Nam Phi điều tra việc mua sắm thiết bị y tế chống COVID-19

Thứ Tư, 12/08/2020, 20:05
Cơ quan giám sát chống tham nhũng của Nam Phi cho biết họ cũng đang tiến hành điều tra những bất thường trong các hợp đồng mua sắm trang thiết bị y tế chống COVID-19 trị giá gần 10 triệu USD.

Trong khi đang phải đối mặt với những lời chỉ trích về cách ứng phó với đại dịch, các báo cáo về những giao dịch đáng ngờ giữa các quan chức chính phủ và các doanh nghiệp cung cấp thiết bị y tế, cũng như các gói hàng viện trợ thực phẩm cho người nghèo đã đẩy uy tín của chính phủ Nam Phi xuống mức thấp nhất trong vòng một năm qua. 

Cơ quan giám sát chống tham nhũng của Nam Phi cho biết họ cũng đang tiến hành điều tra những bất thường trong các hợp đồng mua sắm trang thiết bị y tế chống COVID-19 trị giá gần 10 triệu USD.

Tham nhũng làm giảm khả năng chống dịch

Dự án gần 10 triệu USD mà báo chí nhắc nhiều đến do Công ty Bhca Projects của ông Thandisizwe Diko, chồng bà Khusela Diko, người phát ngôn của Tổng thống Cyril Ramaphosa, thực hiện. 

Còn hai con trai của ông Ace Magashule, Tổng thư ký ANC và cựu Thủ hiến bang Free State, là Tsepiso và Thato hồi tháng 7 cũng đã được một trong những cộng sự của cha họ trong kho bạc tỉnh trao hợp đồng mua sắm hàng hóa và dịch vụ liên quan đến COVID-19 trị giá gần 300.000 USD. Ông Ace Magashule trước đây từng bị nhiều nhà phê bình buộc tội tham nhũng trong nhiệm kỳ làm Thủ hiến bang.

Trước đây, ông Ace Magashule cũng đã bị nêu tên liên quan đến các cáo buộc tham nhũng do Ủy ban Điều tra chiếm giữ Nhà nước của Nam Phi, một tổ chức đang điều tra các vụ bê bối tham nhũng trị giá hàng tỷ USD xảy ra trong nhiệm kỳ của Tổng thống Jacob Zuma (2009 - 2018) thực hiện. 

Còn Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Tito Mboweni trong một loạt dòng tweet trên Twitter hồi đầu tháng 8 thì kêu gọi trừng phạt các quan chức tham nhũng và Tổng thống phải mạnh mẽ hơn trong vấn đề này. 

"Đấu thầu là một hợp đồng có đạo đức. Nó không phải là một tấm séc trắng để lừa dối và ăn cắp. Chúng ta nên làm việc cùng nhau để đánh bại virus SARS-CoV-2 chứ không phải xem đây là cơ hội để lừa nhà nước và những người không khỏe mạnh", ông Tito Mboweni viết trên tài khoản Twitter của mình.

Tổng thống Nam Phi Cyli Ramaphosa khẳng định, hành vi tham nhũng trong thời kỳ thảm họa quốc gia là một loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và thủ phạm sẽ bị xử lý một cách nghiêm khắc, không khoan nhượng. 

Ông cho biết thêm, thời gian qua, nhiều khiếu nại, tố cáo đã được gửi đến các cơ quan chức năng Nam Phi liên quan đến hành vi tham nhũng trong sản xuất khẩu trang, phân phối các gói thực phẩm cứu trợ của Chính phủ và bòn rút tiền được dành để sử dụng trong các chiến dịch nâng cao nhận thức về virus SARS-CoV-2. 

Tổng thống Nam Phi khẳng định rất khó chấp nhận những hành vi như tăng giá khẩu trang y tế tới 900%; biển thủ những gói thực phẩm khẩn cấp dành cho người nghèo; hay hành vi chiếm đoạt những thùng lớn trữ nước hỗ trợ cộng đồng đang gặp khó khăn để dùng cho gia đình mình và gọi những hành vi này là "không có lương tâm".

Bộ trưởng Tài chính Tito Mboweni thừa nhận, trong khi chính phủ giao hợp đồng cho các nhà cung cấp dịch vụ, giá đã bị tăng cao hoặc các hợp đồng được trao cho các công ty và những người có quan hệ với chính phủ và đảng ANC cầm quyền. 

Kết quả điều tra ban đầu của đơn vị điều tra đặc biệt (SUI) thuộc chính phủ cho biết, riêng ở tỉnh Gauteng, 102 công ty liên quan đến việc này. Quan chức y tế hàng đầu của Gauteng, Bandile Masuku, và vợ ông ta cũng bị liên đới. Một số tỉnh khác, nhiều quan chức đã bị đình chỉ công tác, bị điều tra nhưng chưa có ai bị buộc tội hay truy tố.

Riêng với Ủy ban điều tra cấp Bộ gồm 6 thành viên nội các vừa được thành lập, công việc điều tra được tiến hành độc lập. Tuyên bố từ văn phòng Tổng thống khẳng định, hiện Ủy ban đang xem xét tham nhũng trong việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ đặc biệt là việc mua sắm thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE). 

Do không được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cần thiết, kể từ tháng 3 tới nay, hơn 24.000 nhân viên y tế Nam Phi mắc COVID-19. Hầu hết các thiết bị bảo hộ này đều nhập khẩu dẫn đến những khó khăn trong mua sắm và phân phối và tạo lỗ hổng cho tham nhũng.

Nhân viên y tế ở Nam Phi bị nhiễm COVID-19 do thiếu trang thiết bị bảo hộ cần thiết. Ảnh: Getty

Nỗi lo tham nhũng lan tràn

Phân tích về vấn đề này, ông Max Heywood, làm việc cho tổ chức Minh bạch quốc tế cho hay, từ khi đại dịch COVID-19, các quốc gia trên thế giới đã tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD vào cuộc chiến chống dịch. Và mối lo lớn nhất hiện giờ không chỉ có việc đẩy lùi sự lây lan của virus SARS-CoV-2 mà còn có cả việc chống tham nhũng.

Theo đại diện của tổ chức Minh bạch quốc tế, nạn tham nhũng liên quan đến COVID-19 đặc biệt nghiêm trọng ở các quốc gia Trung -Nam Mỹ và châu Phi. Tổ chức Minh bạch quốc tế cảnh báo, những vụ việc như vậy đang xảy ra trước thực tế các "lỗ hổng" trong hệ thống và những khoản tiền khổng lồ được sử dụng trong phòng, chống dịch bệnh. 

Rà soát chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng trên là việc làm cần thiết để giúp chính phủ các nước không chỉ để chặn tay những kẻ tham nhũng, mà còn để không uổng phí những nguồn lực ngăn chặn đại dịch, cứu mạng sống con người.

Khánh Chi
.
.
.