Một số ngân hàng Trung Quốc bị tố rửa tiền cho tội phạm ma túy quốc tế
Trong hồ sơ điều tra vừa trình một tòa án Mỹ tiết lộ, 3 đối tượng quốc tịch Columbia đã bị kết án vì giúp điều hành một mạng lưới rửa tiền toàn cầu có trụ sở ở thành phố Quảng Châu, Trung Quốc, đem lại ít nhất 5 tỷ USD cho tuyến buôn ma túy từ Mỹ, Mexico, Columbia, Panama, Guatemala, Canada cũng như một số khu vực thuộc châu Âu và châu Phi.
Cảnh sát đặc nhiệm phòng chống ma túy Mexico bắt giữ một số thành viên băng Thế hệ Jiasco mới trong một đợt truy quét tội phạm ngày 11/5. |
Các ngân hàng Hồng Kông và Trung Quốc đại lục liên quan chưa được tiết lộ danh tính trong bản cáo trạng đã niêm phong trình một toà án liên bang ở Brooklyn, New York. Vụ việc tái lặp những quan ngại về hiệu quả quy định kiểm soát tiền tệ của hệ thống ngân hàng Trung Quốc liệu có chặt chẽ và liệu họ có thực sự tiếp tay cho hoạt động rửa tiền.
Những cáo buộc đó được đưa ra chỉ trong vòng vài tháng, sau khi Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ở Hồng Kông tiết lộ, có một nhóm tội phạm buôn ma túy tàn bạo mới nổi và nhóm buôn ma túy Thế hệ Jiasco mới đã thu lợi nhuận khủng nhờ buôn lậu cocaine cho thị trường Hồng Kông, theo Chủ tịch Phòng Công thương Quốc gia Mexico, ông Rodrigo Alpizar Vallejo. Bình luận của ông được đưa ra giữa bối cảnh các băng đảng ma túy châu Mỹ Latin tăng cường hoạt động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong những năm gần đây.
Các phóng sự điều tra của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cũng phát hiện băng Sinaloa, một trong những ổ nhóm tội phạm khét tiếng tàn bạo nhất thế giới, thiết lập cơ sở, duy trì cả hoạt động kinh doanh trá hình và buôn lậu cocaine ở Hồng Kông, theo tài liệu điều tra cùng hồ sơ thẩm vấn của các cơ quan thực thi pháp luật Mexico, Sinaloa cũng tiên phong trong việc sử dụng tài khoản ngân hàng để rửa tiền.
Tuần qua, 1 trong 3 nghi can đã được nêu tên trong bản cáo trạng. Henry Poveda trình diện tòa án vào ngày 10/9, 2 nghi can khác gồm: Christian Duque và John Jairo, đang bị tạm giam ở Panama và Columbia. Hiện Mỹ, Panama và Columbia đang cùng nhau hoàn tất thủ tục để dẫn độ những đối tượng nghi phạm tội giúp tội phạm ma túy rửa tiền.
Tất cả 3 nghi can sẽ bị xét xử cùng một tội danh: rửa tiền. Bị cáo thứ tư bị truy tố trong vụ án, một phụ nữ Hồng Kông có tên Lục Vân Linh, từng nhận tội âm mưu rửa tiền.
Lục Vân Linh phải đối mặt với bản án 20 năm tù giam nếu bà ta bị kết tội. Bà ta bị bắt vào tháng 9/2014 tại Cảng hàng không Quốc tế Thần tự do Newark ở New Jerseu, Mỹ. Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, ông Amir Toossi thông báo với thẩm phán Carol Begley Amon rằng, số lượng bị cáo vẫn còn rất lớn, vì bí mật điều tra nên chưa thể tiết lộ danh tính.
Theo cáo trạng, tổ chức Quảng Châu sử dụng các sòng bạc, cơ sở thu đổi ngoại tệ, doanh nghiệp xuất nhập khẩu để rửa hàng tỷ USD cho tội phạm ma túy quốc tế, đặc biệt khu vực Nam Mỹ. Bản cáo trạng nhấn mạnh "chỉ có những sòng bạc"ở Macau đã tham gia hoạt động phi pháp đó.
Ngân hàng HSBC từng dính vào bê bối "giúp"tội phạm rửa tiền và bị chính phủ Mỹ phạt 1,9 tỷ USD. |
Các công tố viên cho biết, tiền được chuyển qua nhiều tài khoản ở Hồng Kông và Trung Quốc, sau đó được sử dụng để mua hàng hóa, thường là hàng giả, cuối cùng tiền được rửa và chuyển về tay tội phạm ma túy ở Nam Mỹ.
Luật sư của bị cáo Poveda do tòa án chỉ định, Mia Eisner Grynberg từ chối đưa ra lời bình luận về vụ án. Bà cùng trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Tossi thông báo với thẩm phán Amon rằng, cả 2 đã tham gia các cuộc thảo luận sơ bộ về bào chữa.
Trong những năm gần đây, chính phủ Mỹ đã thúc giục hệ thống ngân hàng tăng cường hoạt động chống rửa tiền. Năm 2012, Ngân hàng cổ phần HSBC đã bị phạt 1,9 tỷ USD vì "tạo điều kiện" cho các băng buôn lậu ma túy ở Mexico và Columbia rửa tiền.
Bà Jodi Avergun, một luật sư hiện công tác ở văn phòng luật sư Cadwalader, Wickersham & Taft kiêm cựu quan chức Cục Bài trừ ma túy Mỹ cho biết, nhà chức trách nước này có thể xét xử các chi nhánh ngân hàng Trung Quốc hoạt động ở Mỹ nếu bị phát hiện đứng sau hoạt động rửa tiền của tội phạm.
Được biết, có nhiều doanh nghiệp ở địa phương thường xuyên chuyển đổi giữa dollar Hồng Kông và nhân dân tệ bằng hệ thống ngân hàng ngầm vì sự tiện lợi, trong khi các sòng bạc ở Macau cung cấp hóa đơn để hợp thức hóa dòng tiền khả nghi.
"Những hoạt động này rất khó chứng minh hoặc theo dõi. Chính quyền Trung Quốc đại lục cân nhắc việc cho phép chuyển đổi tiền tệ trong khu vực thương mại tư, với hạn ngạch hàng ngày để đưa những kênh rửa tiền ngầm ra ánh sáng", giáo sư Lâm Giang, giảng viên Đại học Tôn Dật Tiên đề xuất.