Lại xảy ra nổ lớn ở Tân Cương, Trung Quốc

Thứ Ba, 27/05/2014, 10:30

Người dân Trung Quốc lại bị chấn động sau khi biết tin về vụ nổ lớn ở Tân Cương bởi theo bản tin phát hồi 9 giờ 52 phút 20 giây ngày 22/5 của Tân Hoa xã, cơ quan chức năng thành phố Urumqi, thủ phủ của khu tự trị Tân Cương vẫn chưa có thông tin về con số thương vong.

Khi được hỏi, người phát ngôn của cảnh sát Tân Cương cho biết, họ sẽ sớm thông tin về vấn đề này. Tân Hoa xã dẫn lời một số nhân chứng cho biết, vào khoảng 7 giờ 50 phút ngày 22/5 (theo giờ địa phương), một vài ôtô lao như tên bắn trên đường và người ngồi trong xe ném chất nổ qua cửa sổ và vụ nổ diễn ra tại một công viên trong thành phố Urumqi.

Theo lời một nhân chứng cho biết, đã nghe thấy hàng chục tiếng nổ lớn. Còn theo những hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, lửa bùng lên ở một tán cây bên đường, khói bốc cao quá nóc khu chợ, phía sau một chốt gác của cảnh sát.

Vụ nổ xảy ra sau khi Trung Quốc tăng cường công tác đảm bảo an ninh trước thềm hội nghị thượng đỉnh về hợp tác và niềm tin ở châu Á lần thứ tư (CICA-4) diễn ra trong 2 ngày 20 và 21/5 tại Thượng Hải. Được biết, tất cả 17 quận, huyện và 2 sân bay ở Thượng Hải đều được tăng cường các đội tuần tra; 26 cửa ngõ ra vào thành phố đều được kiểm soát chặt chẽ. Trước đó, Bắc Kinh đã triển khai 150 xe bọc thép và hơn 2.000 binh sĩ của Bộ Công an trên các đường phố ở thủ đô để phục vụ cho hoạt động tuần tra của cảnh sát nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố.

Xung quanh hiện trường vụ nổ.

Vụ nổ cũng diễn ra chỉ 2 ngày sau khi tòa án khu tự trị Tân Cương kết án 39 người vì tội truyền bá "video khủng bố". Theo China News Service, 39 người bị kết án tù với các mức khác nhau, cao nhất là 15 năm. Mặc dù giới truyền thông Trung Quốc không nói rõ những người bị kết án thuộc dân tộc nào, nhưng theo hãng AFP, căn cứ vào danh tính của 39 bị cáo, có thể họ đều là người Duy Ngô Nhĩ.

Theo tờ Thời báo Hoàn cầu và tờ South China Morning Post, đã có 232 người bị cảnh sát Tân Cương bắt giữ vì liên quan đến "truyền bá video với nội dung khủng bố thông qua internet và các thiết bị cầm tay". Trước đó (31/3), chính quyền Tân Cương đã ra lệnh cấm các hành vi tải và lưu trữ video có nội dung khủng bố. Sau đó, 3 quan chức Tân Cương bị sát hại dã man khi đang câu cá tại huyện Kargilik thuộc khu Kashgar, chỉ 1 ngày trước chuyến viếng thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình.

Theo giới truyền thông, Trung Quốc đã phát lệnh truy nã đối với những nghi phạm tham gia thực hiện vụ tấn công ở bến phía Nam của ga tàu hỏa Tân Cương tối 30/4 làm 3 người chết và 79 người bị thương. Trung Quốc đã gửi kiến nghị tới Interpol yêu cầu truy nã quốc tế đối với Ismail Yusup cùng một số đồng phạm thuộc tổ chức Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan (EITM) vì bị cáo buộc thực hiện vụ đánh bom tối 30/4.

Ngày 18/5, cảnh sát Trung Quốc cáo buộc EITM đứng sau vụ tấn công ở bến phía Nam của ga tàu hỏa Tân Cương tối 30/4 và đối tượng Ismail Yusup đã lên kế hoạch cho vụ khủng bố này. Theo tài liệu của cảnh sát Trung Quốc, trước khi chính thức gia nhập EITM hồi năm ngoái, Ismail Yusup đã thành lập một nhóm nhóm cực đoan đơn lẻ từ năm 2005.

Được biết, Ismail Yusup cùng 10 đồng phạm chuẩn bị kế hoạch từ ngày 22/4, nhưng đến 19 giờ ngày 30/4 chúng mới động thủ. Hai thành viên của nhóm này là Saderdin Sawut và Memetabudula Ete thiệt mạng trong vụ nổ, còn 8 đối tượng khác đã bị cảnh sát bắt giữ. Theo giới truyền thông, EITM xuất hiện từ những năm 1990 với yêu sách đòi Tân Cương ly khai khỏi Trung Quốc và đã tổ chức các vụ tấn công khủng bố tại Tân Cương cùng nhiều khu vực khác. Mỹ đã liệt EITM vào danh sách khủng bố toàn cầu, nhưng sau đó lại gỡ bỏ với lý do nhóm này không đủ khả năng hoạt động có tổ chức, cho dù chúng vẫn có tên trong danh sách các tổ chức khủng bố do Liên Hợp Quốc đưa ra.

Bộ Công an Trung Quốc vừa thông báo, 30 chuyên gia huấn luyện về vũ khí đã được cử tới khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, để giúp cảnh sát địa phương xử lý tốt hơn các tình huống khủng bố. Nội dung huấn luyện tập trung vào việc sử dụng vũ khí một cách hợp pháp, phối hợp chiến thuật, phản ứng nhanh, bảo vệ an ninh cho người dân và đặc biệt là đối phó với các loại vũ khí lạnh (các loại vũ khí không sử dụng chất nổ, nhưng vẫn gây sát thương cao).

Ngày 7/5, tờ Thanh niên Bắc Kinh dẫn báo cáo về an ninh quốc gia của Trung Quốc cho biết, hoạt động khủng bố ở nước này đã mở rộng mục tiêu vào cơ quan chính phủ, quân đội và cảnh sát. Ngày 6/5, Trung Quốc công bố "Sách xanh An ninh Quốc gia" lần đầu tiên nhằm tăng cường hơn nữa các biện pháp chống khủng bố, đảm bảo an toàn tính mạng người dân và ổn định xã hội.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Chiến lược Quốc tế, thuộc Đại học Quan hệ Quốc tế ở Bắc Kinh, các nhóm hồi giáo cực đoan gia tăng hoạt động khủng bố ở Trung Quốc kể từ năm 2013. Những phần tử khủng bố ở Trung Quốc tiến hành nhiều vụ tấn công, sử dụng các loại vũ khí đơn giản như dao, bom tự chế... Ngoài những nơi công cộng, các phần tử khủng bố còn tấn công chớp nhoáng vào các cơ quan chính quyền địa phương, đồn cảnh sát

Lê Tuấn Cường
.
.
.