Kinh hoàng lãi suất tín dụng đen

Thứ Hai, 18/11/2019, 08:34
Cần tiền làm ăn, chị T. vay nóng 1 đối tượng 50 triệu. Đến kì hạn trả, không có tiền trả, chị lại được đối tượng này giới thiệu vay tiền của đối tượng khác để trả cho mình. Cứ thế vòng xoáy vay - mượn - trả cuốn chị vào ma trận lừa đảo của các đối tượng, đến khi số nợ lên đến 1,3 tỷ đồng chị mới ngã ngửa và làm đơn tố cáo.


Lãi suất tới 5.475%/ năm

Mặc dù nhiều vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, nhiều băng nhóm cho vay nặng lãi bị triệt phá nhưng hoạt động này vẫn tiếp tục nở rộ và phát triển với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi. Càng về cuối năm, hoạt động “tín dụng đen” càng trở nên phức tạp.

Khi nhiều người cần tiền để làm ăn, kinh doanh, trả nợ… thì cũng là lúc các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” tìm cách tiếp cận, mời gọi, cho vay và xiết nợ với lãi khủng. Mới đây Công an TP Hải Phòng  triệt phá một ổ nhóm cho vay nặng lãi với lãi suất lên đến 5.475%/năm.

Theo đó, trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hải Phòng đã phát hiện nhiều thủ đoạn hoạt động rất tinh vi, phức tạp của các đối tượng chuyên hoạt động cho vay nặng lãi. Để săn đón, tìm kiếm con mồi cũng như qua mặt các cơ quan chức năng, các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông, Internet, sử dụng các trang mạng, các số điện thoại đăng ký không đúng tên đúng chủ để liên lạc với những người có nhu cầu vay tiền.

Trong quá trình giao dịch, các đối tượng không công khai trực tiếp đứng tên mà thông qua tài khoản ngân hàng, đứng tên người những người khác. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự đã dựng lên chân dung một nhóm chuyên cho vay nặng lãi gồm 7 đối tượng. 

Các đối tượng này thường sử dụng nhiều tài khoản khác nhau trên Facebook, không có thông tin thật về cá nhân để quảng bá các hoạt động cho vay, chủ động kết bạn với những người có nhu cầu vay tiền, nhất là phụ nữ và người lao động tự do để mời chào. 

Sau nhiều lần quảng cáo, mời gọi, cuối cùng chúng cũng dụ được một con mồi sập bẫy. Đó là chị Đặng Thị T., ở tỉnh Lâm Đồng, hiện công tác tại Hà Nội. Trong thời gian ngắn, chị T. đã nhiều lần vay tiền với hình thức vay họ góp của nhóm đối tượng trên, đến nay chị còn nợ chúng hơn 1 tỷ đồng nhưng không có khả năng thanh toán.

Nhóm cho vay nặng lãi bị Công an Hải Phòng triệt phá.

Đến chiều 8-11, tại quán Cafe Ruby, thuộc lô 22 Lê Hồng Phong, phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự đã bắt quả tang 7 đối tượng đang giao dịch, thu tiền vay họ góp của chị Đặng Thị T., gồm: Nguyễn Văn Tuấn, SN 1988, ở Thiên Lôi, phường Vĩnh Niệm; Quách Đức Anh, SN 1996, ở Miếu Hai Xã, phường Dư Hàng; Phạm Đức Trung, sinh 1998, ở Phạm Hữu Điều, phường Niệm Nghĩa; Nguyễn Trung Tuyến, SN 1982, ở 3/33/239 Nguyễn Công Hòa, cùng quận Lê Chân; Trần Viết Dũng, SN 1999, ở tổ 25 cụm 4, phường Đông Khê; Phạm Ngọc Nhật, SN 1997, ở 50 đường vòng Vạn Mỹ, phường Vạn Mỹ, cùng quận Ngô Quyền; Hoàng Ngọc Sơn, SN 1993, ở thôn Đại Hoàng 2, xã Tân Dân, huyện An Lão.

Tang vật thu giữ tại hiện trường gồm 70 triệu đồng, 8 điện thoại di động, 2 xe ôtô và một số tang vật khác có liên quan.

Bước đầu đấu tranh với các đối tượng, Phòng Cảnh sát hình sự đã làm rõ việc chị T. bị rơi vào vòng xoáy vay - mượn - trả nợ - bị xiết nợ với lãi suất cực khủng. Theo đó chị Đặng Thị T. do cần tiền làm ăn, nên đã vay 50 triệu đồng của Phạm Minh Đức, sinh 1996, ở 24B/105/185 Tôn Đức Thắng, Lê Chân. Khi đến thời hạn, chị T. không có tiền trả thì được Đức giới thiệu làm quen với Quách Đức Anh để vay tiền.

Sau đó, Đức Anh giới thiệu chị T. cho Phạm Ngọc Nhật và Nguyễn Trung Tuyến để vay tiền trả cho mình. Theo đó, chị T. được các đối tượng này lại giới thiệu lần lượt cho nhau rồi đến Trần Viết Dũng, để vay tiền trả nợ cho chúng.

Đến nay, chị T. đã trả cho nhóm đối tượng trên hơn 300 triệu đồng, còn nợ cả gốc lẫn lãi hơn 1 tỷ đồng và không còn khả năng thanh toán. Thủ đoạn của nhóm đối tượng này là chủ động làm quen với người có nhu cầu vay tiền để cho vay rồi giới thiệu đồng bọn cho con nợ đến vay để trả “nợ vòng” cho chúng. Với thủ đoạn trên, chúng đã đưa chị T. sa vào “vòng xoáy” vay- trả nợ mà không thể dứt và buộc chị phải chấp nhận mức lãi suất thấp nhất là 178%/năm đến mức cao nhất là 5.475%/năm để thu lời bất chính.

Ẩn họa từ tín dụng đen

Hiện nay, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp. 

Các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông, Internet, núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ, tạo vỏ bọc, đối phó với cơ quan chức năng để tổ chức các hoạt động cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất rất cao nhằm thu lợi bất chính.

Ngoài ra, đối tượng cho vay “tín dụng đen” còn sử dụng hình thức chơi hụi họ, phường, kinh doanh đa cấp, sử dụng ứng dụng di động, cho vay trực tuyến, cho vay ngang hàng... để mời chào người vay vốn với lãi suất cao. Chủ nợ thường thuê các băng nhóm tội phạm, đối tượng có tiền án, tiền sự, sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm, có thể thực hiện các tội phạm xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tổn hại về tinh thần và chiếm đoạt, hủy hoại tài sản của người đi vay.

“Đầu ra” của tín dụng đen rất đa dạng. Đó là sinh viên, học sinh, người kinh doanh nhỏ lẻ, công chức và cả gái mại dâm, dân cờ bạc lô đề, cá độ, buôn lậu, buôn hàng cấm, cò mồi bất động sản, người dân cần tiền cấp bách để chi tiêu…

Mới đây tại TP HCM, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP HCM điều tra vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” do các đối tượng người Trung Quốc thực hiện. Điều đáng chú ý trong vụ án này là các đối tượng đã cho người dân vay với lãi suất 4,4%/ngày, tương đương 1.600%/năm.

Cảnh giác với mọi lời mời vay tiền trên mạng.

Tất cả các giao dịch của người vay và người cho vay tiền đều được thực hiện thông qua điện thoại di động có sử dụng mạng Internet. Cơ quan Công an xác định, từ tháng 4-2019 đến khi bị phát hiện, đã có khoảng 60.000 giao dịch vay với tổng số tiền khoảng 100 tỷ đồng. Khách vay bắt buộc phải tải ứng dụng về máy điện thoại, chấp nhận điều kiện cho ứng dụng truy cập danh bạ.

Khi nhận được khoản tiền vay, ngay lập tức người đi vay bị cắt lãi và nếu không trả được, phía cho vay sẽ gọi điện thoại khủng bố. Thậm chí, cả thân nhân người đi vay cũng sẽ thành đối tượng bị quấy rối, đe dọa để gây áp lực buộc con nợ phải thanh toán nợ.

Hiện nay nhằm hạn chế “tín dụng đen” đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt là người nghèo/người thu nhập thấp ở khu vực nông thôn, Ngân hàng Nhà nước trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ của mình đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp tích cực. 

Đồng thời cũng đã rà soát sửa đổi các quy định về cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mở rộng các sản phẩm, kênh cho vay phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với các tổ chức tổ chức vi mô và hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, phát huy vai trò quan trọng trong việc gia tăng mức độ tiếp cận dịch vụ tài chính. 

Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng; đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tiếp tay cho các đối tượng xã hội đen cho vay nặng lãi.

Người dân phải luôn cảnh giác trước mọi thủ đoạn cho vay lãi nặng. Đồng thời, khi gặp khó khăn về tài chính, hãy tìm đến các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương hoặc trực tiếp đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng tin cậy để được hỗ trợ; cảnh giác cao với vay tiền qua các ứng dụng (app, web) trên mạng Internet.

Công an Hải Phòng sẽ đánh mạnh các nhóm tín dụng đen

Đại tá Lê Hồng Thắng, Trưởng Phòng CSHS (Công an TP Hải Phòng) cho biết, Hải Phòng là một trong địa phương sớm xuất hiện loại tội phạm hoạt động trong lĩnh vực tín dụng đen. Trong số các đối tượng này phần lớn là đối tượng lưu manh chuyên nghiệp nên các phương thức thủ đoạn hoạt động của chúng đều vô cùng tinh vi và hiểm độc. Song, với sự đầu tư rất nhiều công sức và trí tuệ, các lực lượng Công an TP Hải Phòng đã triệt phá được nhiều băng ổ nhóm, góp phần ngăn chặn tình trạng cho vay và xiết nợ theo kiểu xã hội đen đang phổ biến hiện nay…

Theo Đại tá Lê Hồng Thắng, đấu tranh với các đối tượng cho vay nặng lãi, lực lượng Công an phải đầu tư rất nhiều công sức và trí tuệ. Do hành vi của các đối tượng diễn ra liên tục trên diện rộng, mọi hoạt động của chúng có tổ chức, có sự phân công cho từng đối tượng trong nhóm. Theo đó có những vụ việc phải theo đuổi suốt thời gian dài, lực lượng CSHS đã phải vượt qua nhiều khó khăn thách thức, huy động nhiều lực lượng phối hợp, đặc biệt phải thu thập từng dấu vết, chắp nối lại từng chi tiết vụn vặt, rời rạc. Nhằm ngăn chặn các hành vi xâm hại của các đối tượng có thể xảy ra, lực lượng Công an còn phải áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ bảo đảm an toàn về người cho gia đình các nạn nhân.

Theo đó Đại tá Lê Hồng Thắng khẳng định, với những chuyên án thành công thực sự củng cố lòng tin của nhân dân với lực lượng Công an. Trước đây người dân hoài nghi, không chịu hợp tác với cơ quan Công an, mà thường tìm cách tự giải quyết. Đến nay có rất nhiều thông tin giá trị được người dân tin tưởng cung cấp, giúp Công an Hải Phòng đánh một đòn mạnh vào loại tội phạm hoạt động tín dụng đen, vay nợ theo kiểu xã hội đen trên địa bàn.

V. Huy

Hiền Trâm

.
.
.