Lý do phía sau việc Ấn Độ chi 14,5 tỷ USD mua vũ khí của Nga?
Ông Dmitry Shugaev khẳng định đây là bước "đột phá thực sự". Ông cho biết văn kiện đặt nền móng và nguyên tắc hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, hai bên cũng đang tiến hành đàm phán cung cấp giấy phép sản xuất hệ thống tên lửa phòng không vác vai Igla-S.
Ấn Độ sẽ bắt đầu nhận lô hàng S- 400 đầu tiên vào năm 2020. |
Trong khuôn khổ chuyến thăm Nga và dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 5 (EEF) của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai bên đã ký thỏa thuận sản xuất tại Ấn Độ phụ tùng cho kỹ thuật quân sự và vũ khí.
Tháng 10- 2018, Ấn Độ đã ký hợp đồng với Nga mua 5 trung đoàn S-400 trị giá 5,43 tỷ USD. Việc chuyển giao S-400 cho Ấn Độ có thể hoàn thành trước năm 2025. Nga hy vọng sẽ nhận được khoản thanh toán tạm ứng từ Ấn Độ cho tổ hợp S-400 vào cuối năm nay, trong trường hợp này, việc giao hàng có thể bắt đầu vào năm 2020 và hoàn thành vào năm 2025.
"Tôi nghĩ rằng trước cuối năm 2020 và đầu năm 2021, hệ thống đầu tiên sẽ được chuyển giao. Sau tổ hợp đầu tiên, hệ thống tiếp theo sẽ được giao với chu kỳ nhất định trong vài năm tới, và Ấn Độ sẽ nhận được tất cả hệ thống cho đến trước năm 2024-2025", Phó Giám đốc của Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang (FSMTC ) Vladimir Drozhzhov nói.
Ông nhấn mạnh rằng Nga luôn hết lòng thực thi tất cả hợp đồng với tất cả đối tác, vì vậy, tất nhiên, Nga sẽ cung cấp đầy đủ toàn bộ hệ thống này. Do đó, khi được hỏi liệu hệ thống S-400 sẽ được chuyển giao ở phiên bản đầy đủ hay giới hạn, ông Drozhzhov lưu ý: "Đây không phải là tổ hợp phiên bản giới hạn". Như vậy, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thứ tư (sau Belarus, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ) mà Nga cung cấp S- 400.
Trả lời câu hỏi về tác động của lệnh trừng phạt từ Mỹ đối với việc cung cấp S-400, ông Drozhzhov nói rằng sự lựa chọn của Ấn Độ đối với tổ hợp của Nga, bất chấp sự phản đối rõ ràng của Washington, một lần nữa cho thấy sự độc đáo của S-400.
"Chúng tôi có đủ số lượng yêu cầu không chỉ từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc, mà còn từ các quốc gia khác trong việc cung cấp hệ thống này. Tôi có thể tự tin xác nhận rằng tính năng của S-400 vượt xa tất cả những hệ thống tương tự từ Hoa Kỳ và các quốc gia khác", ông Drozhzhov lưu ý.
Đề cập đến vấn đề thanh toán trong bối cảnh Nga đang bị Mỹ và phương Tây siết chặt vòng vây cấm vận, Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự LB Nga khẳng định: "Trong bối cảnh Nga bị trừng phạt, việc thanh toán trong thương mại song phương với Ấn Độ gặp phải một số vấn đề nhất định. Tuy nhiên, đến nay hai bên đã giải quyết ổn thỏa và vấn đề này không còn ý nghĩa nữa trong hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai nước.
Trong nhiều năm gần đây, Ấn Độ luôn nằm trong số các quốc gia tích cực mua sắm vũ khí và trang thiết bị quân sự hiện đại của Nga. Hai nước cũng tích cực hợp tác cùng phát triển các loại vũ khí mới, trong đó nổi bật là sản xuất tên lửa Brah-Mos.
Thỏa thuận quốc phòng của New Delhi với Moskva đã nhiều lần bị Washington chỉ trích, vì Mỹ coi Ấn Độ là đối tác quan trọng ở Nam Á. Mỹ yêu cầu Ấn Độ hủy bỏ hợp đồng S-400 đồng thời cảnh báo không loại trừ rằng họ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt. Nhưng Ấn Độ không nhượng bộ và nhấn mạnh rằng họ coi những hạn chế đơn phương là bất hợp pháp.
Theo các nhà quan sát, việc Ấn Độ quyết định "xuống tiền" khủng mua vũ khí Nga nằm trong chiếc lược quan hệ toàn diện với Nga. Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ, Tổng thống Putin nhấn mạnh: "Mối quan hệ giữa hai nước chúng ta thực sự mang tính chất chiến lược và đặc biệt ưu tiên, phát triển tiến tới dựa trên cơ sở hữu nghị, cùng có lợi. Chúng tôi nhất trí duy trì chặt chẽ các cuộc tiếp xúc cá nhân và công tác".
Ông Putin cho biết lãnh đạo hai nước đã thảo luận những vấn đề then chốt trong quan hệ song phương, đồng thời hoạch định những nhiệm vụ cụ thể phải thực hiện trong thời gian tới. Một gói thỏa thuận lớn giữa các tập đoàn và liên bộ vừa được ký kết bao trùm nhiều phương hướng khác nhau giúp mở rộng hơn nữa mối quan hệ nhiều mặt Nga - Ấn Độ.
Trong đó tập trung ưu tiên vào các vấn đề thương mại và đầu tư hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều từ mức 11 tỷ USD năm 2018 lên 30 tỷ USD vào năm 2030. Để hiện thực hóa mục tiêu này lãnh đạo hai nước đã phê chuẩn "Chiến lược phối hợp hành động quy mô lớn giữa các bộ ngành".
Theo đó, các rào cản trong môi trường đầu tư sẽ bị loại bỏ, thúc đẩy các dự án liên doanh lớn cùng có lợi trong những lĩnh vực ưu tiên, tăng cường hợp tác khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới. Lãnh đạo Nga và Ấn Độ cũng nhất trí tiếp tục sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán song phương.
Giải pháp này cũng được xem là cú hích quan trọng giúp lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa Ấn Độ và Nga như năng lượng - kỹ thuật - quân sự tiếp tục gặp hái được thành công trong thời gian tới. Tổng thống Putin cũng nhất trí nhanh chóng khởi động đàm phán về khu vực thương mại tự do giữa Ấn Độ và Liên minh kinh tế Á - Âu. Nếu khu vực thương mại tự do này được thành lập sẽ tạo được bước đột phá trong quan hệ giữa Moskva và New Dehli.