Mỹ - Trung lại "khẩu chiến" về an ninh mạng

Thứ Tư, 25/03/2015, 11:00
Ngày 20/3, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã bác bỏ mọi dính líu tới vụ tấn công nhằm vào trang web Register.com của Mỹ, sau khi tờ Financial Times dẫn cáo buộc của Cục Điều tra Liên bang (FBI) Mỹ về vấn đề này.

Theo tờ Financial Times, tin tặc dường như đã xâm nhập vào mạng máy tính của Register.com (quản lý hơn 2,5 triệu tên miền và cung cấp các dịch vụ quản lý và thiết kế trang web) trong khoảng một năm, nhưng hoạt động của chúng không làm gián đoạn hoặc đánh cắp được dữ liệu.

Trước đó (18/3) Phó Đại diện Thương mại Mỹ Robert Holleyman tuyên bố, Washington tiếp tục yêu cầu Bắc Kinh phải hoãn áp dụng các quy định mới về an ninh mạng trong lĩnh vực ngân hàng, bởi điều này gây khó dễ cho các công ty Mỹ đang làm ăn tại Trung Quốc.

Ngày 19/3, khi phát biểu trước Ủy ban Quân lực Thượng viện, Đô đốc Michael Rogers, Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) kiêm Tư lệnh Bộ Chỉ huy mạng thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, đã cảnh báo về các hệ thống trọng yếu của Mỹ dễ bị tấn công. Giám đốc NSA Michael Rogers kiến nghị, chính phủ Mỹ cần thúc đẩy các biện pháp phòng vệ mạng để đối phó với những mối đe dọa ngày càng tăng với tốc độ báo động hiện nay; đồng thời đề xuất tăng cường khả năng đáp trả các cuộc tấn công mạng.

Trong khi đó, cựu Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Mike McConnell khẳng định (14/3), Trung Quốc đã mở các đợt tấn công tin tặc nhắm vào tất cả các tập đoàn lớn tại Mỹ. Theo ông Mike McConnell, ngoài các tập đoàn lớn, hệ thống mạng của Quốc hội, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bị xâm nhập.

Đô đốc Michael Rogers, Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia (NSA).

Theo giới truyền thông, ngày 17/3, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Robert Work đã ký quyết định thành lập Uỷ ban Tác chiến điện tử do Đô đốc James Winnefeld và quan chức phụ trách mua bán vũ khí Frank Kendall lãnh đạo, để giúp Lầu Năm Góc "yên tâm ở ngôi vị dẫn đầu" trong tác chiến điện tử. Được biết, trong năm 2014, Hội đồng khoa học quốc phòng Mỹ đã đề nghị chi thêm 2 tỉ USD nhằm tăng cường khả năng tác chiến điện tử.

Hội đồng Quản lý Viễn thông liên bang Mỹ (FCC) cũng vừa nhất trí thông qua (26/2) các quy định Internet mang tính bước ngoặt, khi nghiêm cấm tất cả các nhà mạng cung cấp dịch vụ truy cập Internet 2 tốc độ. Và ông chủ Nhà Trắng hoan nghênh quyết định này bởi các quy định mới sẽ góp phần bảo vệ sự đổi mới, cũng như tạo sân chơi bình đẳng cho các thế hệ doanh nghiệp trong tương lai.

Những động thái kể trên diễn ra sau khi Tổng thống Barack Obama yêu cầu thành lập cơ quan tình báo mới (Trung tâm tích hợp thông tin tình báo về các mối đe dọa trên mạng - CTIIC) nhằm chống lại nguy cơ ngày càng tăng về tin tặc và gián điệp mạng. Theo đó, CTIIC có nhiệm vụ phát hiện kịp thời các mối đe dọa của tin tặc đối với an ninh quốc gia Mỹ, củng cố mạng lưới phòng thủ.

Theo kết quả nghiên cứu của Tập đoàn an ninh McAfee và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), tội phạm mạng đang gây tổn thất cho nền kinh tế toàn cầu từ 100-500 tỷ USD mỗi năm. Khoảng 1 năm trước (2014, Interpol đã thành lập bộ phận Đổi mới Toàn cầu Interpol (IGCI) tại Singapore và đây là trung tâm tối ưu chống tội phạm mạng.

Giới chuyên gia an ninh mạng đến từ Cơ quan Ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính của Mỹ (US-CERT), thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ từng cảnh báo người dùng Internet về lỗ hổng an ninh trong trình duyệt Internet Explorer (IE) của Microsoft, có thể cho phép tin tặc tấn công và kiểm soát máy tính của người dùng Windows XP. US-CERT cũng khuyến cáo người dùng Internet nên có biện pháp phòng vệ và cân nhắc việc chuyển sang sử dụng một trình duyệt thay thế trong thời gian chờ đợi một bản nâng cấp vá lỗi chính thức từ Microsoft.

Các chuyên gia an ninh mạng của Google và công ty Codenomicon cũng đã phát hiện một mã độc nguy hiểm có tên Heartbleed phát tán trên Internet, cho phép tin tặc phá mã, từ đó dễ dàng lấy dữ liệu hoặc thông tin cá nhân của người dùng.

Nhằm đối phó với các mối đe dọa khủng bố đang ngày một gia tăng ở phương Tây, Anh và Mỹ sẽ hợp tác an ninh mạng để tăng cường khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công mạng. Theo đó, từ năm 2015, London và Washington sẽ cùng nhau tiến hành các đợt diễn tập "chiến tranh mạng". Ngoài ra, Anh và Mỹ cũng thành lập "hệ thống mạng" chung để chia sẻ thông tin về các nguy cơ tấn công mạng. Tham gia dự án này có FBI, NSA (Mỹ) và 2 cơ quan tình báo MI5 và GCHQ của Anh.
Tuệ Sỹ
.
.
.