Lebanon: 36 lần không bầu được Tổng thống mới

Thứ Năm, 10/03/2016, 13:08
Cuộc bầu chọn tân Tổng thống Lebanon lại phải lùi tới ngày 23-3 sau khi chỉ có 72 nghị sỹ quốc hội tham dự phiên họp hôm 3-3, không đủ 2/3 trong tổng số 128 nghị sỹ theo quy định của Hiến pháp. Đây là lần thứ 36, Lebanon không thể bầu được người thay thế Tổng thống Michel Suleiman, người hết nhiệm kỳ từ ngày 25-5-2014.


Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri lại một lần nữa phải thông báo hoãn và người ta không biết tới khi nào Lebanon mới có Tổng thống mới. Do đó, ông Tammam Salam sẽ tiếp tục phải đảm trách cương vị vừa là Thủ tướng, vừa là Tổng thống tạm quyền.

Bởi theo Hiến pháp Lebanon, quyền của Tổng thống sẽ được chuyển giao cho chính phủ một cách tự động nếu Quốc hội không chọn được người thay thế.

Quyết đấu không khoan nhượng

Trước đó (8-2), Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri cho biết, chỉ có 58 nghị sỹ tham dự phiên họp lần thứ 35. Bởi các phe phái chính trị tại Lebanon bị chia rẽ sâu sắc giữa những người ủng hộ và phản đối Tổng thống Syria Bashar al-Assad, khiến việc bầu chọn tân Tổng thống rơi vào bế tắc.

Được biết, ông Suleiman Frangieh, bạn thời niên thiếu với Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuy được các phe phái nhất trí là ứng cử viên sáng giá nhất thay thế Tổng thống Michel Suleiman, nhưng tại phiên họp quốc hội hôm 16-12-2015, chỉ có 45 nghị sỹ tham dự nên không thể bỏ phiếu. Trước đó (11-11-2015), chỉ có 40 nghị sỹ tham dự phiên họp quốc hội.

Cựu Tổng thống Michel Suleiman.

Theo giới truyền thông, thỏa thuận chia sẻ quyền lực tại Lebanon nêu rõ, Tổng thống là người thuộc cộng đồng Thiên Chúa giáo dòng Maronite, Thủ tướng là người Hồi giáo theo dòng Sunni, còn Chủ tịch Quốc hội là người Hồi giáo dòng Shiite. Mặc dù đã có thỏa thuận kể trên, nhưng cho đến nay việc bầu chọn tân Tổng thống luôn rơi vào bế tắc do các phe phái chính trị ở Lebanon bị chia rẽ sâu sắc giữa một bên là các lực lượng được Mỹ và Saudi Arabia ủng hộ (chống lại Syria và phong trào Hezbollah), còn một bên là các lực lượng do Hezbollah đứng đầu, được Syria và Iran hậu thuẫn.

Theo tờ Al-Akhbar của Lebanon, tuy đã có một số ứng cử viên được giới thiệu để thay thế Tổng thống Michel Suleiman, nhưng cho tới nay vẫn chưa có nhân vật nào giành được sự ủng hộ của tất cả các đảng phái. Phong trào Hezbollah tuyên bố, sẽ không ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào, ngoại trừ ông Michel Aoun, Chủ tịch Phong trào Yêu nước tự do (FPM).

Giới thạo tin cho biết, Hezbollah và FPM đều là đồng minh trong "Liên minh 8 tháng 3", trong khi đó "Liên minh 14 tháng 3" lại ủng hộ người đứng đầu lực lượng vũ trang Lebanon Samir Geagea. Còn đảng Tập hợp Dân chủ của ông Walid Jumblatt giới thiệu ông Henri Helou.

Hơn 6 tháng trước (4-9-2015), hàng nghìn người đã tụ tập tại Quảng trường Liệt sỹ (Martyrs) ở thủ đô Beirut theo sự phát động của FPM, để yêu cầu quốc hội sớm bầu tân Tổng thống lãnh đạo đất nước. Người đứng đầu FPM Michel Aoun kêu gọi người ủng hộ đảng này biểu tình đòi tổ chức bầu cử quốc hội và thông qua một luật bầu cử mới cho phép người dân trực tiếp bầu Tổng thống.

Trong khi đó, nhóm "You Stink" lại phát động biểu tình trên cả nước trong hai ngày 5 và 6-9-2015, để phản đối tình trạng tham nhũng đang khiến bộ máy chính quyền không thể vận hành đúng cách. Nhóm "You Stink" phát động biểu tình còn nhằm phản đối tình trạng rác thải không được thu gom ở khắp thủ đô Beirut từ giữa tháng 7-2015, khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trước đó (25-8-2015), Chính phủ của Thủ tướng Tammam Salam đã kết thúc cuộc họp khẩn kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ, nhưng vẫn không đưa ra được giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng rác ở thủ đô Beirut. Và hàng nghìn người dân tiếp tục xuống đường, tập trung tại Quảng trường Riad al-Solh biểu tình, kêu gọi chính phủ từ chức. Và xung đột giữa người biểu tình với cảnh sát đã xảy ra khiến hàng chục người bị thương. Công ty thu gom rác thải Sukleen đã ngừng hoạt động sau khi bãi rác Naameh bị đóng cửa do quá tải, trong khi chính quyền không tìm ra được giải pháp khắc phục nào do những bất đồng nội bộ.

Từ ngày 17-7-2015, Lebanon đã phải đóng cửa bãi rác lớn nhất của nước này, khiến rác tràn ngập đường phố ở thủ đô Beirut và nhiều địa phương khác. Và việc này khiến người dân nổi giận, cáo buộc nhà chức trách vô trách nhiệm. Nhưng cho tới nay, rác thải vẫn không được thu dọn khiến mọi người càng bức xúc.

Một phiên họp Quốc hội Lebanon.

Thủ tướng Tammam Salam nhiều lần cảnh báo, vị trí Tổng thống bị để trống quá lâu không những làm suy yếu hệ thống dân chủ của nước này, mà còn khiến nội các hoạt động kém hiệu quả. Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri cũng từng đứng ra tổ chức các cuộc đối thoại giữa phong trào Hezbollah, Phong trào Tương lai, Các lực lượng Lebanon (LF) và FPM, nhưng cho tới nay các phe phái kể trên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Và Tổng thống Michel Suleiman được bầu hồi tháng 5-2008, cũng phải mất gần một năm mới trở thành người thay thế ông Emile Lahoud kết thúc nhiệm kỳ hôm 22-11-2007.

Gần 8 năm trước (22-4-2008), khác với những thông báo trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri không đưa ra thời gian ấn định để bầu Tổng thống sau khi Lebanon tiếp tục phải hoãn việc bầu chọn người thay thế Tổng thống Emile Lahoud hết nhiệm kỳ hôm 22-11-2007. Và khi đó, ông Nabih Berri, người đứng đầu phe đối lập tiếp tục kêu gọi các đảng phái đối thoại để đạt thoả thuận về chia sẻ quyền lực, nhưng bất thành. Thậm chí tại thời điểm đó, ông Michel Suleiman gần như mất kiên nhẫn với tuyên bố "sẽ rút khỏi danh sách ứng cử viên Tổng thống". Shaker Youssef Al-Absi, thủ lĩnh nhóm Hồi giáo Fatah tại trại tị nạn Nahr el-Bared ở miền Bắc Lebanon khi đó từng cáo buộc ông Michel Suleiman có liên quan tới việc ra lệnh cho quân đội phá hủy một trại tị nạn của người Palestine hồi tháng 8-2007.

Ai đứng sau những bất ổn

Gần 4 tháng trước (11-11-2015), thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah, đại diện cho người Hồi giáo dòng Shiite đã kêu gọi một giải pháp chính trị toàn diện, khi đề xuất tiến hành các cuộc thương lượng 2, 3 hoặc 4 bên để thảo luận các vấn đề liên quan đến Tổng thống, Thủ tướng, cơ cấu chính phủ và luật bầu cử.

Trong khi đó, nghị sỹ Ahmad Fatfat của phong trào al-Mustaqbal đã lên án việc một số nghị sỹ tẩy chay các phiên họp quốc hội, đồng thời kêu gọi các nhà lập pháp thể hiện trách nhiệm và tham gia vào các cuộc bầu cử Tổng thống, cũng như tôn trọng các kết quả dân chủ. Nhưng nghị sỹ Atef Majdalani lại coi cáo buộc của nghị sỹ Ahmad Fatfat là "sai trái và nguy hiểm" bởi vi phạm hiến pháp.

Hezbollah luôn muốn có đủ số ghế tại quốc hội để có quyền phủ quyết những quyết định quan trọng mỗi khi không thống nhất được với Thủ tướng. Tuyên bố hôm 11-11-2010 của thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah từng khiến cho bầu không khí chính trị tại Lebanon vốn đã căng thẳng càng thêm u ám khi đề cập tới vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafiq Hariri.

Đồng thời cảnh báo, Hezbollah sẽ "chặt tay" bất cứ cá nhân hay tổ chức nào tìm cách bắt người của họ với cáo buộc có liên quan tới cái chết của ông Rafiq Hariri. Ông Hassan Nasrallah cũng kêu gọi giới chức Lebanon không hợp tác với uỷ ban điều tra của Liên hợp quốc trong cuộc điều tra vụ ám sát ông Rafiq Hariri.

Trước đó, Hezbollah cũng đã phản đối bản danh sách gồm 30 thành viên trong chính phủ mới của Thủ tướng Saad Hariri, con trai cố Thủ tướng Rafiq Hariri. Và hơn 5 năm trước (12-1-2011), chính phủ đoàn kết dân tộc Lebanon do Thủ tướng Saad Hariri đứng đầu đã sụp đổ ngay sau khi 11 Bộ trưởng trong nội các từ chức.

Cố thủ tướng Rafiq Hariri.

Theo luật pháp Lebanon, nếu không bầu được tân Tổng thống trong vòng 10 ngày trước khi kết thúc nhiệm kỳ của đương kim Tổng thống, Quốc hội không thể tiến hành các phiên họp lập pháp, do đó kể từ ngày 15-5-2014, các hoạt động lập pháp của Quốc hội phải tạm dừng, chỉ họp để bầu người thay thế ông Michel Suleiman. Và nếu qua thời hạn chót ngày 25-5-2014 mà vẫn chưa bầu được tân Tổng thống, Lebanon sẽ rơi vào tình trạng "khoảng trống quyền lực" như đã từng xảy ra trước đây.

Theo giới truyền thông, hiện trong Quốc hội chỉ có 2 khối chính, chi phối mọi hoạt động của cơ quan hành pháp này, một do phong trào Hezbollah đứng đầu và một do cựu Thủ tướng Saad Hariri, con trai cố Thủ tướng Rafiq Hariri đứng đầu.

Gần 10 năm trước (13-11-2006), bất chấp việc phản đối của Tổng thống Emile Lahoud và từ chức của 6 Bộ trưởng, những thành viên còn lại (18 người) trong nội các của Thủ tướng Fuad Saniora vẫn nhất trí thông qua dự thảo kế hoạch của Liên hợp quốc về việc thành lập một toà án quốc tế xét xử những nghi can có liên quan tới vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafiq Hariri.

Tướng Jamil Sayyed, cựu Giám đốc cơ quan an ninh Lebanon từng cho biết, Syria đã phát lệnh bắt giữ đối với các quan chức Lebanon và nước ngoài (thẩm phán, an ninh, chính trị gia, phóng viên) bởi đã đưa ra những bằng chứng giả trong cuộc điều tra về vụ ám sát ông Rafiq Hariri. Và cho đến nay đã có nhiều cuộc điều tra do Liên hợp quốc đứng đầu được thành lập và họ đều có chung một kết luận - chỉ trích công tác điều tra của Lebanon đối với vụ ám sát này. Còn các cơ quan chức năng của Lebanon lại cho rằng, những báo cáo của Liên hợp quốc xung quanh vấn đề này "không chính xác và thiếu thực tế".

Cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều kêu gọi và hy vọng Quốc hội Lebanon không nên "chậm trễ" trong việc bầu tân Tổng thống. Đại diện phái đoàn ngoại giao của EU tại Lebanon, ông Maciej Golubiewski cho biết, các Đại sứ EU ủng hộ Thủ tướng Tammam Salam trong nỗ lực duy trì sự ổn định của chính phủ khi nước này rơi vào tình cảnh tê liệt chính trị và ghế Tổng thống bị bỏ trống.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Lebanon David Hale hối thúc nước này đẩy nhanh việc bầu Tổng thống mới - việc này không nên kéo dài quá lâu. Ngoại trưởng các quốc gia Arab từng kiến nghị, theo đó tân Tổng thống Lebanon phải có quyền bỏ phiếu để phá vỡ thế cân bằng 50/50 trong nội các.

Ngày 2-3, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) ra tuyên bố khẳng định, phong trào Hezbollah của Lebanon là nhóm khủng bố. Tổng thư ký GCC Abdullatif al-Zayani cho biết, GCC (Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) đưa ra tuyên bố kể trên do những hành động thù địch của Hezbollah.

Mạnh Phong - Nhiệm Bình
.
.
.