Lebanon sẽ tái điều tra vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri?

Thứ Bảy, 12/11/2016, 19:37
Mặc dù cam kết tạo điều kiện cho tất cả các phe phái trong Quốc hội và hy vọng chính quyền mới sẽ giải quyết thành công các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh và môi trường, nhưng tân Thủ tướng Saad Hariri, con trai cố Thủ tướng Rafik Hariri sẽ khó "thu phục" được phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah.


Bởi gần 6 năm trước (12-1-2011), chính phủ đoàn kết dân tộc Lebanon do Thủ tướng Saad Hariri đứng đầu từng sụp đổ ngay sau khi 11 Bộ trưởng (chủ yếu là người của Hezbollah) trong nội các từ chức.

Theo giới truyền thông, ngay sau khi được chỉ định làm Thủ tướng hôm 3-11, ông Saad Hariri đã công bố kế hoạch thành lập một chính phủ đồng thuận, để chấm dứt 29 tháng khủng hoảng chính trị tại Lebanon.

Đồng thời nhấn mạnh tới việc giúp Lebanon vượt qua những chia rẽ nội bộ và tiến hành cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 5-2017.

Hơn nửa tháng trước (20-10), ông Saad Hariri đã ủng hộ tích cực để cựu chỉ huy quân đội, tướng Michel Aoun, Chủ tịch Phong trào Yêu nước tự do (FPM), đồng minh của Hezbollah được bầu làm Tổng thống hôm 31-10, khi đã 81 tuổi, chấm dứt hơn 29 tháng vị trí này để trống.

Và sau khi nhận được sự ủng hộ của 110/128 nghị sỹ trong Quốc hội, ông Saad Hariri, lãnh đạo Phong trào Tương lai, đã được Tổng thống Michel Aoun chỉ định làm tân Thủ tướng.

Cựu Thủ tướng Rafik Hariri.

Theo giới chuyên môn, sau khi ổn định tình hình, Thủ tướng Saad Hariri sẽ tái điều tra vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri? Và nếu vấn đề này được đề cập, Lebanon sẽ rơi vào vòng xoáy bất ổn mới.

Tuy đã xảy ra gần 12 năm (14-2-2005), nhưng mỗi khi đề cập tới cái chết của cựu Thủ tướng Rafik Hariri, chính trường Lebanon lại rơi vào bế tắc.

Gần 6 năm trước (27-11-2010), ông Saad Hariri từng đến Iran để tìm kiếm sự hỗ trợ của nước này trong việc ngăn chặn bạo động khi Tòa án đặc biệt công bố kết quả điều tra vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri. Bởi trước đó (13-11-2006), bất chấp sự phản đối của Tổng thống Emile Lahoud và từ chức của 6 Bộ trưởng, 18 thành viên còn lại trong nội các của Thủ tướng Fuad Saniora vẫn nhất trí thông qua dự thảo kế hoạch của Liên Hợp Quốc về việc thành lập toà án quốc tế xét xử những nghi can có liên quan tới vụ ám sát ông Rafik Hariri.

Uỷ ban điều tra của Liên Hợp Quốc từng yêu cầu thẩm vấn 6 thành viên của Hezbollah vì bị tình nghi có liên quan đến vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri. Và tính đến nay đã có nhiều cuộc điều tra do Liên Hợp Quốc đứng đầu được thành lập và họ đều chỉ trích công tác điều tra của Lebanon đối với vụ ám sát này.

Về phần mình, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah nhiều lần cảnh báo, sẽ "chặt tay" bất cứ cá nhân hay tổ chức nào tìm cách bắt người của họ với cáo buộc có liên quan tới cái chết của cựu Thủ tướng.

Đồng thời kêu gọi giới chức Lebanon tẩy chay hoặc không hợp tác với uỷ ban điều tra của Liên Hợp Quốc trong việc điều tra vụ ám sát ông Rafik Hariri.

Bởi theo ông Hassan Nasrallah, Israel đứng sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri và Hezbollah cũng từng cung cấp tài liệu xung quanh vụ án này cho ông Daniel Bellemare, Công tố của Tòa án đặc biệt về Lebanon được Liên Hợp Quốc bảo trợ để phục vụ công tác điều tra.

Hezbollah còn cho rằng, những cáo buộc của Tòa án đặc biệt điều tra vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri đã bị chính trị hóa.

Nhưng theo hãng truyền thông CBC của Canada, Tòa án đặc biệt về Lebanon đang nắm giữ các bằng chứng cho thấy, Hezbollah đứng sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri.

Tân Tổng thống Michel Aoun từng nhấn mạnh, bất đồng đã xảy ra sau khi chính phủ trì hoãn thảo luận chủ đề "làm chứng giả" liên quan đến vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri.

Được biết, khoảng 1 tháng sau khi ông Rafik Hariri bị ám sát, kênh truyền hình al-Arabiya đã phát một đoạn băng video ghi lại khoảnh khắc cựu Thủ tướng bị ám sát hôm 14-2-2005. Và đoạn băng này (do một máy quay an ninh của một ngân hàng ở gần hiện trường ghi lại khoảng 90 giây) sau đó được sử dụng để điều tra vụ ám sát kể trên.

Tuy bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố, nhưng Hezbollah vẫn đóng vai trò khuynh đảo chính trường Lebanon bởi họ được Syria và Iran ủng hộ và hậu thuẫn.

Còn Phong trào Tương lai của Thủ tướng Saad Hariri, lại chịu ảnh hưởng lớn từ các quốc gia Arab Hồi giáo dòng Sunni do Saudi Arabia đứng đầu.

Theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực tại Lebanon, Tổng thống là người thuộc cộng đồng Thiên Chúa giáo dòng Maronite, Thủ tướng là người Hồi giáo theo dòng Sunni, còn Chủ tịch Quốc hội là người Hồi giáo dòng Shiite. 

Khi còn làm Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry từng tuyên bố: Washington sẽ không để bất cứ cá nhân hay tổ chức hoặc phe phái nào ở Lebanon cản trở cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc đối với cái chết của cựu Thủ tướng Rafik Hariri.

Thiện Lân
.
.
.