Mỹ: "Kẻ thù vô hình" trong các lễ nhậm chức Tổng thống

Thứ Sáu, 01/02/2013, 17:07

Lễ nhậm chức tổng thống lần 2 của ông Obama diễn ra ngày 21/1. Đây là sự kiện trọng đại của nước Mỹ, thu hút sự chú ý của dư luận và giới truyền thông toàn cầu. Như báo chí đề cập, năm nay, lễ nhậm chức lần 2 của vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ sẽ nằm trong khuôn khổ tiết kiệm, không hoành tráng trong hoàn cảnh kinh tế suy thoái sâu. Số người tham dự khoảng 800 ngàn người, bằng 1/2 của năm 2009.

Nhân và thiên trái ngược nhau 

Lần nào cũng vậy, dịp lễ nhậm chức của tổng thống thường xuất hiện "kẻ thù vô hình" chống lại-đó là thời tiết băng giá và mưa sa. Blogger chuyên mục thời tiết của báo Washington Post, Jason Samenow và đơn vị dự báo thời tiết tư nhân AccuWeather cho hay, nhiệt độ trong ngày lễ nhậm chức của ông Obama năm nay dao động từ 5-12 độ C. Điều này là tín hiệu lạc quan so với các sự kiện diễn ra trước đó, thời tiết khắc nghiệt làm nhiều tổng thống và người thân lâm bệnh, thiệt mạng. 

Năm 1841, Tổng thống thứ 9 của nước Mỹ William Henry Harrison từ chối mặc áo khoác và mũ khi bước lên bục thực hiện bài phát biểu nhậm chức dài nhất trong lịch sử Mỹ. Thời tiết hôm đó khắc nghiệt đến mức khiến ông bị viêm phổi và qua đời chỉ 32 ngày sau đó. William Henry Harrison được xem là vị tổng thống có nhiệm kỳ ngắn nhất trong lịch sử.

Tổng thống Franklin Pierce tuyên thệ vào một ngày lạnh lẽo và có nhiều tuyết rơi vào năm 1853. Tuyết không chiều lòng người phủ dày từ sáng sớm đến tận 11h30 trưa. Ngay khi ông bắt đầu phát biểu nhậm chức, tuyết lại rơi và dày hơn, khiến kế hoạch diễu hành bị hủy bỏ. Abigail Fillmore, phu nhân của Tổng thống mãn nhiệm lúc đó là Millard Fillmore, bị cảm lạnh khi tham dự buổi lễ và qua đời vào cuối tháng.

Lễ nhậm chức thứ hai của cố tổng thổng Ronald Reagan vào tháng 1/1985 cũng băng giá không kém khi nhiệt độ hạ xuống mức -15 độ C. Đây được xem là lễ nhậm chức lạnh giá nhất lịch sử. Ông Reagan buộc phải chuyển buổi lễ vào tổ chức bên trong lầu mái vòm của Tòa nhà Quốc hội Mỹ, để lại 140.000 khách khứa bên ngoài tòa nhà.

Lễ nhậm chức nhiều tuyết nhất năm 1961 của tổng thống Kennedy.

Lễ nhậm chức của tổng thống Kennedy năm 1961 cũng trong cảnh băng giá, tuyết rơi dày đặc nhất trong các lễ nhậm chức. Lễ nhậm chức mưa nhiều nhất thuộc về nhiệm kỳ của tổng thống  Franklin D. Roosevelt's vào năm 1937. Mưa rơi dày 1,77 inche. Lễ nhậm chức ấm nhưng nhiều mây thuộc về nhiệm kỳ của tổng thống H. Ford năm 1974. Đây là lễ nhậm chức phá vỡ truyền thống khi diễn ra vào tháng 8 và bữa tiệc trong cảnh mây mù u ám. Nhiều lễ nhậm chức khác diễn ra trong tháng 3 nhưng giá rét cũng chẳng kém tháng 1. 

Ngày nhậm chức tồi tệ nhất thuộc về cựu tổng thống William H. Taft năm 1909. Ông Taft đã phải di chuyển buổi lễ vào trong nhà do một cơn bão mang lớp tuyết dày 25cm đổ bộ xuống thủ đô, quật ngã cây cối, các cột điện thoại, khiến các chuyến tàu bị đình trệ và giao thông trong thành phố rối loạn, nhiều người bị thương nặng. 6.000 nam giới và 500 xe goòng đã tham gia dọn 58.000 tấn tuyết khỏi con đường diễu hành. Tuyết chỉ giảm dần sau lễ tuyên thệ. "Nhiệt độ năm đó dường như lạnh nhất trái đất với tuyết dày đặc, gió thổi liên hồi, bầu trời xám xịt" -phía quốc hội Mỹ cho hay.

Lễ nhậm chức của Tổng thống Barack Obama cách đây 4 năm may mắn hơn khi thời tiết khô ráo và nhiệt độ ở mức -2 độ C.

Tổng thống ưa lễ nghi

Đặt điều kiện thời tiết sang một bên, các tổng thống Mỹ cũng rất say mê với phần nghi lễ và thời gian nhậm chức là trưa 20/1, theo quy định của Hiến pháp Mỹ. Song ngày này năm nay rơi vào Chủ nhật. Dường như là không thích hợp cho việc tổ chức một lễ nhậm chức rầm rộ vào ngày Sabbath, điều đó có nghĩa là Obama sẽ phải tuyên thệ 2 lần: một lần tại một buổi lễ riêng tư tại Nhà Trắng vào đúng ngày 20, và một lần tại một buổi lễ chung ở Capitol ngày 21.

Điều trên dường như là một kỷ lục vô song: Franklin Delano Roosevelt đã tuyên thệ Tổng thống 4 lần. Nhưng năm nay, Tổng thống Obama cũng đạt kỷ lục ấy.

Mặc dù chỉ được phép giữ hai nhiệm kỳ, Barack Obama đã tuyên thệ tổng cộng 4 lần. Năm 2008, Obama đã phải tuyên thệ lại (lần thứ 2) vì Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts nhắc sai thứ tự từ khi thực hiện sự kiện này. Và năm nay cũng tương tự.

Lần sau cùng một Tổng thống Mỹ tuyên thệ hai lần như vậy là Ronald Reagan vào năm 1985.

George Washington, tổng tư lệnh đầu tiên của Mỹ, tuyên thệ năm 1789 ở New York. Sau khi các nghị sĩ chuyển thủ đô về Washington năm 1800, tất cả các tổng thống tiếp theo đều tuyên thệ tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ, hay còn gọi là Đồi Capitol.

Hầu hết các buổi lễ đều tổ chức ở mặt tiền phía đông của Đồi Capitol, nhưng ông Reagan đã phá vỡ truyền thống này năm 1981 và chọn mặt tiền phía tây, nơi nhìn ra khu công viên National Mall của thành phố với các tượng đài và bảo tàng.

Công tác xây dựng khán đài cho lễ nhậm chức thậm chí bắt đầu từ trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 6/11. Khán đài là nơi chứa 1.600 quan khách, trong đó có tất cả các nghị sĩ của quốc hội, nội các của ông Obama, các thẩm phán Tòa án Tối cao, quan chức quân đội, các thống đốc bang và các phái đoàn ngoại giao.

Năm 2009, khoảng 1,8 triệu người đã tập trung tại khu vực xung quanh Đồi Capitol và National Mall để tận mắt chứng kiến cuộc nhậm chức đầu tiên mang tính lịch sử của Mỹ và bản thân ông Obama. Lễ nhậm chức năm 2009 kéo dài khoảng một giờ, bao gồm bài phát biểu dài 20 phút của Obama.

Ngôi sao nhạc pop Beyonce, người từng diễn tại lễ nhậm chức cách đây 4 năm, đã hát ca khúc The Star Spangled Banner năm nay. Kelly Clarkson và James Taylor cũng sẽ góp giọng.

Sau bài phát biểu của Obama, các chính trị gia và các chức sắc, trong đó có các cựu tổng thống đã tập trung tại Đồi Capitol để dùng tiệc trưa chính thức.

Obama và Đệ nhất phu nhân Michelle sau đó đi limousine trên đoạn đường dài 2,7 km từ Capitol, qua đại lộ Pennsylvania Avenue đến Nhà Trắng, nơi họ cùng theo dõi lễ diễu hành của các binh sĩ và các nhóm công dân. Vào buổi tối, cặp đôi sẽ tham dự hai buổi khiêu vũ nhậm chức, một buổi dành cho các binh sĩ quân đội và một buổi khác cho dân chúng.

Những bí mật về Lễ nhậm chức

Lễ nhậm chức khá lạnh của ông Obama năm 2009.

Dưới đây là một số điều thú vị mà Jim Bendant, một sử gia về Ngày Nhậm chức và là tác giả của cuốn "Democracy's Big Day: The Inauguration of Our President 1789-2013" nêu ra.

Chim không "tâm đầu ý hợp" với người trong một số lễ nhậm chức. Năm 1873, Ulysses S. Grant muốn có những con chim hoàng yến tại buổi lễ nhậm chức nhiệm kỳ 2. Tuy nhiên, các nhà lên kế hoạch lại không dự trù khả năng thời tiết lạnh cực điểm. Và một trăm con chim đã chết cóng trong ngày đó.

Trong nỗ lực không để những con chim bồ cầu phóng uế lên chiếc limo mui trần, Richard Nixon đã làm một trong những điều "Nixon nhất mọi thời đại" vào năm 1973. Ông đã yêu cầu Ủy ban nhậm chức chi 13.000 USD để xịt Roost No More, hóa chất ngăn chim đậu, dọc tuyến đường diễu hành. Hàng chục con chim chết đã rơi xuống đường trong cuộc diễu hành nhậm chức.

Năm 1923, Calvin Coolidge được chính bố đẻ thực hiện lễ tuyên thệ. Coolidge tới thăm bố ông trong một căn nhà nhỏ ở Vermont thì một người đưa tin tới nói rằng, Tổng thống Warren G. Harding đã qua đời. Khi người chuyển tin thứ hai đến để nói rằng, Coolidge cần phải tuyên thệ nhậm chức ngay, bố của Calvin - một thẩm phán về hòa giải và công chứng viên - đã thực hiện lễ tuyên thệ cho con trai ông trở thành Tổng thống Mỹ lúc 2h47' sáng.

Năm 1961, mọi thứ không diễn ra như kế hoạch. Phó Tổng thống Lyndon Johnson nói "bất kể điều gì" khi ông nhầm lẫn ngôn từ tuyên thệ, sân khấu gần như bén lửa trong buổi lễ, ánh tuyết chói lóa khiến cho Robert Frost không thể đọc được bài thơ ông đã viết cho dịp này, và sau này Frost đã gọi sai tên Tổng thổng John Kennedy.

Năm 1829, Andrew Jackson tổ chức một bữa tiệc tại Nhà Trắng sau lễ nhậm chức và gặp rắc rối trong việc tách khỏi đám đông dân chúng vây lấy đoàn xe ngăn không cho ông vào cửa chính. Đám đông với những đôi ủng lấm lem dạo khắp tòa nhà, phá hỏng các tấm thảm, và xé rách một số rèm cửa. Cách duy nhất mà các nhân viên Nhà Trắng có thể kéo họ ra bên ngoài là đặt một bình rượu trên bãi cỏ phía trước. Và "mánh lới" này đã thành công

Lai - Anh Tuấn (tổng hợp)
.
.
.