Liệu có xảy ra chiến tranh Mỹ - Iran?

Thứ Bảy, 22/02/2020, 15:40
Ngày 13/2, Thượng nghị viện Mỹ đã thông qua một dự luật cấm Tổng thống Donald Trump tự ý tiến hành một cuộc chiến tranh với Iran mà không tham khảo ý kiến Quốc hội.


Những quyết định thiếu cân nhắc của chính quyền Tổng thống Trump, theo các thượng nghị sĩ, sẽ có nguy cơ lôi kéo nước Mỹ vào một cuộc chiến tranh tổng lực. 8 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã đứng cùng phe với các nghị sĩ đảng Dân chủ để bỏ phiếu thông qua dự luật này.

Mâu thuẫn ngày càng gia tăng

Vào cuối tháng 9 năm ngoái, một chiếc máy bay chở 8 nhân vật cao cấp của Iran đã hạ cánh xuống Abu Dhabi, thủ đô các Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Trung Đông vừa trải qua một mùa hè đầy bạo lực và cuộc gặp gỡ với người Iran là một phần trong chiến lược bí mật của các nhà lãnh đạo Tiểu vương quốc Arab để tháo ngòi nổ căng thẳng.

Cuộc họp bí mật này đã gióng lên một hồi chuông báo động ở Nhà Trắng ngay sau khi những tin tức tình báo đến tay các nhà lãnh đạo. Tiểu vương quốc Arab thống nhất, một đồng minh thân thiết lâu đời, giờ đây lại bí mật bàn bạc riêng rẽ với Iran. Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã phải họp khẩn để bàn bạc về những hậu quả của sự kiện này. Mặt trận chung chống Iran được chính quyền Trump dày công xây dựng nay dường như đã bị rạn nứt nghiêm trọng.

Cái chết của tướng Qassim Suleimani đã thổi bùng xu hướng chống đối Mỹ trên khắp Iran và vùng Trung Đông.

  Câu chuyện này như đổ thêm “dầu vào lửa” cho sự đối đầu vốn đã rất căng thẳng từ chín tháng qua giữa Mỹ và Iran. Mọi xung đột đều có nguy cơ lôi cuốn hai cường quốc này vào một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp và bùng nổ thành một cuộc xung đột đẫm máu.

Chính quyền của ông Trump đã và đang tiến hành một một cuộc chiến tranh trên lĩnh vực kinh tế- tài chính nhằm “gây áp lực tối đa” để bóp nghẹt nền kinh tế Iran và bắt Chính phủ Iran phải “quỳ gối”, chịu ngồi vào bàn đàm phán về chương trình hạt nhân và các chiến dịch quân sự của họ đang được triển khai ở khắp Trung Đông.

Nhưng từ khi cuộc khủng hoảng với Mỹ nổ ra, Iran đã sử dụng song song hai mũi giáp công (dẫu rằng họ chỉ công khai thừa nhận có một). Mũi giáp công thứ nhất triển khai trên mặt trận ngoại giao,  chịu trách nhiệm chính là Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif, người được cả thế giới chú ý khi dẫn đầu phái đoàn đàm phán về vấn đề hạt nhân năm 2015.

Mũi giáp công thứ hai trên mặt trận quân sự do tướng Suleimani (khi còn sống) là người tổ chức thực hiện. Ông này sử dụng các lực lượng Iran và các lực lượng đồng minh được ủy quyền để khuấy động bạo lực trong khắp vùng Trung Đông và tấn công vào lợi ích của Mỹ và các đồng minh trong vùng này. Hằng tuần hai nhân vật này sẽ gặp nhau một buổi ăn trưa để bàn bạc và phối hợp hành động.

Những cuộc tấn công của Iran trong thời gian vừa qua mang theo một thông điệp rất rõ ràng: Nếu Iran không xuất khẩu được dầu thì sẽ không ai có thể xuất khẩu được dầu. Bằng cách đó Iran đã đáp trả lại chiến dịch “gây áp lực tối đa” của Mỹ bằng một chiến dịch phản công theo một cách rất riêng của họ.

Các đồng minh mất niềm tin

Phân tích về các cuộc gây hấn của Iran trong thời gian qua, nhiều nhà quan sát nhận định rằng Iran trước đây vốn dĩ rất thận trọng nhưng giờ đây đã mạnh dạn leo thang đối đầu bởi vì Iran tin rằng Trump hoàn toàn không có ý định dính líu sâu hơn nữa về quân sự ở Trung Đông.

Một đồng minh thân cận của Mỹ là Anh đã không tán đồng với sách lược này. Nước Anh rất am hiểu tình hình của Iran vì từ rất lâu họ đã duy trì sự hiện diện một đại sứ quán ở Iran. Người Anh cho rằng chỉ dùng áp lực kinh tế sẽ không đủ để bắt Iran ngồi vào bàn đàm phán về chương trình hạt nhân. Robert Macaire, Đại sứ Anh tại Iran, năm ngoái đã đến Washington rất nhiều lần để gặp các quan chức tình báo và các nhà ngoại giao Mỹ để cung cấp những nhận định về giới lãnh đạo Iran.

Còn ở Trung Đông, các đồng minh đang đặt dấu hỏi về những cam kết của ông Trump trong việc bảo vệ họ chống lại Iran. Saudi Arabia đã tìm kiếm một cuộc đối thoại với Iran thông qua vai trò trung gian của Iraq và Pakistan. Theo nhiều nhà ngoại giao Iran và các thành viên của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, tướng Suleimani đã có một vai trò “hậu trường” quan trọng liên quan đến việc tổ chức những cuộc thương thảo giữa Iran và hai vương quốc vùng Vịnh này.

Để củng cố sự tự tin cho Mỹ không lùi bước trước Iran, từ vài tháng nay Israel đã tăng cường các cuộc tấn công nhắm vào các lực lượng của Iran và đồng minh trên khắp Trung Đông. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây dành cho tờ New York Times, Thủ tướng Israel M. Netanyahu đã bênh vực cho các chiến dịch quân sự của Israel và không hề tỏ ra ân hận khi đã thuyết phục, gây sức ép để Trump ủng hộ cho những bước leo thanh của Israel.

“Nếu có thể kêu gọi cường quốc mạnh nhất thế giới đứng bên cạnh mình, tại sao chúng tôi lại phải chiến đấu đơn độc? Nếu tôi có thể lôi kéo một siêu cường thế giới chống lại Iran, đất nước đang muốn hủy diệt chúng tôi, tại sao lại không làm chứ? ”.

Dương Quốc Tuệ (Tổng hợp)
.
.
.