Hồ sơ Panama: Lập cơ quan đặc biệt chống rửa tiền

Thứ Tư, 25/05/2016, 09:00
Sau cuộc họp với công tố viên Javier Caraballo, người đang điều tra các trường hợp công dân và tổ chức Guatemala có tên trong "Hồ sơ Panama", ngày 20-5, Tổng công tố Guatemala Thelma Aldana đã quyết định thành lập một cơ quan đặc biệt để phân tích những thông tin liên quan đến các cá nhân và tổ chức của quốc gia này xuất hiện trong danh sách "thiên đường thuế". Cơ quan đặc biệt này trực thuộc cơ quan công tố chống rửa tiền và tội phạm tài chính Guatemala...


Và quyết định kể trên đang khiến dư luận nước này đặc biệt quan tâm bởi trong số những công dân Guatemala xuất hiện trong "Hồ sơ Panama", đáng chú ý nhất là cựu Ngoại trưởng Harold Caballeros và trùm ma túy Marllory Chacon.

Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif cũng vừa yêu cầu Quốc hội nước này thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra những cáo buộc xuất phát từ "Hồ sơ Panama". Nhưng nghị sỹ của phe đối lập không chấp thuận đề xuất của ông Nawaz Sharif họ đã rời phòng họp ngay sau khi Thủ tướng kết thúc bài phát biểu. Đây là sự bày tỏ thái độ của phe đối lập trước việc ông Nawaz Sharif không trả lời những chất vấn của họ có liên quan đến vụ "Hồ sơ Panama".

Nghị sỹ phe đối lập cho rằng, ông Nawaz Sharif đã né tránh những câu hỏi liên quan đến các thành viên gia đình Thủ tướng bị coi là có liên quan tới những bê bối được "Hồ sơ Panama" tiết lộ. Theo những thông tin rò rỉ từ "Hồ sơ Panama", các con của ông Nawaz Sharif đang sở hữu hoặc đứng tên một số công ty ở nước ngoài (công ty ma) để mua bất động sản tại Anh, trốn thuế và che giấu nguồn gốc thu nhập.

Hồ sơ Panama.

Và phe đối lập đang yêu cầu Thủ tướng Nawaz Sharif từ chức vì bê bối kể trên. Nhưng cho đến nay ông Nawaz Sharif liên tục bác bỏ mọi cáo buộc xung quanh hành vi sai trái liên quan tới bản thân và các thành viên trong gia đình mình. Đồng thời khẳng định, số tài sản tích lũy được trong nhiều thập kỷ trước khi tham gia chính trường là hoàn toàn hợp pháp, và "không một xu nào" được chuyển ra nước ngoài một cách bất hợp pháp.

Và ông Nawaz Sharif đã yêu cầu phe đối lập cùng các nghị sỹ khác trong quốc hội nhanh chóng thành lập một ủy ban điều tra về những cáo buộc kể trên. Đây không phải lần đầu Thủ tướng Nawaz Sharif muốn thành lập một ủy ban điều tra độc lập do một thẩm phán Tòa án Tối cao đương chức hoặc đã nghỉ hưu đứng đầu, để làm rõ các tiết lộ có trong "Hồ sơ Panama", nhưng đều bất thành bởi tất cả thẩm phán không ai ủng hộ đề nghị của ông.

Dư luận đang quan tâm tới phát biểu tại một cuộc họp báo chính thức ở thành phố Guayaquil của Tổng thống Ecuador, khi ông Rafael Correa khẳng định, CIA đứng sau vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama". Theo ông Rafael Correa, một tờ báo điện tử có trụ sở tại Washington là nơi đầu tiên sở hữu số tài liệu mật về công ty luật Monsack Fonseca, và những tiết lộ sau đó của các cơ quan báo chí thân Mỹ đều nhắm vào giới chính trị của các nước khác.

Đồng thời cho biết, ông từng là mục tiêu bị nhắm tới trong vụ tiết lộ thông tin này, nhưng lần duy nhất danh tính của Tổng thống Ecuador xuất hiện trong "Hồ sơ Panama" là khi một quan tòa Ecuador đề nghị Monsack Fonseca cho biết, ông Rafael Correa có dính líu tới vụ kiện hình sự của doanh nghiệp nào không.

Ngoài ra, Tổng thống Rafael Correa còn chỉ trích giới báo chí tư nhân Ecuador chỉ "cắt xén" thông tin do Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) cung cấp, cố tình ém nhẹm thông tin về số công ty ma của các chủ phương tiện truyền thông nước này tại những "thiên đường thuế". Theo ông Rafael Correa, việc tố cáo tham nhũng một cách có chọn lọc cũng tạo ra tham nhũng, và kêu gọi mở chiến dịch toàn cầu xóa bỏ các "thiên đường thuế".

Theo giới truyền thông, quan chức được quan tâm nhất của Ecuador có tên trong "Hồ sơ Panama" là ông Alex Bravo, cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Petroecuador. Và ông Rafael Correa từng khẳng định, toàn bộ quá trình điều tra và xét xử nhân vật này sẽ diễn ra theo đúng trình tự pháp lý.

#Theo số liệu thống kê mới nhất vừa được Mạng lưới Mỹ Latinh về Nợ, Phát triển và Quyền lợi công bố, trong giai đoạn 2004-2013, các nước Mỹ Latinh đã thất thoát khoảng 1.400 tỷ USD do các hoạt động tài chính phi pháp và trốn thuế gây ra. Và Mexico là quốc gia đứng đầu khu vực Mỹ Latinh về các hoạt động tài chính phi pháp và đứng thứ 3 thế giới về "thành tích" bất hảo này.

Ngày 17-5, Panama đã chính thức đồng ý áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về trao đổi thông tin thuế. Việc này diễn ra sau hơn 1 tháng "Hồ sơ Panama" tiết lộ thông tin về công ty luật Monsack Fonseca. Nhưng phải đến năm 2018, việc trao đổi thông tin thuế của Panama mới có hiệu lực.

Mạnh Phong
.
.
.