Kinh tế trì trệ Cơ hội chống tham nhũng
Cái khó ló cơ hội
Một số nhà kinh tế học nổi tiếng của Ấn Độ tin rằng sự trì trệ gần đây thực sự có thể là một điều tốt cho đất nước. Theo họ, có rất nhiều đợt bùng nổ gần đây của Ấn Độ được thúc đẩy bởi một sự pha trộn độc hại của tham nhũng chính trị và chủ nghĩa tư bản bè phái mà nhiều người lo ngại sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Ấn Độ có 55 tỷ phú, nhiều thứ nhì ở châu Á, nhưng có tới hơn một nửa dân số không có nhà vệ sinh. "Trong nhiều năm, tôi đã sợ rằng Ấn Độ sẽ bị thao túng bởi các ông trùm", Ajay Shah, giáo sư tại Viện Quốc gia về tài chính công và Chính sách ở New Delhi nói. "Tôi rất phấn khởi trong vài tuần qua vì nghĩ rằng đây là thời gian tốt để phục hồi của nền dân chủ của Ấn Độ”.
Ba năm trước, Hospet, một thị trấn khai thác mỏ hạng trung ở trung tâm của những gì trong thời Trung cổ là Đế quốc Vijayanagara, đã phát triển mạnh mẽ nhờ vào hoạt động khai thác mỏ bất hợp pháp.
Một ông trùm địa phương đã sử dụng những mối quan hệ chính trị và hối lộ để tránh quá trình cấp phép phức tạp và tốn kém. Ông mở nhiều mỏ bất hợp pháp và gia tăng sản xuất một cách nhanh chóng. Hằng ngày, hàng ngàn xe tải chở đầy quặng nối nhau chạy ầm ầm qua các đường phố của Hospet. Phần lớn dân thị trấn đều có tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào hoạt động này. Sau đó, hệ thống tư pháp yếu kém của Ấn Độ cũng bắt đầu hành động. Tay trùm địa phương, G. Janardhana Reddy, đã bị bắt, và nền kinh tế địa phương chao đảo.
Chịu đau chống tham nhũng
E. Vishwanath, chủ của V.S.R. Minerals, là một điển hình. Ba năm trước, ông có 10 xe tải, thuê thêm 1.000 chiếc nữa và kiếm được hơn 2.000USD/tháng, mức thu nhập thuộc hàng “đỉnh” ở Ấn Độ. Ông sở hữu một chiếc ô tô riêng, sắm cho vợ một dây chuyền vàng nặng chình chịch và mời tới 200 người đến tham dự sinh nhật của con gái nhỏ.
Kể từ khi ngành tư pháp hành động, các ngân hàng thu hồi xe tải của ông và ông đã buộc phải bán ô tô và đồ trang sức của vợ. Tiệc sinh nhật con gái của ông 'bây giờ là chuyện gia đình”. "Chúng tôi đã rất hạnh phúc lúc đó. Chúng tôi đã chi tiêu và tận hưởng cuộc sống - ông Vishwanath cho biết - Bây giờ điều đó hoàn toàn không còn nữa”.
Nhưng thay vì lên án các thẩm phán đã chấm dứt cuộc sống đầy đủ tiện nghi của mình, ông Vishwanath lên án các chính trị gia tham nhũng đã khiến kinh tế địa phương bùng nổ như bong bóng và xẹp nhanh như bọt xà phòng. “Tôi nghĩ rằng chúng ta phải triệt để ngăn chặn tham nhũng. Nếu không có tham nhũng, tôi vẫn sẽ có thể kinh doanh", ông Vishwanath cho biết.
Kiran Kumar, Giám đốc khách sạn Palace Krishna, đã có phản ứng tương tự. Trong thời gian bùng nổ, khách sạn của ông đã luôn kín chỗ với các giám đốc điều hành khai thác mỏ từ Trung Quốc và Úc, các phòng tiệc khách sạn của ông được đặt kín trước hàng tháng, và ông luôn bán sạch kho whisky hiệu Johnnie Walker Black Label.
Bây giờ, khách sạn ông chỉ đạt tỷ lệ lấp đầy 50%, và giá phòng đã hạ 1/2 so với trước kia. Các phòng tiệc và nhà hàng hầu như trống rỗng, rượu Johnnie Walker không một ai nhắc đến nữa. Mặc dù làm ăn khó khăn hơn, nhưng ông vẫn ủng hộ việc chống tham nhũng.
Ông cho biết, đầu năm học vừa qua ông đã phải hối lộ để cậu con trai 4 tuổi được vào một trường học tốt. “Tôi biết tôi được hưởng lợi từ tham nhũng, nhưng tôi vẫn chống lại nó, và tất cả những người dân khác ở Ấn Độ cũng vậy", ông nói.
Đại tu hệ thống
Sourindra Banerjee, một trợ lý giáo sư ngành tiếp thị tại Đại học Warwick ở Anh, nói rằng tham nhũng từng được người dân chấp nhận nhiều hơn khi nền kinh tế Ấn Độ còn nhỏ và khép kín.
Nhưng bây giờ, Ấn Độ đã gia nhập thị trường toàn cầu, kỳ vọng của cả những người ở trong và ngoài nước đã thay đổi. "Nhà đầu tư nước ngoài sẽ không chấp nhận việc tham nhũng phổ biến trong môi trường kinh doanh ở Ấn Độ”, ông Banerjee nói.
Dĩ nhiên, tham nhũng không phải là vấn đề duy nhất của Ấn Độ. Một sự đổi chiều dòng chảy tiền tệ toàn cầu do việc cải thiện tình hình kinh tế ở Mỹ đã làm tổn thương đến nhiều loại tiền tệ ở các thị trường mới nổi, bao gồm: Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Nam Phi.
Nhưng Ấn Độ là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất. Và trên cả nước Ấn Độ, những thị trấn rơi vào tình cảnh như Hospet không phải là hiếm. Các hoạt động khai thác mỏ bùng nổ nhờ tham nhũng tương tự Hospet đã diễn ra ở Goa và các tiểu bang phía đông Ấn Độ.
Tuy nhiên, việc trấn áp tham nhũng gần đây đã khiến sản lượng quặng sắt của Ấn Độ giảm 36% so với 3 năm trước, còn 140 triệu tấn so với 219 triệu tấn.
Chỉ trong vài năm, một vụ bê bối tham nhũng liên quan đến mỏ than thuê thậm chí đã làm hoen ố hình ảnh của Thủ tướng Manmohan Singh. Nó đã ngăn cản Ấn Độ mở rộng khai thác trữ lượng than khổng lồ của mình (thuộc hàng lớn nhất thế giới).
Việc thiếu khả năng khai thác than dẫn đến việc các nhà máy nhiệt điện bị thiếu than nghiêm trọng, hậu quả là tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, chẳng hạn năm ngoái có đến một nửa đất nước bị cắt điện.
Không chỉ với các mỏ than, tình trạng tương tự cũng diễn ra với các mỏ bô-xít và khai thác cát. Ấn Độ phải nhập khẩu nhiều quặng sắt, than và các khoáng sản khác, và tình trạng thiếu nguyên liệu quan trọng đã làm các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng bị đình trệ.
Nhưng việc Ấn Độ có thành công trong trấn áp nạn tham nhũng hay không vẫn là điều còn lâu mới có thể chắc chắn, theo ông Swaminathan Aiyar, nhà nghiên cứu tại Viện Cato (trụ sở ở Washington). “Thay vào đó, tham nhũng chỉ đơn giản là có thể ít lộ liễu như bây giờ”, ông nói. Aiyar lưu ý rằng các cuộc bầu cử quốc gia vào năm tới dự kiến sẽ tốn kém nhất trong lịch sử.
Những chi phí đó chủ yếu được thanh toán bởi các ông trùm Ấn Độ, và “hòn bấc ném đi thì hòn chì phải ném lại”, những người này luôn đòi hỏi các chính trị gia phải “trả ơn”.
Vì thế, các nhà quan sát quốc tế gọi các ông trùm này là “những kẻ buôn vua”. “Pháp luật được mua bởi hối lộ, và vào thời điểm này tôi thấy không có chính trị gia nào thực sự muốn đàn áp nhau. Nếu bạn thực sự muốn thay đổi điều này, bạn cần phải đại tu toàn bộ hệ thống", ông Aiyar nói.