Lật tẩy nhiều thủ đoạn trốn thuế mới của tội phạm

Thứ Ba, 23/06/2020, 15:29
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ vừa kết thúc chuyên án trốn thuế xảy ra tại 4 doanh nghiệp và 1 hộ kinh doanh cá thể; ra quyết định khởi tố 5 vụ án hình sự, 5 bị can về tội danh trốn thuế.


Quá trình đấu tranh, xác định các doanh nghiệp trên có hành vi sản xuất, kinh doanh gỗ nguyên liệu sản xuất thành dăm gỗ không phát hành hóa đơn, không kê khai nộp thuế với tổng doanh thu trên 30 tỷ đồng, trốn thuế 3 tỷ đồng.

Từ những số liệu bất thường

Chuyên án bắt nguồn từ việc các cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện những dấu hiệu bất thường trong việc kinh doanh các sản phẩm từ gỗ, vốn là thế mạnh của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. 

Quá trình điều tra cơ bản phát hiện, trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2019, sản lượng gỗ nguyên liệu trên địa bàn xuất bán khoảng gần 2 triệu tấn với doanh thu hàng ngàn tỷ đồng (chỉ tính riêng Tổng Công ty Giấy Việt Nam – Nhà máy Giấy Bãi Bằng doanh số mua vào đã gần 300 tỷ đồng). Tuy nhiên qua nắm tình hình từ ngành Thuế, số tiền thuế thu được từ lĩnh vực này rất thấp, không tương xứng với doanh thu thực tế.

Qua khảo sát trên diện rộng cho thấy hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng này trên địa bàn tỉnh đều không xuất hoá đơn khi bán hàng, không kê khai thuế dẫn đến thất thu lớn về thuế; đồng thời vi phạm các quy định về thuế trên quy mô rộng lớn. 

Để kịp thời phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn những hành vi vi phạm nêu trên, căn cứ các tài liệu thu thập được, đơn vị đã xác lập án đấu tranh với hành vi trốn thuế trong kinh doanh gỗ nguyên liệu trên địa bàn.

Đối tượng Dương Thị Kim Lý.

Quá trình phá án, các trinh sát đã đối mặt với nhiều khó khăn do thủ đoạn tinh vi của các đối tượng gây án. Trường hợp của Dương Thị Kim Lý (SN 1963, trú tại huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ), là một ví dụ. 

Hộ kinh doanh Dương Thị Kim Lý hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thế, đăng ký kê khai nộp thuế tại Chi cục Thuế huyện Thanh Ba (nay là Chi cục Thuế khu vực Thanh Ba - Hạ Hòa), với hình thức kê khai nộp thuế theo phương pháp khoán... 

Sau khi thành lập, Lý hoạt động sản xuất, kinh doanh dăm manh gỗ làm nguyên liệu giấy dưới hình thức thu mua cành cây, thân cây, tấm bắp...; Lý là chủ hộ, người đại diện theo pháp luật của hộ kinh doanh và chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Lý thực hiện thu mua gỗ nguyên liệu của các cá nhân trên địa bàn huyện Thanh Ba không có hóa đơn chứng từ rồi chế biến thành dăm manh. Toàn bộ lượng dăm manh sản xuất ra và mua thương mại, Lý đã bán cho Nguyễn Mai Long (SN 1978, trú tại thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ). Từ tháng 4-2018 đến hết tháng 3-2019, Lý đã bán cho Long hơn 18.000 tấn dăm gỗ với số tiền thu được là hơn 18 tỷ đồng. 

Quá trình bán hàng, do hộ kinh doanh không đăng ký sử dụng hóa đơn quyển của cơ quan thuế nên Lý không xuất hóa đơn cho số lượng hàng đã bán nêu trên. Bà Long thanh toán cho Lý tổng số tiền trên thông qua con trai Lý là Nguyễn Thế Anh. Trong đó là chuyển khoản số tiền hơn 2,6 tỷ đồng thông qua 40 lần chuyển tiền. Số tiền còn lại, bà Long thực hiện thanh toán bằng tiền mặt cho Thế Anh vào nhiều lần khác nhau để Thế Anh chuyển lại cho Lý.

Đối tượng Đoàn Văn Cương.

Trong quá trình điều tra Lý có nhiều thủ đoạn đối phó. Ban đầu, chị ta khai rằng không xác định được chính xác tổng số lượng dăm manh đã bán cho Long. 

Sau đó thì cho rằng chị ta thuộc vào trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu khoán, không nộp hồ sơ khai thuế hoặc doanh thu tính thuế khoán xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế... 

Rồi khai rằng nguyên nhân không lập sổ  kế toán là do không biết và không nghiên cứu về quy định chế độ kế toán đối với hộ kinh doanh, không biết hộ kinh doanh phải nộp lập sổ... 

Nhưng trước khi trở thành bị can trong vụ án này, Lý từng kế toán của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Năng Yên, huyện Thanh Ba; đồng thời là Phó Chủ tịch HĐND xã Năng Yên nên là người hiểu biết về pháp luật về kế toán; nhận thức được mình có nghĩa vụ phải nộp thuế và thực hiện theo chế độ kế toán; việc khai báo không đúng sự thật.

Tự ký tên vào hợp đồng khống

Đây cũng là một trong những phương thức, đối tượng phạm tội sử dụng để qua mắt cơ quan chức năng nhưng vẫn không thoát tội. Trường hợp của Công ty CP Nông lâm sản Thịnh Sơn, có trụ sở tại huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) là một ví dụ. 

Công ty Thịnh Sơn đăng ký kinh doanh 11 ngành nghề, trong đó có kinh doanh, khai thác chế biến nông, lâm sản; Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc là ông Nguyễn Đức Sơn (trú tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ). 

Theo giấy chứng nhận kinh doanh thì ông Sơn là người đại diện theo pháp luật của công ty. Nhưng thực tế từ năm 2017 đến nay, toàn bộ việc điều hành sản xuất, kinh doanh của công ty đều do bà Trần Lệ Hiền là cổ đông và cũng là nhân viên kế toán của công ty thực hiện.

Trong thời gian từ tháng 5-2018 đến tháng 8-2019, Công ty Thịnh Sơn đã sản xuất được hơn 7.000 nghìn tấn dăm gỗ. Sau đó, bán cho các cá nhân là Nguyễn Văn Thắng ở Tuyên Quang và Trần Minh Tiến ở Phù Ninh (Phú Thọ) hơn 7.000 tấn, tương đương với hơn 6 tỷ đồng nhưng Công ty Thịnh Sơn không sản xuất hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT), không hạch toán doanh thu trên sổ sách kế toán của công ty, không kê khai báo cáo thuế với đơn vị quản lý thuế trực tiếp là Chi cục thuế huyện Thanh Sơn. 

Khi hành vi phạm tội bị phát hiện, Hiền không thừa nhận việc Công ty Thịnh Sơn bán hàng và thu tiền như đã nêu trên mà còn đưa ra các thông tin và tài liệu với nội dung để đánh lạc hướng điều tra. 

Theo tài liệu Hiền cung cấp thì toàn bộ hệ thống nhà xưởng, nhà kho của Công ty Thịnh Sơn đã được ông Võ Tấn Hoàn (ở tại thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) thuê từ năm 2017 (thời hạn thuê 3 năm tính từ năm 2017) và Hiền chỉ là người làm thuê và đứng ra quản lý hộ ông Hoàn. Tiền thu được từ bán dăm gỗ, sau khi trừ các chi phí số tiền lãi còn lại Hiền sẽ thu lại mà không chuyển cho ông Hoàn vì trước đó ông Hoàn còn nợ Hiền 5 tỷ đồng…

Đối tượng Đinh Đức Thuận.

Tuy nhiên, quá trình xác minh, cơ quan điều tra xác định giữa Công ty Thịnh Sơn và ông Hoàn không có bất kỳ mối quan hệ kinh tế gì. Vào năm 2017, Hiền đề nghị ông Hoàn cùng đầu tư để kinh doanh. 

Ban đầu, ông Hoàn đồng ý nên Hiền soạn thảo và in hợp đồng để hai bên cùng ký nhưng sau đó ông Hoàn không tham gia và cũng không ký nên Hiền đã cất giữ lại. Khi cơ quan điều tra xác minh việc kinh doanh dăm gỗ của Công ty Thịnh Sơn thì Hiền lấy bản hợp đồng này ra đồng thời làm thêm một bản thỏa thuận rồi tự ký và ghi họ tên của ông Hoàn vào phần đại diện bên B để cung cấp cho cơ quan điều tra.

Thực tế, từ tháng 1-2018 đến tháng 8-2019, Hiền đã tự ý thực hiện thu mua gỗ nguyên liệu của các hộ dân trồng rừng trên địa bàn huyện Thanh Sơn - Phú Thọ không có hóa đơn, không lập bảng kê rồi chế biến thành dăm tại xưởng sản xuất của Công ty Thịnh Sơn. 

Sau đó, Hiền xuất bán dăm mảnh cho Trần Minh Tiến và Nguyễn Văn Thắng theo giá thỏa thuận từ 900.000 đồng - 1.200.000 đồng/tấn. Tổng số lượng xuất bán 7.006,461 tấn dăm gỗ với số tiền 6.343.828.000đ. Quá trình bán hàng không ký Hợp đồng mua bán hàng hóa, không xuất hóa đơn GTGT. 

Ông Tiến và ông Thắng đã thanh toán tiền mua hàng vào tài khoản cá nhân của Hiền tổng số tiền tổng số 6.345.630.000, đồng thông qua 58 lần thể hiện ở 58 giấy báo. Toàn bộ số tiền 6.343.828.000đ có được từ việc bán 7.006,461 tấn dăm mảnh gỗ, Hiền không hạch toán trên hệ thống sổ sách kế toán của Công ty Thịnh Sơn, không kê khai nộp thuế tại Chi cục Thuế huyện Thanh Sơn.

Đối tượng Nguyễn Đức Tuấn.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ cũng đã làm rõ sai phạm của bị can Đinh Đức Thuận - Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Hợp tác xã Duy Bảo; Đoàn Văn Cương, Giám đốc Công ty TNHH Cương Tâm, có trụ sở tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) và Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hạ Hòa, có trụ sở tại huyện Hạ Hòa. 

Quá trình điều tra xác định: Từ tháng 1-2018 đến tháng 6-2019 với cương vị Giám đốc HTX Duy Bảo, Đinh Đức Thuận đã không hạch toán trên hệ thống sổ sách kế toán của HTX Duy Bảo, không kê khai nộp thuế tại Chi cục Thuế khu vực Thanh Ba - Hạ Hòa với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng; Nguyễn Đức Tuấn trên 2,7 tỷ đồng và Đoàn Văn Cương là hơn 2 tỷ đồng...

Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục đấu tranh mở rộng chuyên án và sẽ có kiến nghị về công tác quản lý thuế với các cơ quan chức năng trên địa bàn.
Xuân Mai
.
.
.