Nạn bắt nạt học đường tại Nhật Bản
Tình trạng bắt nạt học đường lại vừa được giới truyền thông nhắc tới sau khi Bộ Giáo dục công bố con số thống kê. Bởi theo thống kê, chỉ trong 1 năm (từ tháng 4-2015 đến tháng 4-2016), số vụ bắt nạt học đường đã tăng hơn 224.000 trường hợp, tăng 19,4% so với cùng kỳ trước đó. Số liệu này cũng cao nhất kể từ khi Nhật Bản chính thức ghi nhận vấn nạn này cách đây 31 năm (1986-2017).
Vấn nạn bắt nạt học đường trở thành đề tài được tranh luận ở Nhật Bản có từ năm 1986, sau vụ một nam học sinh trung học treo cổ trong nhà vệ sinh sau nhiều tháng bị các bạn cùng trường "tra tấn".
Và để khắc phục vấn nạn này, từ tháng 3-2017, Bộ Giáo dục đã yêu cầu các trường phải tăng cường quan tâm đến những đối tượng học sinh dễ bị bắt nạt như học sinh khuyết tật, đồng tính, lưỡng tính hoặc chuyển đổi giới tính. Nhiều trường đã thành lập đội tuần tra chống bắt nạt để các sự việc đau lòng không còn tái diễn.
Bộ Giáo dục cho biết, dạng bắt nạt phổ biến nhất trong các trường học là chế giễu và nói xấu - chiếm hơn 50% trường hợp. Và những học sinh dễ trở thành đối tượng bị bắt nạt nhất thuộc về các lớp đầu cấp - lớp 1 và 2 tiểu học.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục cũng cho rằng, tuy số vụ bắt nạt tại trường học có tăng, nhưng điều đó không có nghĩa học sinh nước này đang trở nên bạo lực hơn trước, mà chỉ cho thấy các trường đã quan tâm hơn đến tình trạng này và sẵn sàng điều tra khi vụ việc bị phát hiện. Đồng thời thừa nhận, rất khó để kiểm soát các vụ bắt nạt trên mạng Internet hay điện thoại di động.
Theo ghi nhận, đã có hơn 2.000 vụ uy hiếp, hăm dọa trên mạng Internet được báo cáo trong năm qua. Và để ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn, nhiều trường đã áp dụng phần mềm chống bắt nạt trên mạng. Phần mềm này cho phép nạn nhân của các vụ bắt nạt trên mạng hoặc những người biết hành vi đó có thể thông báo nặc danh bằng cách gửi tin nhắn hoặc gửi ảnh qua điện thoại thông minh.
Một nạn nhân của bắt nạt học đường. |
Được biết, Trường Tiểu học Tezukayama ở thành phố Nara là đơn vị đầu tiên áp dụng hệ thống chống bắt nạt trên mạng kể từ tháng 4-2017. Ứng dụng này có khả năng giấu thông tin người báo cáo. Phần mềm này do một công ty công nghệ Mỹ phát triển và đã có khoảng 3 triệu người trên thế giới đang sử dụng.
Hãng Kyodo News từng đưa tin về cái chết của bé Kohei, học sinh cấp 2 - bị chết đuối vì bị 3 bạn ép nhảy xuống sông. Hôm đó Kohei đến dự liên hoan của trường và nạn nhân đã nói chuyện khá lâu với một cô gái khá xinh khiến các bạn của cậu khó chịu.
Hết buổi liên hoan, các bạn của Kokei không cho em về nhà, dồn nạn nhân đến gần một con sông và ép phải nhảy xuống. Kokei buộc phải nhảy xuống sông nhưng bơi được một nửa em muốn quay lại nhưng không còn đủ sức nên đã chết đuối. Thi thể của Kohei được tìm thấy 3 ngày sau.
Vụ việc tại Trường Trung học Hanamaki Minami High School ở tỉnh Iwate cũng khiến dư luận lo lắng. Bởi nạn nhân là nam sinh mặc đồng phục bóng chày đang cố gắng gào thét và cầu xin sự giúp đỡ sau khi bị bạn nhốt vào trong khu vực chật hẹp bằng bê tông với tấm rào sắt chắn bẩn thỉu. Nam sinh này bị bạn lột điện thoại và chỉ biết khóc van nài trong tiếng cười khoái trá từ những kẻ bắt nạt.
Bé Rima Kasai mới 13 tuổi nhưng đã tự sát bằng cách nhảy vào đoàn tàu đang chạy tại ga Kitatokiwa, ở thành phố Aomori. Cô bé chết vào ngày thứ 2 của học kỳ mới trong năm lớp 8 và sau khi em bị bắt nạt trong 1 năm liền.
Ông Go Kasai, cha của bé Rima Kasai cho biết, bạn học trêu ghẹo con gái bằng đủ mọi trò - từ chê xấu tới gọi là bọ, và nên chết đi. Thậm chí khi về nhà, trò bắt nạt cũng không kết thúc bởi bé Rima Kasai vẫn liên lục nhận những tin nhắn lăng mạ. Thi thể của học sinh Uemura, 13 tuổi được tìm thấy trong tình trạng bị đâm nhiều nhát bằng kéo bởi bạn học của mình.
Theo tờ Mainichi Shimbun, nhóm học sinh tấn công Uemura đã cố gắng ép em tham gia vào nhóm của chúng nhưng em không thích. Và những học sinh đâm em Uemura đã bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công của các chiến binh IS trước đó không lâu. Cái chết của Uemura đã khiến Thủ tướng Shinzo Abe phải cảnh báo về tình trạng bắt nạt học đường.
Theo kết quả nghiên cứu vừa đăng trên chuyên san Plastic and Reconstructive Surgery, thanh thiếu niên liên quan tới bắt nạt, dù là nạn nhân hay thủ phạm, đều có xu hướng muốn phẫu thuật thẩm mỹ để trông hấp dẫn hơn. "Những người bị bạn bè bắt nạt gây tổn thương tâm lý, từ đó làm tăng nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ để trở nên tự tin hơn hoặc tìm sự công nhận của người khác", Tiến sĩ Dieter Wolke giải thích. Còn những kẻ bắt nạt muốn "dao kéo" để ưa nhìn và nổi trội, tiếp tục củng cố vị thế hơn người khác. |