Đảo Sardinia (Italia):

Mafia đang bóp chết ngành công nghiệp năng lượng tái tạo

Thứ Bảy, 01/08/2015, 08:59
Trong khi đảo Sardinia (Italia) tích cực phát triển năng lượng tái tạo, vũ lực của tội phạm có tổ chức reo rắc nguy cơ làm tan khát vọng năng lượng sạch của người dân địa phương.

Nổi tiếng với những bình nguyên xanh mướt cùng những sông, suối, hồ, đầm chứa đầy nước trong mát màu ngọc bích, Sardinia nhanh chóng phát triển kinh tế bằng cách "hóa phép" những tháng có nắng nhiều nhất thành năng lượng xanh.

Hiện nay, thành phố, thị trấn trên khắp đất nước Italia đang sử dụng thủy điện, nhiệt điện, điện gió và điện thu từ năng lượng mặt trời và điện sinh khối thực vật, phần lớn do nhà nước bao cấp.

Trên hòn đảo Sardinia, nhiều tuốc-bin cao lớn thuộc một trạm phong điện lớn thứ 2 Italy đang quay trong gió.

Những cột phát điện gió trên đảo Sardinia, Italy (Ảnh: Greenfuge).

Vì tỷ lệ thanh niên thiếu công ăn, việc làm vượt 50%, nhiều người dân hy vọng chính sách ưu đãi phát triển năng lượng xanh quốc gia sẽ không chỉ xóa đói, giảm nghèo, mà còn thu hút các công ty đến từ mọi miền trên đất nước Italy cùng nhà đầu tư đa quốc gia sẽ đến Sardinia đầu tư.

Nhưng, theo một số tổ chức hoạt động hỗ trợ phát triển nông thôn, phức tạp đã nảy sinh, khi các khoản trợ cấp tuột ra khỏi túi người nộp thuế vì cho đến nay địa phương được hưởng rất ít lợi ích từ các công ty năng lượng, nhiều doanh nghiệp bị cáo buộc gian lận, câu kết với mafia lập khống dự án để hưởng ngân sách. Công tố viên Sardinia, ông Mauro Mura từng cảnh báo mafia xâm nhập vào ngành công nghiệp năng lượng sạch, làm tê liệt các nhà máy sản xuất năng lượng tái sinh để kiếm lợi lớn từ trợ cấp chỉ dành riêng cho nông dân, trong khi bọn tội phạm không hề sản xuất bất kỳ sản phẩm nông nghiệp nào.

Ở những khu vực ngoại thành Narbolia có hơn 107.000 tấm pin mặt trời được lắp trên nóc của khoảng 1.600 nhà kính mà những chủ sở hữu từng có dự định trồng cây lô hội. "Nhưng nhà máy điện mặt trời này đã phải đóng cửa, chẳng còn gì ngoài cỏ dại mọc um tùm. Trong khi đó, doanh nghiệp Trung Quốc đút túi lợi nhuận 20 năm từ chính sách trợ cấp và bán năng lượng cho Tập đoàn Enel", ông Porcedda, một nhà hoạt động xã hội cho biết.

"Chẳng những vậy, tiền của còn đội nón bỏ đất nước ra đi, không hề có tái đầu tư ở đây. Và 60 chỗ làm việc từng hứa hẹn với chúng tôi đâu rồi?  Chỉ có 4 người được làm việc ở đấy", Porcedda cho biết thêm, đồng thời khẳng định không đổ lỗi cho công ty đa quốc gia, mà là chính quyền Italy đang "nhắm mắt" làm ngơ với tình hình hiện tại.

Tiềm năng đầu tư "song hành" cùng tham nhũng là rất lớn. Cảnh sát châu Âu (Europol) đã nêu những mối quan ngại vào năm 2013 rằng: Mafia Italia đang ngày càng “đầu tư” vào năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.

Chúng "quan tâm" đến năng lượng phi hóa thạch lần đầu tiên từ năm 2010, khi đó trùm tội phạm Vito Nicastri, còn được biết đến với biệt danh "ông hoàng điện gió", có 1,9 tỷ USD tài sản phi pháp bị tịch thu, bao gồm 43 công ty điện gió và điện mặt trời.

Trùm mafia Vito Nicastri, "bóng ma" của ngành năng lượng xanh Italy (Ảnh: Sicilia.it).

Giáo sư Vincenzo Ruggiero, giảng viên chuyên khoa luật về tội phạm có tổ chức đến từ một đại học danh tiếng ở Mỹ cho biết, ít có sự khác biệt giữa lằn ranh giữa kinh doanh hợp pháp với thế giới tội phạm.

 "Mafia đầu tư vào bất kỳ nơi nào có cơ hội thu hồi vốn và đem lại lợi nhuận lớn. Đã là doanh nghiệp bẩn thỉu thì bất kỳ hình thức kinh doanh nào cũng bẩn thỉu. Tôi không ngạc nhiên với bản báo cáo vì tội phạm có tổ chức luôn thâm nhập vào những lĩnh vực có kẽ hở pháp luật cho chúng làm như thế", ông Ruggiero phân tích thêm.

Để hệ thống kiếm lợi bất chính hoạt động, Giáo sư Ruggiero nhấn mạnh, cần phải có sự hợp tác giữa tội phạm có tổ chức với doanh nghiệp và chính quyền địa phương - tức là những mối quan hệ cần thiết để tạo ra "chính sách mafia truyền thống" từng thành công trong quá khứ.

Tuy mafia đe dọa, nhưng bà Manuela Pintus, Thị trưởng Sardinia khẳng định: "Mafia không thể ngăn chặn chúng tôi phát triển. Chúng tôi có nhân dân đứng đằng sau, và sẽ tiếp tục chiến đấu để bảo vệ vùng đất của chúng tôi vì thế hệ tương lai".

Phạm Trúc
.
.
.