật chống đồng tính được thắt chặt tại nhiều quốc gia trong khu vực.

Coi đồng tính là bất hợp pháp

Ít nhất 33 trong tổng số 55 quốc gia ở châu Phi coi đồng tính là bất hợp pháp. Ở một số quốc gia như Mauritania, Sudan, Nigeria và Somalia, đồng tính có thể bị trừng phạt bằng cái chết. 

Vụ xả súng kinh hoàng xảy ra tại hộp đêm đồng tính ở Orlando một lần nữa gây nên những cuộc tranh luận về quyền của LGBT. Đồng thời, vụ việc cũng cho thấy, bảo vệ LGBT trên toàn thế giới là một cuộc đấu tranh lâu dài, còn gặp nhiều khó khăn, thử thách. Trên khắp châu Phi, người LGBT ngày càng lo sợ vì phải đối mặt với bạo lực, khủng bố và phân biệt đối xử.

Gần đây, một tòa án ở Kenya đã cho phép các cơ quan điều tra tiến hành kiểm tra hậu môn của người bị nghi ngờ là gay. Theo quy đinh của luật pháp Kenya, chính quyền có thể tiến hành kiểm tra người bị nghi ngờ là gay bằng cách kiểm tra hậu môn để chứng minh xem có quan hệ tình dục đồng tính hay không. Các nhóm nhân quyền cho rằng, đây là quy định "đáng ghê tởm" và "xuống cấp về đạo đức". 

Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI), nói rằng, quy định "gây sốc" và là sự coi thường trong việc thực thi quy định về nhân quyền quốc tế. Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) còn cho rằng, đó có thể coi là hành vi tra tấn người khác. Mặc dù số người bị truy tố là rất hiếm nhưng theo quy định, người đồng tính có thể bị phạt tù lên đến 14 năm ở đất nước Đông Phi này.

Ít nhất 33 trong tổng số 55 quốc gia ở châu Phi coi đồng tính là bất hợp pháp. Những người thuộc cộng đồng LGBT ở châu Phi luôn phải sống trong sợ hãi.

Vụ việc có liên quan đến hai người đàn ông bị cáo buộc quan hệ tình dục đồng tính. Hai người đàn ông phủ nhận cáo buộc và nói với tòa án rằng, họ bị các nhân viên an ninh ép buộc phải kiểm tra hậu môn tại một bệnh viện công ở Mombasa. Tuy nhiên, thẩm phán tòa án nói rằng, luật pháp Kenya cho phép sử dụng các phương tiện xâm nhập vào cơ thể con người với mục đích thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm liên quan đến tình dục.

Sống trong sợ hãi

Các nhà hoạt động nhân quyền tại Uganda đang cảnh báo về chứng "sợ đồng tính" và kỳ thị người đồng tính tăng cao. Kasha Jacqueline Nabagesera, biên tập viên của ấn phẩm dành cho người đồng tính nam và đồng tính nữ duy nhất ở  Uganda nói rằng, cô sống trong lo sợ. "Tôi không dám đi bộ trên đường phố Kampala và cũng không sử dụng giao thông công cộng để tránh các cuộc tấn công nếu có ai đó nhận ra. Tôi đã nhận được nhiều lời đe dọa khi đi phân phát miễn phí các cuốn tạp chí", Kasha Jacqueline Nabagesera nói.

Kasha Jacqueline Nabagesera cho biết thêm, để có thể duy trì hoạt động của tạp chí, cô đã nhận được sự giúp đỡ về tài chính từ các đồng minh quốc tế. Tạp chí ra đời với hy vọng sẽ làm nên "một cuộc cách mạng" thay đổi thái độ của cộng đồng với người đồng tính. 

Theo Nabagesera, cô thấy một thái độ "đạo đức giả" từ các đối tác hỗ trợ tài chính ở phương Tây. "Khi ký các thỏa thuận để cung cấp viện trợ, các đối tác thường đề cập đến quyền của cộng đồng LGBT. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi những người thuộc thế giới thứ ba của chúng tôi bị đe dọa, muốn xin tị nạn tại nước họ thì bị từ chối. Chúng tôi bị đẩy trở lại Uganda với nỗi lo sợ đến nghẹt thở", Nabagesera nói với phóng viên tờ DW (Đức).

Tại một số quốc gia khác ở châu Phi, việc hỗ trợ của phương Tây đối với cộng đồng LGBT đã dẫn đến những tranh cãi lớn với những người ủng hộ luật cấm đồng tính luyến ái. 

"Nếu chúng ta cởi mở với tất cả mọi thứ ở phương Tây, điều đó đồng nghĩa với việc bán nền văn hóa nước nhà, đánh mất sự độc đáo riêng có của quốc gia", doanh nhân Emmanuella Suh ở Cameroon - một người theo quan điểm không ủng hộ đồng tính nói. 

"Tất nhiên, đồng tính cũng là những con người. Nếu muốn sống thật với chính mình thì hãy đến một nơi khác, bên ngoài Cameroon. Cameroon không chào đón người đồng tính luyến ái vì nó đi ngược lại với niềm tin, truyền thống của chúng tôi", bà Emmanuella Suh nói tiếp.

"Chúng tôi cần tự do"

Bà Emmanuella Suh không phải là người duy nhất có quan điểm chống lại thế giới thứ ba. Gần đây, Quốc hội Cameroon đã tiến hành xem xét lại Bộ luật Hình sự đã có 50 năm tuổi của mình. Nhiều người có quan điểm nên xem xét thắt chặt luật pháp cấm đồng tính luyến ái. Một cuộc tranh luận đã xảy ra nhưng chưa có kết luận cuối cùng. 

Hiệp hội bảo vệ cộng đồng LGBT Cameroon cho rằng, cộng đồng LGBT cần được bảo vệ, không thể bị truy tố trước pháp luật. Xu hướng tình dục của họ cũng là một quyền cơ bản của con người.

Kasha Jacqueline Nabagesera nói rằng, cô không dám đi bộ trên đường phố và cũng không sử dụng giao thông công cộng để tránh các cuộc tấn công nếu có ai đó nhận ra cô làm việc cho tạp chí đồng tính.

Joseph Banadzem, một thành viên của Quốc hội Cameroon nói rằng, quy định của pháp luật vẫn còn mâu thuẫn với hôn nhân đồng tính và đồng tính luyến ái. Bộ luật Hình sự quy định, quan hệ tình dục đồng giới bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm, phạt tiền từ 20.000 đến 200.000 franc Cameroon (khoảng từ 40-400 USD). "Dù có những ý kiến khác nhau nhưng không ai trong số thành viên các chính đảng phản đối các quy định được nêu trong luật này", Banadzem nói.

Nkom Alice, 68 tuổi, một nhà hoạt động nhân quyền đồng tính này rằng, những quy định của pháp luật đã "tiếp tay" cho hành vi tra tấn, tấn công người đồng tính. Cũng vì những quy định này mà người đồng tính không dám tìm đến luật sư để được trợ giúp pháp lý. "Nó cũng khuyến khích việc phân biệt đối xử đối với những người LGBT. Thậm chí, nếu bạn phàn nàn, chính quyền sẽ không làm gì cả vì bạn là đồng tính và họ không có nghĩa vụ phải bảo vệ những người đồng tính", bà Nkom Alice nói. 

"Hiến pháp nói rằng, tất cả cuộc sống riêng tư của người dân được bảo vệ nhưng chúng tôi không được tự do trong đất nước mình. Chúng tôi cần tự do. Chúng tôi rất sợ vì không được sự hỗ trợ của nhà nước cũng như sự bảo vệ của các cơ quan chức năng. Điều này đi ngược lại với cam kết rằng, tất cả công dân đều được bảo vệ. Không ít nhà hoạt động nhân quyền bảo vệ người đồng tính ở Cameroon đã chết trong hoàn cảnh rất khó hiểu", bà Nkom Alice nói tiếp.

T. Phạm
.
.
.