Làng bán thận ở Nepal

Thứ Ba, 14/07/2015, 12:08
Hokse, một ngôi làng cách Thủ đô Kathmandu của Nepal không xa được gọi là "thung lũng thận" bởi hầu như tất cả người dân sinh sống ở đây đều đã bán một quả thận. Họ bán thận để mua đất làm nhà nhưng trận động đất lịch sử hôm 25/4/2015 lại đưa họ trở về điểm xuất phát ban đầu của nghèo đói. Làn sóng bán thận để thoát nghèo tiếp tục diễn ra ở nơi đây.

Bán thận để thoát nghèo

Geeta, 37 tuổi, người mẹ bốn con đã bán đi một quả thận để mua đất làm nhà. "Chính chị gái chồng đã thuyết phục tôi bán thận với giá 1.300 bảng Anh tại một bệnh viện ở Ấn Độ. Chị ấy nói rằng, tôi nên bán đi một quả thận vì cơ thể tôi cũng chỉ cần một quả. Phẫu thuật lấy đi một quả thận chỉ mất nửa giờ nhưng tôi phải  ở lại bệnh viện trong ba tuần. Khi tỉnh lại sau phẫu thuật, tôi cảm thấy rất bình thường, như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Tôi vô cùng ngạc nhiên vì điều đó", Geeta nói. Cô đã dành toàn bộ số tiền có được để mua mảnh đất và xây dựng một ngôi nhà bằng đá. Tuy nhiên, sau trận động đất 7,8 độ richter, những gì Geeta còn lại chỉ là đống đổ nát. Giờ đây, Geeta và những đứa con nhỏ đang sống trong một túp lều sơ sài được dựng lên tạm bợ.

"Trước đó, rất nhiều người đến làng dụ dỗ chúng tôi bán thận nhưng tôi luôn nói không. Tuy nhiên, mong muốn có được mảnh đất để làm nhà luôn thôi thúc tôi. Gia đình tôi muốn có thêm em bé và tôi thực sự cần tiền để làm nhà mới. Chị chồng lấy đi quả thận còn trận động đất lấy đi nhà của tôi", Geeta buồn rầu nói.

Geeta, 37 tuổi, đã bán thận với giá 1.300 bảng Anh.

Geeta không phải là trường hợp duy nhất bán thận mua nhà ở Hokse bởi chẳng phải đâu xa, ngay chồng cô cũng đã bán đi một quả thận trước đó. Hầu hết đàn ông và phụ nữ ở Hokse đều bán đi một quả thận để kiếm tiền. Những tay môi giới buôn bán nội tạng thường xuyên lảng vảng ở Hokse và cố gắng thuyết phục người dân đến các bệnh viện ở miền nam Ấn Độ bán thận. Chúng sử dụng nhiều mánh khóe để dụ dỗ nạn nhân bán thận, một trong số đó là tìm cách "lòe" nạn nhân rằng, thận có thể mọc trở lại.

Sau trận động đất, người dân Hokse trở lại điểm xuất phát là người vô gia cư. Vì chán nản, nhiều người dân đã tìm đến rượu khiến sức khỏe giảm sút trầm trọng. Cũng sau động đất, làn sóng người dân tìm đến con đường bán thận có xu hướng gia tăng mạnh. Các chuyên gia y tế dự đoán, Nepal có thể trở thành "ngân hàng thận" với số người dân tìm cách bán thận tăng gấp đôi trong vài năm tới.

Mánh khóe của "cò" buôn bán nội tạng

Buôn bán nội tạng trái phép đang là "bài toán" khiến các quan chức trên toàn thế giới đau đầu tìm giải pháp. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng 10.000 trường hợp buôn bán nội tạng trên thị trường chợ đen diễn ra mỗi năm.

Theo một báo cáo của Global Financial Integrity thì mỗi năm có đến 7.000 quả thận được "giao dịch" bất hợp pháp. Bản báo cáo này cũng cho hay, buôn bán nội tạng mang lại khoản lợi nhuận khoảng 650 triệu bảng Anh mỗi năm. Tội phạm buôn bán nội tạng sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau như: bắt cóc nạn nhân sau đó lấy đi một số cơ quan nội tạng; tìm kiếm nạn nhân gặp khó khăn về tài chính và dụ dỗ bán nội tạng; lừa để nạn nhân tin rằng, cần cắt bỏ một số bộ phận nội tạng nào đó trong cơ thể và điều này không gây ảnh hưởng gì cho sức khỏe. Bên cạnh đó, một số nạn nhân bị sát hại để lấy nội tạng đem bán.

Một vài bệnh viện ở Nepal có thể thực hiện ghép thận nhưng hầu hết bệnh nhân thích đến những bệnh viện ở Ấn Độ hơn. "Họ muốn bác sĩ Ấn Độ và dịch vụ tốt hơn. Đó là lý do tại sao người bán thận tìm đến bệnh viện ở Ấn Độ. Trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, tàn tật thường là mục tiêu của “cò” buôn bán nội tạng", Tiến sĩ Rishi Kumar Kafle, Giám đốc Trung tâm Thận Nepal cho biết.

Phần lớn đàn ông của làng Hokse đã bán một quả thận.

Tiến sĩ Rishi Kumar Kafle cho biết thêm, thận bán trên thị trường chợ đen thường có giá cao gấp 6 lần so với số tiền mà người bán nhận được. Luật sư Laxman Lamichhane, người phụ trách diễn đàn Bảo vệ nhân quyền Nepal (PPR Nepal) nhận định: "Người dân đang cảm thấy bất an ở những nơi họ đang sống mặc dù có sự giám sát thường xuyên của lực lượng an ninh. Nhiều “cò” buôn bán nội tạng xuất hiện. Chúng tìm cách lừa người dân bán nội tạng bằng cách hứa hẹn có công việc và cuộc sống tốt hơn khi ra nước ngoài như Ấn Độ và một số quốc gia lân cận khác", ông Laxman Lamichhane nói.

Một luật sư khác tên là Krishna Pyari Nakarmi cho biết, ngoài những làng bán thận như Hokse, những người bán thận ở Nepal thường bị cộng đồng xa lánh. "Khi trở lại làng, những người bán thận trở thành đối tượng của tin đồn. Không ít người đã bị đuổi khỏi làng vì có quan điểm cho rằng, bán thận là hành vi không thể chấp nhận. Ngay cả con cái của họ cũng bị phân biệt đối xử ở trường học", ông Krishna Pyari Nakarmi nói.

T. Phạm (tổng hợp)
.
.
.