Mạng lưới nô lệ ở Anh có hàng trăm nạn nhân

Thứ Tư, 10/07/2019, 08:52
Cảnh sát Anh tin rằng hơn 400 nạn nhân bị cưỡng bức lao động ở West Midlands bởi băng đảng tội phạm có tổ chức điều hành mạng lưới nô lệ lớn nhất thời hiện đại.


Bọn chúng lừa những người dễ bị tổn thương từ Ba Lan vào Anh bằng lời hứa làm việc và một cuộc sống tốt hơn. Nhưng nạn nhân của chúng buộc phải sống trong những ngôi nhà bẩn thỉu và làm những công việc nặng nhọc. 

Tám kẻ phạm tội -  bao gồm thành viên và đồng phạm của hai gia đình tội phạm Ba Lan - đã bị bỏ tù sau khi bị kết án trong hai phiên tòa xét xử tội phạm riêng biệt bao gồm buôn người trong mạng lưới lao động cưỡng bức và rửa tiền. Tổng cộng án tù của bọn chúng từ 3 đến 11 năm. 

Mạng lưới bị phát hiện khi 2 nạn nhân chạy trốn khỏi những kẻ bắt giữ họ vào năm 2015 và tiết lộ thân phận với tổ chức từ thiện Hope for Justice. Nhóm tội phạm gồm 5 người đàn ông và 3 phụ nữ nhắm đến những người tuyệt vọng nhất từ quê hương Ba Lan - bao gồm những người vô gia cư, cựu tù nhân và người nghiện rượu. 

Các nạn nhân - những người có độ tuổi từ 17 đến 60 - được chuyển đến Anh bằng xe buýt nhưng khi đến nơi, họ bị nhốt trong những ngôi nhà tồi tàn quanh West Bromwich, Smethwick và Walsall. 

Nạn nhân buộc phải ngủ tới 4 người trong một căn phòng trên những chiếc nệm bẩn thỉu và chỉ được nhận lương 20 bảng Anh/tuần thông qua tài khoản ngân hàng do nhóm tội phạm kiểm soát. Những nô lệ thời hiện đại làm việc nhiều ngày tại các trung tâm tái chế rác, trang trại và nhà máy sản xuất gà tây.

Thanh tra Nick Dale.

Một trong những nạn nhân đã chết trong khi bị giam cầm, và băng đảng đã nhanh chóng tiêu hủy tất cả đồ đạc cá nhân và tài liệu nhận dạng của người này để âm mưu của chúng không thể bị phát hiện. 

Theo ước tính của cảnh sát, băng đảng tội phạm kiếm được hơn 2 triệu bảng Anh từ tháng 6-2012 đến tháng 10-2017, cho phép chúng có một lối sống xa hoa. Bất kỳ nạn nhân nào dám phàn nàn sẽ bị làm nhục, đe dọa hoặc đánh đập. Thậm chí, một nạn nhân bị đe dọa cắt quả thận nếu không chịu giữ im lặng. 

Thẩm phán Mary Stacey tuyên bố rõ ràng chế độ nô lệ vẫn tồn tại ở Anh. Danh tính nhóm tội phạm được cảnh sát cho biết là: Marek Chowaniec, Marek Brzezinski, Justyna Parczewska, Julianna Jigakowicz, Natalia Zmuda, Ignacy Brzezinski, Jan Sadowski, và Wojciech Nowakowski. 

Cảnh sát cho biết Chowaniec là “gương mặt đáng kính” của băng đảng, đóng vai nhân vật có uy tín để làm việc với các ngân hàng và cơ quan cung cấp việc làm. Ignacy Brzezinski - người đã bỏ trốn trong khi đeo thẻ điện tử - phụ trách quản lý các tài khoản ngân hàng của nạn nhân và tiền lương. 

Marek Brzezinski được phân công đến Ba Lan để tuyển mộ các nạn nhân, trong khi đó Parczewska - vợ của Ignacy Brzezinski - được cảnh sát mô tả là có nhiệm vụ “chào đón những người mới đến và pha cho họ những tách trà và dọn thức ăn mà không ai biết những điều kinh khủng đang chờ họ ở phía trước. 

Nowakowski và Sadowski đón những người đến Anh trong khi Zmuda hộ tống họ đến trung tâm việc làm và đăng ký các tài khoản ngân hàng nằm dưới sự kiểm soát của băng đảng. Thẩm phán Tòa án Birmingham Crown mô tả âm mưu buôn người của băng đảng tội phạm là mạng lưới nô lệ hiện đại với “tham vọng và giàu có nhất”  từng được phơi bày ở Anh.

Chân dung nhóm tội phạm: (Từ trái qua, hàng trên): Ignacy Brzezinski, Jan Sadowski, Julianna Chodakowicz, Justyna Parczewska. Hàng dưới: Marek Brzezinski, Natalia Zmuda, Wojciech Nowakowski, Marek Chowaniec.

Thanh tra Nick Dale, người chỉ huy Chiến dịch Fort, cho biết đây là một “cuộc điều tra thực sự phức tạp” kéo dài 4 năm. Tổng cộng có 92 nạn nhân được xác định nhưng cảnh sát tin rằng ít nhất 350 người khác đã bị băng đảng sử dụng và không thể truy tìm được. 

Cảnh sát cho rằng số nạn nhân này có lẽ đã rời khỏi Anh hoặc quá sợ hãi để đưa ra bằng chứng. Nick Dale bình luận: “Đây là mạng lưới buôn người và khai thác lao động cưỡng bức trên quy mô lớn. Băng đảng tội phạm đối xử với những người đồng hương của chúng như hàng hóa. Những gì bọn chúng đã làm thật là gớm ghiếc: chúng khiến nạn nhân phải chịu một cuộc sống cực kỳ khốn khổ và nghèo đói. 

Chúng buộc nạn nhân phải làm việc cật lực và nếu phản đối sẽ bị đánh đập hoặc đe dọa bằng bạo lực và còn dọa dẫm sẽ tấn công các thành viên gia đình của họ ở Ba Lan. Một số người khai bị đưa vào rừng để đào mộ cho chính mình. Một người đàn ông bị tai nạn tại nơi làm việc đã bị buộc phải quay lại nhà máy mà không được điều trị tại bệnh viện, khiến anh ta bị tổn thương lâu dài ở cánh tay”.  

Thiên Minh
.
.
.