Liban bên bờ vực thẳm

Thứ Tư, 12/08/2020, 17:08
Vụ nổ khủng khiếp đã xảy ra ở khu vực cảng Beirut không chỉ gây thiệt hại nặng nề về người mà giờ đây đẩy đất nước Liban đến bờ vực thẳm khi thiệt hại kinh tế lên tới 5 tỷ USD khi phá hủy hoàn toàn cảng chính của đất nước và tất cả những gì đang lưu kho ở đó.

Chính phủ Liban đã thông báo rằng dự trữ ngũ cốc của nước này sẽ chỉ tồn tại trong một tháng và bột mì sẽ không được đưa ra bán lẻ. Thảm họa ở thủ đô thực sự đẩy Liban đến bờ vực sinh tồn.

Người dân phẫn nộ với chính phủ

Ngày 8-8, khoảng 5.000 người biểu tình tụ tập ở quảng trường tại trung tâm Beirut để bày tỏ nỗi tức giận với giới lãnh đạo sau vụ nổ hôm 4-8. Một số người ném đá, vung những chiếc thòng lọng, hô khẩu hiệu chống chính phủ và giơ biểu ngữ như "hãy cút đi, các ông là những kẻ giết người". "Chúng tôi muốn một tương lai tử tế, chúng tôi không muốn các nạn nhân đổ máu vô ích", người biểu tình Rose Sirour nói.

Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ sự tức giận bằng từ khóa "Treo cổ bọn họ", thể hiện mong muốn trừng phạt những người phải chịu trách nhiệm cho sự cố. Một số người biểu tình còn dựng giá treo cổ giả trên quảng trường. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay khi một số người biểu tình cố gắng vượt qua hàng rào chặn một con phố dẫn đến tòa quốc hội.

Trong khi đó nhiều cư dân thủ đô đang chật vật dọn dẹp những ngôi nhà đổ nát. Họ phàn nàn rằng chính phủ đầy rẫy tham nhũng và họ lại khiến người dân thất vọng một lần nữa. "Chúng tôi không tin tưởng vào chính phủ", sinh viên đại học Celine Dibo nói khi cô chà vết máu trên các bức tường tòa chung cư của mình.

Sau khi cuộc nội chiến kết thúc năm 1990, Liban đặt mục tiêu xây dựng lại đất nước trở thành một trung tâm văn hóa, tài chính ở Trung Đông. Tuy nhiên, Liban lại liên tục chìm trong khủng hoảng và thường bị cuốn vào các cuộc xung đột khu vực. 

Tháng 10-2019, người dân ở ít nhất 70 thành phố trên khắp đất nước biểu tình phản đối tình trạng tham nhũng trong bộ máy chính phủ, năng lực quản lý yếu kém của giới lãnh đạo, các biện pháp thắt lưng buộc bụng và cơ sở hạ tầng thiếu thốn, như tình trạng nước máy không đảm bảo hay thường xuyên mất điện.

Cảng Beirut đã bị phá hủy hoàn toàn khiến cho việc vận tải biển đình trệ.

Đất nước đang đứng bên bờ vực sinh tồn

Gần một nửa dân số Liban sống dưới mức nghèo đói và 35% thất nghiệp. Hồi tháng ba, lần đầu tiên trong lịch sử, Lebanon tuyên bố không có khả năng thanh toán các khoản nợ. Tổng nợ chính phủ của Liban hiện là 92 tỷ USD, bằng gần 170% GDP và là một trong số mức nợ cao nhất thế giới. Giờ đây vụ nổ khủng khiếp hôm 4-8 càng khiến nền kinh tế Liban kiệt quệ khi thiệt hại lên tới hàng chục USD.

Thiệt hại kinh tế của Liban có thể được chia thành hai loại: cơ sở hạ tầng và lương thực. Liban không phải là nước giàu tài nguyên thiên nhiên do đó phải nhập khẩu hơn 70% nguyên liệu và sản phẩm tiêu thụ. Trung tâm hậu cần chính của đất nước nằm trong đống đổ nát. 

Một câu hỏi hợp lý được đặt ra: làm thế nào có thể bù đắp cho sự vắng mặt của nó? Mặc dù Bộ Giao thông vận tải đã thông báo rằng khối lượng lớn hàng hóa sẽ đi qua cảng ở Tripoli, nhưng sức chứa của nó ít hơn nhiều lần so với cảng Beirut. 

Ngay cả khi toàn bộ tải trọng có thể được phân phối giữa các cảng ở Tripoli, Tyre và Saida, vẫn không thể tránh khỏi những phức tạp. Thứ nhất, việc chuyển chuỗi như vậy cũng đòi hỏi nhiều tiền bạc và cả thời gian. Thứ hai, các cảng này có khả năng lưu thông không lớn. Và điều này có nghĩa là lượng hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu của Liban sẽ sụt giảm rất nghiêm trọng.

Theo nhà kinh tế học Liban Bassem Ajaqah, tổn thất về lương thực - trước hết là kho lương thực, bột mì và ngũ cốc bị tiêu hủy hoàn toàn tại cảng. Điều này cũng bao gồm các vấn đề hậu cần đảm bảo đối với việc xuất nhập khẩu hàng hóa trong tương lai, vì cảng ở thủ đô đã tiếp nhận và vận chuyển tới 70% sản phẩm lưu chuyển hàng hóa quốc gia. 

Do điều kiện địa lý và khí hậu khắc nghiệt nên nông nghiệp Liban kém phát triển, thậm chí không trang trải đủ nhu cầu trong nước. Ngoài ra, tại cảng Beirut còn có các kho chứa lúa mì, bột mì và một số thực phẩm quan trọng khác. Trước khi được chuyển sang thương mại bán lẻ và bán buôn, một lượng lớn lương thực được lưu trữ ở đó. Vì vậy, hiện Liban thực tế không còn dự trữ ngũ cốc và bột mì.

Theo chuyên gia kinh tế Marwa Osman hệ lụy từ vụ nổ là Liban đang có nguy cơ nhanh chóng rơi xuống mức của năm 1912 - quốc gia đói kém trong lịch sử, khi hàng trăm người chết mà không có lương thực và tài vật sinh sống. Liban không có tiền để cải thiện tình hình an toàn thực phẩm, và sẽ không có ai cung cấp ngũ cốc và bột mì miễn phí.

"Chúng tôi phải thừa nhận rằng Liban đang ở bên bờ vực của thảm họa nhân đạo. Chính phủ cần ngay lập tức yêu cầu sự giúp đỡ của các nước láng giềng và các tổ chức quốc tế. Đất nước có thể chỉ đơn giản là không thể tồn tại trong mấy tháng này, đó là khoảng thời gian cần thiết để bắt đầu khôi phục lại thành phố" - Marwa Osman kết luận.

Marwa Othman cho rằng Liban giờ đây khó có thể tái thiết thành phố một cách độc lập và hơn nữa khó hồi phục nền kinh tế của đất nước. "Theo số liệu sơ bộ, việc khôi phục thủ đô sẽ tiêu tốn của ngân khố 30 tỷ USD. Liban sẽ không thể tự mình đối phó với những vấn đề như vậy: cần sự giúp đỡ khẩn cấp và càng sớm càng tốt. Vụ nổ đã đưa Liban đến bờ vực thẳm", cô nói.
Quý Đức (Tổng hợp)
.
.
.