Mỹ:

Phá án giết người hàng loạt nhờ côn trùng

Thứ Hai, 23/04/2018, 14:19
Ngày nay ngành côn trùng học pháp y đã có những bước tiến dài nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Với những hiện trường không tìm thấy xác chết, chỉ có máu và những con côn trùng, các nhà khoa học thậm chí đã có thể lấy được ADN người từ bên trong các con này.

Theo tiến sĩ Jason Byrd, Chủ tịch của Hiệp hội Côn trùng pháp y Bắc Mỹ, côn trùng là bậc thầy về ngụy trang, bắt bước và tự vệ. Chúng có mặt ở khắp mọi nơi và từ tập quán sinh hoạt, các con vật này có thể cung cấp những thông tin quan trọng. Điều mà ít kẻ phạm tội có thể lường trước được.

Cùng với việc thu thập chứng cứ ở hiện trường, các nhà điều tra còn chú ý tới những sinh vật có mặt trên cơ thể hoặc xung quanh cơ thể nạn nhân. Côn trùng học pháp y là ngành chuyên nghiên cứu các loài côn trùng xuất hiện trong các vụ án, đặc biệt là án mạng.

Gian manh không lại… côn trùng

Trước khi giết chết năm thành viên gia đình, Vincent Brothers, cựu Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Bakersfield, thành phố Bakersfield (bang California) đã đặt vé máy bay đến Ohio (Mỹ). Chuyến đi thăm anh trai của anh ta nhằm ngụy tạo bằng chứng vắng mặt (cách xa hơn 2.000 dặm) cho tội giết người hàng loạt. Kế hoạch tưởng như hoàn hảo nhưng hàng trăm con côn trùng trong chiếc ôtô đi thuê của anh ta đã nói lên sự thật. Theo điều tra, sau khi đến Ohio, Brothers thuê một chiếc xe và đi về Bakersfield. Sau khi gây tội với gia đình mình, anh ta lái xe quay trở lại Ohio.
Côn trùng giúp các nhà điều tra phá án.

Một giáo sư côn trùng học ở Đại học California - Davis đã xác nhận số côn trùng trong bộ tản nhiệt và một số bộ phận khác của chiếc xe chỉ có thể tìm thấy ở phía tây dãy núi Rocky. Manh mối này, cộng thêm một số manh mối khác bao gồm cả đồng hồ tính dặm trên chiếc xe đã chỉ ra Brothers chính là hung thủ. "Những tên tội phạm sẽ nhớ đến việc đội mũ trùm tóc, sẽ nhớ đến việc đeo găng tay, nhưng chúng sẽ không nghĩ đến việc rửa xe thật kỹ", tiến sĩ Jason Byrd nói.

Xác định địa điểm tử vong

Tháng 7-1991, cô Kim Martelloi ở quận Cam (bang California, Mỹ) được thông báo mất tích. Ba ngày sau, hai du khách tìm thấy thi thể một phụ nữ trên sa mạc Palm Springs (cách quận Cam 90 phút lái xe). Tuy nhiên, do xác bị phân hủy quá mạnh, các điều tra viên phải mời nhà côn trùng học pháp y David Faulkner hỗ trợ điều tra. Nhà khoa học này ngay lập tức phát hiện ra điều bất hợp lý. Ông nói những con giòi xuất hiện trên xác Martello không phải loài sống ở sa mạc. 

Nếu cô bị giết ở Palm Springs, loài này không xuất hiện. "Cơ thể nạn nhân bị hai chủng côn trùng khác nhau "xâm chiếm": Một đến từ các loại côn trùng xuất hiện ở thành phố, và loại thứ hai sống trong sa mạc", David Faulkner giải thích. Vị chuyên gia có thể khẳng định nạn nhân ở hiện trường thứ nhất và xác của cô nằm ở đây đủ lâu để các loài côn trùng tìm đến trước khi bị mang đến sa mạc - hiện trường thứ hai.

Bằng chứng này cùng một số manh mối khác thu thập ở sa mạc đã hướng cảnh sát chú ý tới đối tác kinh doanh của nạn nhân. Họ xác định anh ta đã bóp cổ Kim Martelloi trong một nhà kho và mang xác vào sa mạc.

Faulkner, nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên San Diego, nói rằng qua nghiên cứu loại côn trùng nào xuất hiện trên thi thể và vòng đời của những con vật này, các nhà khoa học có thể ước lượng được thời gian tử vong của nạn nhân. Dù không được chính xác đến từng phút, nhưng việc ước lượng nằm trong khoảng nào đó giúp ích rất nhiều cho quá trình điều tra.

Khi một xác chết xuất hiện sẽ có rất nhiều loài côn trùng bu đến, như kiến, bọ cánh cứng. Thế nhưng ruồi và ấu trùng của chúng (giòi) được cho là công cụ xác định thời điểm tử vong hữu dụng nhất. Thi thể khi phân hủy sẽ tạo ra chất dịch và khí gas. Mùi tỏa ra trong quá trình đó sẽ báo hiệu cho một con ruồi biết rằng, có một nơi rất giàu protein để nó có thể đẻ trứng. 

"Một con ruồi có thể gần như ngay lập tức có mặt và trong vòng 20 phút, những quả trứng đã xuất hiện", ông Faulkner nói. Các loài côn trùng có thể "thì thầm" cho các nhà nghiên cứu biết những bí mật khác nhau nữa. Ví dụ, xác đã bị di chuyển hay không, có bị chôn dưới đất hay không, thời tiết lúc đó thế nào... Bởi tất cả các yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến sự phân hủy của xác - căn cứ xác định thời gian chết của nạn nhân.

Nguyễn Minh
.
.
.