“Mafia cát” đe dọa cả thế giới

Thứ Tư, 08/01/2020, 13:24
Một doanh nhân Nam Phi bị bắn chết vào tháng 9-2019. Trước đó, hai dân làng người Ấn Độ thiệt mạng trong vụ đấu súng vào tháng 8. Một nhà hoạt động môi trường người Mexico bị giết vào tháng 6.


Dù cách xa nhau hàng ngàn km nhưng các vụ giết người trên có cùng nguyên nhân bất ngờ. Đó là một trong số những vụ thương vong gần nhất trong làn sóng bạo lực ngày càng gia tăng trong cuộc tranh giành một trong những tài nguyên quan trọng nhất thế kỷ 21 nhưng ít được quan tâm nhất: đó là cát.

Nhu cầu về cát xây dựng ở khắp nơi trên thế giới

Dù tin hay không tin, thế giới đang đối mặt với cơn khan hiếm cát. Cát là tài nguyên thiên nhiên tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới bên cạnh tài nguyên nước. Người ta sử dụng khoảng 50 tỷ tấn "cốt liệu thô" mỗi năm - đây là từ ngữ công nghiệp dùng để chỉ cát và sỏi, thường được sử dụng chung với nhau. 

Loại cát con người cần là loại có góc cạnh, có ở dưới đáy sông, bờ sông hoặc khu vực ngập nước trên dòng sông, cũng như các loại cát ở hồ và trên bờ biển. Nhu cầu tiêu thụ cát quá dữ dội khắp thế giới, đến nỗi đáy sông và bờ biển đã bị khai thác cạn kiệt, nông trại và rừng cũng bị phá tan hoang để tìm loại cát quý giá này. Ở nhiều quốc gia, ngày càng nhiều băng nhóm tội phạm chuyển sang ngành thương mại này, sản sinh ra thị trường chợ đen chết người chuyên buôn bán cát.

Khắp châu Á, châu Phi, Mỹ La tinh, các thành phố đang mở rộng với tốc độ và quy mô lớn hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử nhân loại. Nhu cầu với một số loại cát xây dựng nhất định quá lớn đến mức Dubai, thành phố nằm bên rìa sa mạc khổng lồ, đã phải nhập khẩu cát từ Australia. Đúng như vậy: các nhà xuất khẩu từ Australia đúng nghĩa là đang bán cát cho thế giới Ả Rập. Nhưng cát không chỉ được dùng cho các tòa nhà và cơ sở hạ tầng. 

Giờ đây cát đang được sử dụng ngày càng nhiều để xây dựng đất nền ngay dưới chân chúng. Từ California đến Hồng Kông, những tàu nạo vét khổng lồ với công suất mạnh chưa từng có đang hút lên hàng triệu tấn cát dưới đáy biển mỗi năm, chất đống lên ở những khu vực bờ biển để kiến tạo nền cho những nơi chưa có nền trước đó.

Hầu hết hoạt động khai thác cát không được ghi nhận.

Môi trường bị hủy hoại và sự lộng hành của "mafia cát"

Khai thác cát sông đã gây ra thiệt hại hàng triệu USD về cơ sở vật chất khắp thế giới. Trầm tích bị khuấy lên dưới đáy sông khiến cho hệ thống cấp nước tắc nghẽn. Và khai thác tất cả vật liệu từ bờ sông đã khiến móng cầu lộ ra và không còn gì dựa vào. 

Ở Ghana, những kẻ khai thác cát đã đào quá sâu vào lòng đất đến mức chúng làm lộ cả móng của những ngôi nhà bên đồi, gây nguy cơ sập nhà. Đây không phải chỉ là nguy cơ trên lý thuyết. Khai thác cát đã khiến một cây cầu ở Đài Loan sập vào năm 2000 và một cây cầu khác sập ở Bồ Đào Nha ngay khi một xe bus đi qua cầu, khiến 70 người thiệt mạng. 

Nhu cầu với các loại cát silica có độ tinh khiết cao, dùng để chế tác thủy tinh và các sản phẩm công nghệ cao cấp như bảng năng lượng mặt trời và vi mạch máy tính cũng tăng cao. Ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ và khí tự nhiên bằng phương pháp thủy lực tại Mỹ tăng cao cũng khiến nhu cầu về các loại cát tinh khiết và có độ bền cao tăng lên. Kết quả là: hàng mẫu đất nông trại và rừng ở miền quê Wisconsin, là nơi vô tình có rất nhiều loại cát quý giá này, đã bị xẻ thịt.

Băng đảng tội phạm bắt đầu tham gia vào ngành thương mại này, đào xới hàng tấn cát để bán cho thị trường chợ đen. Ở nhiều nơi tại Mỹ La tinh và Châu Phi, theo các nhóm nhân quyền, trẻ em bị buộc làm nô lệ ở mỏ cát. Các băng đảng qua mặt luật pháp bằng những cách mà các tổ chức phạm tội có tổ chức sử dụng - như trả tiền mua cảnh sát và quan chức tham nhũng để chúng ngang nhiên hoạt động. Và nếu cần thiết, chúng có thể tấn công và thậm chí giết những người dám ngăn cản.

José Luis Álvarez Flores - nhà hoạt động môi trường ở bang Chiapas miền Nam Mexico và là người đang vận động chống lại tình trạng khai thác cát trái phép ở dòng sông địa phương - bị bắn chết hồi tháng 6-2019. Một tin nhắn đe dọa gia đình ông và đe dọa các nhà hoạt động khác được tìm thấy trên thi thể ông.

Ở nhiều quốc gia phương Tây, khai thác cát sông hầu hết đã bị loại bỏ. Tuy nhiên, để cả thế giới làm theo là điều khó khăn. Một báo cáo gần đây về ngành khai thác cát toàn cầu của WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên hay còn gọi là Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới, Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên toàn cầu) viết: "Ngăn chặn hay giảm thiểu những nguy cơ đe dọa sông ngòi sẽ đòi hỏi ngành xây dựng phải giảm dần lệ thuộc vào các loại vật liệu lấy từ sông. Sự chuyển đổi xã hội này cũng tương tự những đòi hỏi cần thực hiện để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, và sẽ buộc phải thay đổi cách nhận thức về sông ngòi và cát, và thay đổi cả cách thiết kế và xây dựng các thành phố".

Mette Bendixen, nhà nghiên cứu địa chất bờ biển tại Đại học Colorado, là một trong số các học giả đang kêu gọi Liên hợp quốc và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hành động nhiều hơn để giới hạn những đe dọa từ tình trạng khai thác cát. Bendixen bình luận: "Chúng tôi chỉ biết rằng khi ngày càng có nhiều người, ta sẽ càng cần nhiều cát hơn". 

Diên San
.
.
.