Kỳ vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

Thứ Sáu, 11/05/2018, 14:49
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có một cuộc gặp lịch sử hôm 27-4, với những cái bắt tay, cái ôm thân thiện và cùng ký “Tuyên bố Bàn Môn Ðiếm về hòa bình, thịnh vượng và thống nhất của bán đảo Triều Tiên“.


Trong khi các điều khoản cụ thể để đem lại hòa bình, thịnh vượng và thống nhất cho bán đảo Triều Tiên vẫn còn chưa được đồng ý chi tiết, cuộc gặp gỡ lịch sử này đã mang lại một niềm hy vọng mới cho triển vọng hàn gắn hai nửa đất nước đã bị chia đôi suốt 73 năm qua.

Bước ngoặt lịch sử

Cách đây vài tháng, những người lạc quan nhất cũng không thể nghĩ tới Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 với những kết quả lạc quan như đã thấy. 

Dù việc lãnh đạo 2 miền Triều Tiên trực tiếp gặp nhau không thể giải quyết ngay trong “một sớm một chiều” mọi vấn đề đã được coi là “hồ sơ nóng” của thế giới trong nhiều thập kỷ qua, song cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên sau 11 năm qua này vẫn được xem như một “cây cầu” không chỉ nối đôi bờ “dòng sông chia cắt” hai miền, mà còn có thể dẫn đến con đường dài phía trước hướng tới hòa bình và cùng phát triển thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên.

Những tín hiệu tích cực từ tất cả các bên sau khi hai miền đạt được thỏa thuận tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều vào ngày 27-4, cho thấy cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều thể hiện thái độ nghiêm túc, thiện chí và quyết tâm biến cơ hội hiếm có này thành “cú hích” tạo bước ngoặt hướng tới một giải pháp hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. 

Và cuộc gặp này là kết quả của các nỗ lực kiên định hòa giải với Triều Tiên trong một năm qua của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, bất chấp những căng thẳng leo thang đến đỉnh điểm khi Bình Nhưỡng tiến hành 2 vụ thử hạt nhân và hơn 20 vụ phóng tên lửa, trong đó có 2 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). 

Ông Moon Jae-in là người ủng hộ "chính sách Ánh dương" mà các cố Tổng thống Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun từng theo đuổi.

Ngay sau khi Hội nghị thượng đỉnh liên Triều kết thúc, dư luận quốc tế đã hoan nghênh những kết quả tích cực mà Hội nghị đem lại. Mỹ, Nhật, Nga, Trung Quốc đều lên tiếng hoan nghênh kết quả hội nghị và bày tỏ kỳ vọng về một bán đảo Triều Tiên hòa bình. Tuy nhiên, vẫn còn đó những câu hỏi.

Còn thiếu nhiều chi tiết

Thứ nhất, trong tuyên bố Bàn Môn Điếm không có những biện pháp chi tiết về cách đạt được mục tiêu “phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên", cũng không đề cập định nghĩa “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” hay thời gian biểu cho tiến trình này. 

Sau tín hiệu tích cực từ Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, nhiều khả năng những bước cụ thể cho nội dung gây tranh cãi nhất, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, sẽ phụ thuộc vào cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Donald Trump, được cho sẽ diễn ra trong 3 hoặc 4 tuần nữa.

Các chuyên gia cảnh báo con đường dẫn tới việc phi hạt nhân hóa vẫn còn nhiều thách thức, vì Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đã không khẳng định được rằng Bình Nhưỡng chia sẻ với Washington định nghĩa của việc phi hạt nhân hóa. 

Mỹ và Hàn Quốc đã yêu cầu Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân một cách đầy đủ, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược trong một khoảng thời gian ngắn, trước khi Bình Nhưỡng được hưởng bất cứ nguồn khích lệ nào, ví dụ như nới lỏng các biện pháp trừng phạt hoặc bình thường hóa quan hệ với Mỹ. 

Về phần mình, Triều Tiên lại đề nghị Hàn Quốc và Mỹ thực hiện các biện pháp “theo từng giai đoạn và đồng bộ hóa” trong quá trình phi hạt nhân hóa của mình.

"Cần phải xem cam kết của Kim Jong-un về việc giải trừ hạt nhân có ý nghĩa cụ thể thế nào: đồng thuận với yêu cầu của Tổng thống Trump về việc loại bỏ nhanh chóng và có thể kiểm chứng các vũ khí hạt nhân cũng như hệ thống phân phối và cơ sở hạ tầng của Triều Tiên; hay thể hiện ý định thực hiện một quy trình dài hơn mức cần thiết và đưa ra những yêu cầu không thể chấp nhận được như việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc hoặc bãi bỏ ngay lập tức các lệnh trừng phạt, trong khi mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên vẫn còn tồn tại”, chuyên gia Alexander Vershbow từ Trung tâm Scowcroft về Chiến lược và An ninh Quốc tế nhận định.

Cụm từ "bán đảo Triều Tiên không hạt nhân" có thể ngụ ý rằng Triều Tiên cũng muốn Hàn Quốc không có vũ khí hạt nhân. Vẫn còn những lo ngại về việc Triều Tiên có thể yêu cầu Mỹ rút quân đội và tài sản chiến lược khỏi Hàn Quốc, cũng như đề nghị Washington ngừng bảo vệ hạt nhân ở đây, đổi lấy việc Bình Nhưỡng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình.

Mấu chốt ở thượng đỉnh Mỹ - Triều

Một vấn đề nữa cần lưu tâm, đó là Triều Tiên sẽ đồng ý để các thanh tra từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế kiểm tra các cơ sở hạt nhân ở mức độ nào. Triển vọng hoàn thành tuyên bố liên Triều lịch sử sẽ phụ thuộc vào việc hai ông Trump và Kim có đạt được thỏa thuận phá bỏ vũ khí hạt nhân Triều Tiên hay không.

Ngoài việc khẳng định ý chí của hai miền về “phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”, hai nhà lãnh đạo Moon Jae-in và Kim Jong-un đã đồng ý tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên trong năm nay, thiết lập đường dây nóng xuyên biên giới, theo đuổi kế hoạch cắt giảm vũ khí theo giai đoạn, ngừng những hành động thù địch và mở rộng những cuộc trao đổi liên Triều.

Việc ký hiệp ước hòa bình sẽ không chỉ liên quan đến hai miền Triều Tiên, bởi chính Mỹ và Trung Quốc đã ký tên trực tiếp vào thỏa thuận đình chiến, chia cắt Triều Tiên và Hàn Quốc, khiến hai bên ở trong tình trạng chiến tranh về mặt kỹ thuật kể từ năm 1953. Bất kỳ hành động nối lại các dự án hợp tác kinh tế nào cũng có thể vi phạm các biện pháp trừng phạt quốc tế tầng tầng lớp lớp dành cho Triều Tiên và làm suy yếu chiến dịch tạo áp lực tối đa lên Bình Nhưỡng do Mỹ khởi xướng.

Kỳ vọng lãnh đạo Mỹ - Triều cũng sẽ có cử chỉ thân thiện.

Nhiệm vụ cấp bách hiện tại của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là đóng vai trò trung gian giữa Triều Tiên và Mỹ. Người ta chờ đợi ông Moon Jae-in đưa ra một kế hoạch thực tế để hòa giải những khác biệt có thể có trong quan điểm của mỗi bên về phi hạt nhân hóa trước khi họ tổ chức hội nghị thượng đỉnh. 

“Vai trò của Chính phủ Hàn Quốc là kín đáo chuyển lại cho Mỹ những gì đã được thảo luận trong cuộc gặp giữa ông Moon và ông Kim. Hàn Quốc cần làm việc chặt chẽ với Mỹ để chuẩn bị các biện pháp cụ thể cho việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên trước khi Mỹ ngồi xuống đàm phán với Triều Tiên", Park Won Gon từ Đại học Toàn cầu Handong nhận định.

Một số nhà phân tích cho rằng Bình Nhưỡng và Washington có thể đồng ý về mục tiêu to lớn của việc khử hạt nhân và đơn giản hóa các bước để Triều Tiên phi hạt nhân hóa một cách nhanh chóng, và Mỹ có thể đồng thời thực hiện những biện pháp đảm bảo an ninh cho Triều Tiên. 

Một vòng ngoại giao khác dự kiến sẽ diễn ra trong những tuần tới, khi ông Moon cân nhắc gặp ông Trump trước Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên - Mỹ. Ông cũng dự định gặp các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh ba bên vào đầu tháng 5.

Thời gian và địa điểm tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện vẫn đang được cân nhắc. Mông Cổ và Singapore được cho là hai quốc gia trong danh sách rút gọn, trong khi Tổng thống Trump đăng Twitter cho rằng Bàn Môn Điếm ở khu phi quân sự 2 miền Triều Tiên có lẽ thích hợp hơn cả.

Vĩnh Đông
.
.
.