Liên minh Mỹ-Philippines liệu có tan vỡ?

Thứ Tư, 19/02/2020, 16:16
Ngày 11-2, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã thông báo chính thức hủy bỏ Hiệp ước Thăm viếng quân sự với Mỹ (Visiting Forces Agreement - VFA).

Giới quan sát lo ngại việc Philippines khước từ sự hiện diện quân sự của quân đội Mỹ không chỉ làm rạn vỡ mối quan hệ liên minh Mỹ-Philippines mà còn có thể tạo cơ hội cho Trung Quốc mở rộng quân sự hóa Biển Đông. 

Tuy nhiên, mọi phân tích lúc này vẫn là quá sớm bởi theo các điều khoản được quy định trong VFA, việc rút khỏi thỏa thuận sẽ chính thức có hiệu lực sau 180 ngày kể từ khi một bên thông báo chấm dứt được gửi cho phía còn lại. Do đó vẫn có thể sẽ có thay đổi vào phút chót.

Đồng minh thất thường

Philippines có mối quan hệ lâu đời với Mỹ. Năm 1899, Mỹ bắt đầu cuộc chiến với Philippines kéo dài 3 năm với tham vọng là chiếm một vị trí chiến lược trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Năm 1946, Mỹ trao trả độc lập cho Philippines nhưng vẫn giữ căn cứ quân sự của mình trong quần đảo. Sau khi độc lập, Philippines duy trì quan hệ với Mỹ với vai trò đồng minh. Năm 1951, Mỹ và Philippines ký Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT). Tuy nhiên, liên minh này đã trải qua nhiều sóng gió, như quá trình đàm phán lại các điều khoản sử dụng căn cứ vào thập niên 1970 hay việc Philippines đóng cửa các căn cứ quân sự của Mỹ ở Vịnh Subic thập niên 1990. 

Sau khi quân Mỹ rời đi, Philippines đối mặt với mối đe dọa ngày càng lớn từ các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, buộc họ ký VFA vào năm 1998 và có hiệu lực năm 1999. Tiếp đó năm 2014, hai nước ký Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA). 

VFA tạo cho quân đội Mỹ một quy chế pháp lý, theo đó, tàu chiến, máy bay và hàng nghìn binh lính Mỹ được luân phiên đồn trú tại Philippines, tham gia các cuộc tập trận quân sự, huấn luyện và hoạt động hỗ trợ nhân đạo… Có khoảng 300 hoạt động như vậy mỗi năm, bao gồm cả các chuyến viếng thăm của tàu chiến Mỹ.

Doanh trại của thủy quân lục chiến Mỹ trong cuộc tập trận bắn đạn thật Mỹ-Philippines ở Capas, tỉnh Tarlac, phía Bắc Manila ngày 10-10-2016.

Nhưng mối quan hệ đồng minh đã thay đổi cho đến khi ông Duterte nhậm chức Tổng thống vào giữa năm 2016. Trong hơn ba năm qua, Tổng thống Philippines luôn nói Mỹ đạo đức giả, thậm chí còn cáo buộc quân Mỹ tiến hành những việc mờ ám trên đất Philippines. Ông Duterte cho rằng, sự hiện diện của quân Mỹ khiến Philippines tự nhiên trở thành một mục tiêu tiềm tàng cho các hành động gây hấn từ kẻ thù của Mỹ.

Tổng thống Duterte thường chỉ trích các chính sách an ninh của Mỹ. Tháng 1-2019, Philippines bất ngờ kêu gọi đánh giá lại Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) ký năm 1951, bất chấp đây là nền tảng cho mối quan hệ đồng minh chiến lược Mỹ-Philippines.

Mối bất hòa được đẩy lên cao khi tháng 1-2020, Mỹ hủy visa của Thượng nghị sĩ Roland dela Rosa, người từng là chỉ huy Cảnh sát Philippines, vì những vấn đề liên quan đến cuộc chiến chống ma túy do Tổng thống Duterte khởi xướng, một cuộc chiến đẫm máu và bị quốc tế lên án. 

Ông Ronald dela Rosa nói visa vào Mỹ của mình bị hủy bỏ vì ông bị cho là liên quan đến vụ bắt giữ Thượng nghị sỹ sĩ Leila De Lima, một nhà hoạt động nhân quyền thường xuyên chỉ trích ông Duterte. Động thái này khiến Tổng thống Duterte nổi giận và ra thời hạn 1 tháng để Mỹ "sửa sai", bằng không sẽ rút khỏi VFA. 

Tại phiên điều trần ngày 6-2, Ngoại trưởng Loscin có cảnh báo việc hủy VFA sẽ gây tổn hại đến an ninh của Philippines và gia tăng tình trạng căng thẳng ở Biển Đông. Tuy nhiên, Tổng thống Duterte vẫn quyết liệt thúc đẩy việc rút khỏi VFA và cáo buộc Mỹ can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Philippines.

Hải quân Mỹ trong một cuộc tập trận với quân đội Philippines tại tỉnh Zambal.

Bên nào thiệt hơn?

"Đã đến lúc chúng ta tự lo cho mình. Chúng ta sẽ tự củng cố năng lực phòng thủ và không dựa vào bất kỳ quốc gia nào khác", Salvador Panelo, người phát ngôn của Tổng thống Duterte, khẳng định định tại buổi họp báo ở Manila ngày 11-2. 

Tuy nhiên, nhiều chính trị gia và chuyên gia Philippines đã phản đối hành động của ông Duterte, cho rằng đây là một động thái "dại dột" bởi nếu VFA bị hủy bỏ, Philippines là bên chịu thiệt hại nhiều hơn. 

Chính Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin mới đây cũng đã cảnh báo, động thái này có thể chấm dứt khoản viện trợ an ninh trị giá 550 triệu USD cùng các hoạt động hỗ trợ huấn luyện và tình báo của Mỹ với Philippines. 

Đó là chưa kể, quan hệ kinh tế giữa hai bên cũng có nguy cơ trở nên lạnh nhạt. Đồng thời, phía Mỹ cũng có thể tìm cách hủy nhiều thỏa thuận quân sự song phương, bao gồm Hiệp ước Phòng thủ chung hay Thỏa thuận Hợp tác cải thiện quốc phòng; đồng thời ngừng hơn 300 chiến dịch huấn luyện chung với Philippines.

Nhiều quan chức Philippines cũng cảnh báo việc từ bỏ VFA sẽ làm suy yếu an ninh của đất nước, cũng như khó ngăn chặn các hành động gây hấn ở Biển Đông, vùng biển vốn đang có tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc. 

Một số thượng nghị sĩ Philippines đã nhanh chóng tìm cách ngăn chặn động thái của ông Duterte, cho rằng ông không có quyền đơn phương hủy bỏ các hiệp ước quốc tế mà thượng viện nước này đã phê chuẩn. Những người ủng hộ duy trì VFA cũng nhấn mạnh rằng số tiền viện trợ quân sự 1,8 tỉ USD mà Mỹ dành cho Philippines kể từ năm 1998 là vô cùng quan trọng trong bối cảnh năng lực quân sự Philippines vẫn còn hạn chế.

Nhật báo Manila Times bình luận: "Chúng ta hãy nhớ rằng sau khi đóng cửa căn cứ quân sự Mỹ Clarck và căn cứ trong vịnh Subic năm 1992, Trung Quốc đã bắt đầu dòm ngó các dải đá ngầm ngoài khơi đảo Palawan, đó là nơi mà quân đội Philippines và Mỹ vẫn dùng làm nơi diễn tập chung. Quân đội của chúng ta quá yếu để ngăn chặn sự xâm nhập của Trung Quốc vào các dải đá ngầm đó".

Binh sĩ Mỹ-Philippines trong cuộc tập trận chung thường niên "Vai kề vai".

Phản ứng trước quyết định của Philippines, Đại sứ quán Mỹ tại Philippines ra thông cáo nhấn mạnh: ''Đây là một quyết định nghiêm trọng để lại những hệ quả quan trọng cho liên minh giữa Hoa Kỳ và Philippines'', nhưng đồng thời khẳng định phía Mỹ ''sẽ xem xét cẩn trọng về phương thức tốt nhất để thúc đẩy các lợi ích chung của chúng ta''. 

Ông Clarke Cooper, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề quân sự- chính trị, cho rằng chấm dứt sự tồn tại của VFA sẽ tác động đến "hàng trăm cam kết và sự kiện huấn luyện quân sự" giữa quân đội Mỹ và Philippines. Bởi hiện có khoảng 300 đầu việc bao gồm các cam kết và hoạt động huấn luyện mà Mỹ tiến hành cùng với Philippines. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho đây là "động thái sai lầm" của đồng minh khi đang nỗ lực tăng cường sự hiện diện, phối hợp với các đối tác khác trong khu vực nhằm buộc Trung Quốc tuân thủ chuẩn mực và trật tự quốc tế. Nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump thì tuyên bố ông không quan tâm tới chuyện Philippines hủy VFA và nhấn mạnh điều này còn có lợi vì giúp Mỹ… đỡ tốn tiền cho các cuộc tập trận. "Tôi thực sự không quan tâm, nếu Philippines muốn làm điều đó, chúng ta sẽ tiết kiệm được một mớ tiền", ông Trump trả lời khi được hỏi về VFA. 

Tuy nhiên, các chuyên gia quốc phòng cảnh báo hủy bỏ VFA cũng sẽ gây tổn hại lợi ích của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, bởi hiện sự có mặt của quân Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc đang vấp phải phản đối. 

Vì thế, theo giới quan sát, động thái của Tổng thống Philippines Duterte có lẽ là một quân bài mặc cả mới mà ông muốn gửi đến đồng minh nhiều duyên nợ. Bởi Tổng thống Duterte biết rằng Mỹ rất cần các đồng minh như Philippines để duy trì sự hiện diện và ảnh hưởng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong khi đó, Manila lại đang cần các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác kinh tế lớn mà Trung Quốc đã hứa hẹn với nước này.

Cho tới lúc này, tiến trình chấm dứt VFA vẫn chưa được vạch ra rõ ràng và mọi thứ có thể thay đổi trong 6 tháng tới. Bởi theo điều 9 của VFA, thỏa thuận giữa hai bên vẫn sẽ có hiệu lực cho đến hết thời hạn 180 ngày, kể từ thời điểm một bên thông báo với bên kia bằng văn bản về việc muốn hủy thỏa thuận. 

Câu nói "Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn" dường như ngày càng đúng trong các mối quan hệ ngoại giao, điều đó có nghĩa dù tuyên bố thì Tổng thống Duterte cũng cần phải có văn bản chính thức. Và kể cả khi có văn bản thì hai bên vẫn có khoảng thời gian nửa năm để cân nhắc và thương lượng về quyết định hủy hay không. 

Sự thay đổi này có thể đến từ kết quả đàm phán song phương, hoặc Philippines nhận thức được những mối đe dọa tiềm tàng từ việc chấm dứt sự hiện diện quân sự của Mỹ trên lãnh thổ. Trong khi Mỹ rất cần đồng minh, đối tác trong "cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường" với Nga và Trung Quốc.

Ngọc Trang (tổng hợp)
.
.
.