Libya: Hé lộ mạng lưới buôn bán vũ khí trên facebook

Thứ Hai, 07/10/2013, 11:14

Trong chuyến công du gần đây nhất, ông Ali Zeidan, Thủ tướng của Libya đã yêu cầu nước Anh giúp đỡ trong việc kiểm soát tình hình vũ khí ở Libya. Hai năm sau chế độ Gaddafi sụp đổ, việc kiểm soát súng đạn ở Libya vẫn là bài toán nan giải, nhất là mới đây, Tờ The Independent (Anh) phát hiện ra một thị trường vũ khí trực tuyến rất sôi động ở nước này.

Mua súng - chỉ cần một cú nhấp chuột

Một ngày cuối tháng bảy, tại trung tâm thành phố Tripoli, một người đàn ông trẻ bước vào chiếc xe con đang đỗ gần quảng trường Martyrs. Từ ghế sau, anh đưa cho lái xe một thứ mà người Libya thường gọi là "súng lục Thổ Nhĩ Kỳ" cùng vài viên đạn. Đổi lại, người lái xe đưa cho anh ta một tập tiền mệnh giá 10 dinar. Việc trao đổi này là một trong rất nhiều giao dịch thành công được kết nối qua mạng xã hội facebook.

Muhammad - người mua súng trong vụ giao dịch kể trên, 23 tuổi, hiện đang thất nghiệp, sống ở Tripoli chỉ là một trong hàng trăm người dân ở Libya đang tìm mua vũ khí. Muhammad giải thích rằng, anh đã thấy khẩu súng lục qua xem quảng cáo trên một trang Facebook. Muhammad đã viết ý kiến của mình dưới một bài viết, kèm theo bức ảnh về khẩu súng lục, số điện thoại của mình. Muhammad nói rằng, những lời quảng cáo trên facebook khẳng định, nhà cung cấp có thể vận chuyển súng đến bất cứ nơi nào tại Libya. Điều này cho thấy có những thế lực ngầm đứng sau những giao dịch trên mạng.

Muhammad nhận được điện thoại vài ngày sau đó để xác nhận về việc mua súng. Người giao hàng xuất hiện ngày hôm sau ngay ở trung tâm thành phố Tripoli. Muhammad chỉ mua một khẩu súng nhỏ và có nhiều súng lớn hơn đang được bán rầm rộ trên thị trường vũ khí của Libya qua facebook. Có ít nhất 5 trang bán hàng công khai nêu rõ mục đích như là một kênh kết nối giữa nhà cung cấp súng và người mua. Một khẩu Kalashnikov được quảng cáo với giá 1.100 dinar (khoảng 560 bảng Anh). Toàn bộ kho vũ khí, bao gồm cả tên lửa và đạn, cũng xuất hiện trên màn hình.

Trong cuộc lật đổ chế độ của Tổng thống Muammar Gaddafi, máy bay chiến đấu của NATO đã hỗ trợ bằng cách thi hành một vùng cấm bay và phối hợp với các phiến quân để tấn công mục tiêu quân sự của Gaddafi. Một cuộc điều tra về vũ khí công bố tháng 10/2012 cho hay, hầu hết vũ khí mà lực lượng đối lập thu được là từ các lực lượng của Gaddafi. Thời gian gần đây, việc sở hữu vũ khí cá nhân đã tăng vọt ở Libya. Theo một khảo sát, chỉ tính riêng số liệu tại thị trấn nhỏ Misrata, đã có khoảng 30.000 người có súng.

Báo động về tình hình an ninh

Trong chuyến thăm chính thức Anh vào tuần trước, Thủ tướng Libya, Ali Zeidan, đã đề nghị Anh giúp đỡ trong việc kiểm soát vũ khí. Ông Zeidan gọi số lượng vũ khí thời Gaddafi là một "vấn đề quốc tế" và vô cùng phức tạp. Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cảnh báo về tốc độ gia tăng "đáng lo ngại" của vũ khí và đạn dược được vận chuyển qua biên giới của Libya và "có số liệu cho thấy nạn buôn bán vũ khí cho Syria có dấu hiệu gia tăng".

Khi được hỏi về lý do mua súng, Muhammad chia sẻ, "bất cứ ai gây rối hoặc đe dọa tôi, nếu anh ta thực sự là người xấu, tôi sẽ giết anh ta". Tình hình an ninh dường như ngày càng xấu đi ở Libya - một đất nước đang thiếu những tổ chức đáng tin cậy, thiếu một nhà nước hoặc chính phủ đủ mạnh. Đây là lý do khiến những người như Muhammad phải tìm mua vũ khí để phòng thân. Khi được hỏi liệu có sử dụng súng, Muhammad trả lời, "không, tôi không có bất kỳ vấn đề gì nhưng tôi thấy nhiều sự bất an trên đường phố. Tôi cũng đã chán ngấy với việc mang súng theo người".

Điều đáng lo ngại là các lữ đoàn còn sót lại sau cuộc nổi dậy chống chế độ độc tài Gaddafi mới là người đang sở hữu những kho vũ khí thực sự. Chính phủ Libya hiện không hoàn toàn kiểm soát được những lữ đoàn này. Mặc dù trên danh nghĩa, những lữ đoàn nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Nội vụ hoặc Bộ Tư pháp nhưng thực tế thì không hoàn toàn như vậy. Có thông tin cho rằng, một số nhóm vũ trang đang hành động như mafia bằng cách "bảo kê" cho việc buôn bán ma túy và rượu. Sự phổ biến của thị trường vũ khí ngầm như là một dấu hiệu cho thấy, mặc dù chiến tranh đã qua nhưng sự ổn định vẫn là con đường rất dài và chông gai ở phía trước.

Khi được hỏi về việc sử dụng trang Facebook để mua, bán vũ khí, ông Richard Allan, giám đốc phụ trách khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của Facebook nói với The Independent rằng, đây là lần đầu tiên xuất hiện một hiện tượng như vậy. Ông nói thêm, "nó có vẻ như không phù hợp với tình hình cụ thể ở Libya". "Chúng tôi đã nhận thức được những tác động của facebook trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Tất nhiên, có cả tích cực và tiêu cực". Ông Allan giải thích rằng, ngoại trừ trong các trường hợp lạm dụng trẻ em, Facebook không có cách tiếp cận nào để chủ động loại bỏ những hành động xấu từ hơn một tỷ người sử dụng facebook trên toàn thế giới

T. Phạm (tổng hợp)
.
.
.