Mở rộng điều tra bê bối tại Volkswagen

Chủ Nhật, 13/05/2018, 09:30
Ông Martin Winterkorn, cựu Giám đốc điều hành (CEO) đã trở thành lãnh đạo cao nhất của Volkswagen bị Mỹ truy tố trong vụ bê bối liên quan tới khí thải diesel của hãng ôtô nổi tiếng nhất của Đức. 

Ngày 3-5, khi thông cáo về vụ việc này, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions nhấn mạnh, quyết định truy tố chứng tỏ "âm mưu gian lận các quy định của pháp luật Mỹ xuất phát từ ban lãnh đạo cấp cao nhất của Volkswagen". 

Theo các công tố viên của Bộ Tư pháp Mỹ, ông Martin Winterkorn bị truy tố với 4 tội danh, trong đó có âm mưu lừa gạt, gian lận, vi phạm Đạo luật không khí sạch. Bởi theo kết quả, ông Martin Winterkorn biết về vụ gian lận khí thải diesel từ 4 năm trước (tháng 5-2014), nhưng vẫn quyết định tiếp tục lừa dối. 

Cựu Giám đốc điều hành Volkswagen Oliver Schmidt.

Đến mùa hè năm 2015 (chỉ vài tháng trước khi vụ bê bối bị phanh phui), khi chủ trì cuộc họp ở trụ sở của Volkswagen tại Wolfsburg, Đức, ông Martin Winterkorn cùng đội ngũ phát triển động cơ đã trình bày cách lừa dối nhà chức trách Mỹ và những hậu quả sẽ phải đối mặt nếu bị phát hiện. 

Nhưng sau buổi họp kể trên, ông Martin Winterkorn vẫn cho phép tiếp tục hành vi lừa dối và sau khi vụ việc bị phanh phui, Giám đốc điều hành của Volkswagen đã xin từ chức (tháng 9-2015), khi phải đối mặt với nguy cơ nộp số tiền phạt lên tới 18 tỷ USD. Theo tờ The New York Times, ông Martin Winterkorn là CEO được trả lương cao nhất ở Đức - 18 triệu USD/năm.

Gần 20 ngày trước (20-4), cảnh sát Đức đã bắt Joerg Kerner, người đứng đầu hãng Porsche, công ty con của Volkswagen. Trước đó, hơn 160 cảnh sát lục soát 10 địa điểm ở 2 bang Baden-Wurttemberg và Bayern. Đây là lần đầu tiên văn phòng của Porsche bị lục soát kể từ khi xảy ra vụ bê bối gian lận khí thải diesel. Từ khi vụ bê bối bị phanh phui, Volkswagen luôn khẳng định hợp tác với các cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ, nhưng từ chối đưa ra bình luận về các trường hợp cá nhân. 

Theo kết quả nghiên cứu được công bố 1 năm trước (tháng 5-2017), khí thải vượt mức cho phép từ các phương tiện chạy diesel là nguyên nhân gây ra khoảng 38.000 trường hợp chết sớm trên thế giới trong năm 2015. Và tính đến nay khoảng 11 triệu xe chạy diesel trên thế giới, trong đó có 600.000 chiếc ở Mỹ bị phát hiện đã thải gấp 40 lần so với mức cho phép, nhưng đã được che giấu trong các cuộc kiểm tra. 

Giới truyền thông cho biết, sau khi Volkswagen thừa nhận có khoảng 11 triệu xe bán ra trên thế giới được lắp thiết bị đo khí thải gian lận, Bộ trưởng Năng lượng Pháp Segolene Royal tuyên bố, cần có biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nếu quá trình điều tra phát hiện bất cứ việc làm sai trái nào của hãng ôtô nổi tiếng nhất ở Đức.

Tính đến nay, giới chức Mỹ đã buộc tội 9 người có liên quan tới vụ bê bối của Volkswagen, trong đó có 2 kỹ sư bị phạt tù sau khi nhận tội. Ngoài ông Martin Winterkorn, 5 người vẫn đang trong quá trình truy tố là các cựu quản lý về chất lượng và phát triển động cơ của Volkswagen. 

Theo tờ Sueddeutsche Zeitung, Mỹ đã ký lệnh bắt giữ quốc tế đối với 5 cựu lãnh đạo Volkswagen vì có liên quan đến vụ bê bối gian lận khí thải được biết tới với tên gọi Dieselgate. Lệnh bắt kể trên được Mỹ đưa ra sau khi ông Oliver Schmidt, cựu Giám đốc điều hành của Volkswagen bị bắt ở Miami, khi người này đang chuẩn bị bay về Đức. 

Trước đó (6-1-2017), FBI phát lệnh bắt ông Oliver Schmidt, vì bị cáo buộc đóng vai trò chính trong việc qua mặt các cơ quan quản lý Mỹ, khi gian lận khí thải. Theo giới truyền thông, ngay sau khi Đại học Tây Virginia công bố kết quả nghiên cứu dẫn tới những lo ngại về động cơ diesel, ông Oliver Schmidt đã cố gắng thuyết phục các cơ quan quản lý rằng, việc nồng độ khí thải của xe động cơ diesel của Volkswagen vượt tiêu chuẩn là do các yếu tố kỹ thuật, chứ không phải cố ý gian lận. 

Sau khi bị bắt để điều tra, ngày 7-12-2017, Tòa án khu vực Detroit của Mỹ đã tuyên phạt ông Oliver Schmidt 7 năm tù giam, cùng 400.000 USD tiền phạt về vai trò trong vụ bê bối gian lận khí thải liên quan tới Volkswagen. 

Trước đó, các công tố viên Mỹ đã hủy cáo buộc liên quan tới tội danh gian lận, một cáo buộc khiến ông Oliver Schmidt có thể phải nhận mức án lên tới 20 năm tù giam. Ông Oliver Schmidt là thành viên thứ hai và là thành viên cao cấp nhất của Volkswagen nhận tội. Và cựu quan chức này đã chấp nhận về Đức sau khi hoàn tất án phạt ở Mỹ.

Với tư cách là nhà sản xuất xe hơi lớn nhất châu Âu với 12 thương hiệu, trong đó có những cái tên đình đám như Audi, Lamborghini, Bentley và có mặt tại 153 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nên bê bối gian lận khí thải của Volkswagen được dư luận và giới chuyên môn quan tâm. Vụ bê bối khí thải diesel đã khiến Volkswagen tổn thất khoảng 30 tỷ USD, bao gồm tiền phạt, các thỏa thuận kiện tụng, bồi thường môi trường…
Phạm Huy Anh
.
.
.