Mỹ hi vọng đạt thỏa thuận hạt nhân với Iran trong thời gian tới?
Hiện Iran và nhóm P5+1 đang cố gắng hoàn tất thỏa thuận khung cuối cùng về chương trình hạt nhân của nước này trước ngày 31/3 tới và đạt được thỏa thuận đầy đủ trước ngày 30/6, theo đó Iran tạm dừng chương trình hạt nhân trong ít nhất 10 năm đổi lại việc các nước phương Tây dỡ bỏ dần dần lệnh cấm vận đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Tuy nhiên, hồi tuần trước, 47 Thượng nghị sỹ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa đã gửi thư ngỏ tới Chính phủ Iran với lời cảnh báo, một thỏa thuận hạt nhân giữa nước này và nhóm các cường quốc thế giới sẽ không thể tồn tại lâu dài. Bức thư khẳng định Quốc hội Mỹ sẽ bác bỏ thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Iran.
Bức thư nêu rõ: "Bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ chỉ là một văn bản giữa cá nhân Tổng thống Obama và lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Khamenei. Tổng thống Mỹ mới có thể sẽ hủy bỏ thỏa thuận đó chỉ bằng một chữ ký và Quốc hội mới có thể điều chỉnh nội dung của thỏa thuận bất kỳ lúc nào". Tổng thống Obama đã "mỉa mai" hành động của các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa là nhằm tạo lập "một kênh hậu thuẫn" với các thành phần bảo thủ ở Iran, coi đây là "một liên minh khác thường".
Trong khi đó, phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Ngoại trưởng Kerry đã cảnh báo bức thư của các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa có nguy cơ "hủy hoại lòng tin mà các chính phủ nước ngoài gửi gắm trong hàng nghìn thỏa thuận quan trọng".
Theo ông Kerry, các Thượng nghị sĩ gửi bức thư trên đã "phớt lờ tiền lệ trong hơn hai thế kỷ qua về cách ứng xử trong chính sách ngoại giao của Mỹ". Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định việc các Thượng nghị sĩ Cộng hòa nói rằng, Quốc hội có thể sửa đổi các điều khoản của một thỏa thuận vào bất cứ thời điểm nào là "hoàn toàn sai lầm".
Tuy nhiên, ông Kerry cũng khẳng định thỏa thuận hạt nhân với Iran không mang tính bắt buộc pháp lý, điều này có nghĩa là vị tổng thống kế tiếp của nước Mỹ có thể điều chỉnh nội dung thỏa thuận này. Nhưng, theo các chính trị gia phương Tây, nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mang tính bắt buộc pháp lý, vì vậy đảng Cộng hòa khó có thể đảo ngược tình hình.
Cũng liên quan tới vấn đề này, phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ (CSIS) nhân chuyến thăm Mỹ hai ngày, ngày 12/3, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã chỉ trích bức thư mà 47 thượng nghị sỹ đảng Cộng hoà Mỹ mới gửi cho Tehran. Ngoại trưởng Steinmeier nhấn mạnh không cần bức thư nói trên, các cuộc đàm phán với Iran về chương trình hạt nhân của nước này đã rất khó khăn và bức thư sẽ chỉ làm cho tình hình trở nên "khó khăn và phức tạp hơn".
Theo ông, bức thư trên đã gây tổn hại tới niềm tin của Tehran đối với P5+1. Những chỉ trích của Ngoại trưởng Đức cho thấy Berlin muốn gửi tín hiệu cảnh báo tới các thế lực ở Washington muốn ngăn cản một thoả thuận hạt nhân toàn diện với Tehran. Về phần mình, nhà lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố các nhà đàm phán của Iran sẽ không bị "lừa bịp" trong bất kỳ thỏa thuận hạt nhân vào với Nhóm P5+1.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) hội kiến với người đồng cấp Iran Mohammad Jawad Zarif tại Thụy Sĩ. |
Phát biểu trước Hội đồng Chuyên gia, cơ quan bao gồm 86 giáo sĩ cấp cao nhất của Iran, ông Khamenei, người có tiếng nói quyết định trong các thỏa thuận của Iran, đánh giá cao nhóm đàm phán hạt nhân của nước này và rằng họ có đủ kỹ năng đàm phán để đạt được một thỏa thuận mà Mỹ sau này không thể đảo ngược.
Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif cũng lên tiếng phản bác nội dung bức thư, cho rằng cách hành xử trên cho thấy "không thể tin cậy vào nước Mỹ" vì các mối quan hệ liên quốc gia phải được chi phối bởi luật pháp quốc tế chứ không phải bởi luật pháp của Mỹ.
Những "lời qua, tiếng lại" ngay trong nội bộ nước Mỹ sau bức thư gửi Iran của các nghị sĩ đảng Cộng hòa cho thấy bất đồng giữa Nhà Trắng với Quốc hội do đảng này nắm quyền kiểm soát đã bắt đầu lan sang các vấn đề đối ngoại, báo hiệu hai năm cầm quyền còn lại của Tổng thống Obama sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Tranh cãi đảng phái sẽ diễn ra căng thẳng hơn, nhất là trong bối cảnh, năm 2016 là năm tổng tuyển cử bầu lại Tổng thống Mỹ.