“Khủng hoảng kép” do làn sóng di cư và biến đổi khí hậu ở Honduras
Điểm dừng chân đầu tiên của họ là biên giới với Guatemala, nơi con sông Motagua chảy qua, được miêu tả đầy “chất thơ” là “lấp lánh như một chuỗi ngọc giữa những ngọn đồi”.
"Tất cả chúng tôi đang sống trong cảm giác bất an"
Cuộc sống giữa những đồn điền cà phê ở Honduras chưa bao giờ dễ dàng. Trong những năm gần đây, sự biến đổi khí hậu đã khiến khó khăn càng nhân lên gấp bội. Người dân địa phương nói rằng, trong thập kỷ qua, lượng mưa không đủ để đảm bảo thu hoạch tốt. Bệnh nấm và giá cà phê thấp đã đẩy nhiều người dân rơi vào cảnh khốn khó. Hàng ngàn người đã vay lãi khoản tiền 5.000 USD để những kẻ buôn người vận chuyển đến Mỹ.
Kể từ khi chồng di cư đến Mỹ vào năm ngoái, Marcia Elena Pineta phải một mình chăm sóc ba cô con gái nhỏ, một đứa 13 tuổi, một đứa 7 tuổi và một đứa 5 tuổi. “Chồng tôi làm việc trong lĩnh vực xây dựng nhưng cuộc sống trên đất Mỹ không dễ dàng. Anh ấy phải di cư vì không tìm được việc làm ở Honduras. Chúng tôi nói chuyện với nhau hằng ngày qua WhatsApp”, Marcia Elena Pineta nói.
Một người phụ nữ khác tên là Antonia Reaz cho biết, chồng cô đã di cư hai tuần trước cùng với cậu con trai 14 tuổi. Mọi người cho rằng, nếu có trẻ con đi cùng, cơ hội được nhập cư vào Mỹ cao hơn. Tuy nhiên, chồng và con trai của Antonia Reaz đã bị bắt giữ và cô rất lo lắng khi không có tin tức gì từ họ.
Freddie Vasquez, 56 tuổi, ở La Cumbre nói rằng, ông đang cân nhắc việc rời đi. Ông có 8 người con, 6 con trai và 2 con gái, một số đang sống tại Guatemala. “Nếu đến Mỹ, bạn có thể kiếm tiền để mua đất hoặc gia súc. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều khó khăn ở phía trước”, ông Freddie Vasquez nói.
Vincente Madrid Norrriega, Phó thị trưởng Trascerros (thị trấn cách thành phố San Pedro Sula 60 dặm về phía tây) ước tính, dân số của khu vực đã giảm từ 10.000 xuống còn 7.000 trong vài năm qua, La Cumbre cũng đã giảm từ 700 xuống còn 450 vào năm 2012.
“Những cuộc di cư luôn xảy ra, nhưng trong hai năm qua, nó thực sự gia tăng đáng báo động. Chúng tôi lo lắng, có thể sẽ không có người ở khu vực này. Tác động của việc giảm đột ngột 30% dân số là rất lớn. Nhiều doanh nghiệp, cửa hàng đã đóng cửa. Năm ngoái, chúng tôi có 52 giáo viên, giờ giảm xuống còn 22 vì ngày càng ít học sinh hơn. Tất cả chúng tôi đang sống trong cảm giác lo lắng và bất an”, ông Vincente Madrid Norrriega nói.
Trong số những người rời đi, khoảng 200 người đã quay trở lại Trascerros tự nguyện hoặc đã bị trục xuất. Được biết, trong năm 2018, cơ quan quản lý di trú và hải quan Mỹ (ICE) đã trục xuất 28.894 người Honduras, trung bình 80 người/ngày. “Chính phủ dường như đã bỏ quên Trascerros. Trong nhiều năm, chúng tôi đề nghị xây dựng đường giao thông nhưng không được chấp thuận”, ông Norrriega nói.
Honduras đang trong hời kỳ khủng hoảng di cư. Chính sách nhập cư cứng rắn của Tổng thổng Mỹ Donald Trump không ngăn được dòng người đang phải sống trong nghèo khổ, người trẻ thiếu cơ hội để phát triển và bạo lực gia tăng.
Giá cà phê giảm khiến cuộc sống của người dân ở Honduras càng thêm điêu đứng. |
Người di cư từ khu vực trồng cà phê tăng mạnh
Phần lớn thu nhập của người dân phụ thuộc vào cà phê nhưng sâu bệnh, giá cà phê giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2006 đã khiến cuộc sống của người dân càng thêm điêu đứng. Ông Norrriega cho biết, trong 9 năm qua, thời tiết thay đổi nhanh chóng, mưa ít, không đủ để tưới tiêu cà phê.
Jorge Ardon, 40 tuổi, một nông dân trồng cà phê 40 tuổi nói rằng, hạt cà phê cứng và teo nhỏ khi thiếu nước. “Tôi cho rằng, lượng mưa giảm thấp kỷ lục là do việc chặt cây nhiều thập kỷ trước. Một yếu tố khác là biến đổi khí hậu”, Jorge Ardon nói.
Một báo cáo của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ công bố năm 2017 cho biết, biến đổi khí hậu đã tác động rất lớn đến cuộc sống của người dân ở Honduras gây ra tình trạng mất an ninh lương thực, suy dinh dưỡng và di cư hàng loạt đến các khu vực đô thị
Năm ngoái, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, diện tích đất thích hợp để trồng cà phê ở Trung Mỹ có thể giảm 40% vào năm 2050 và 1,4 triệu người có thể phải rời bỏ nhà cửa. Theo các nhà nghiên cứu an ninh lương thực tại Đại học Wageningen, ước tính, Honduras có khoảng 1 triệu người làm việc trong lĩnh vực cà phê.
Stephanie Leutert, Giám đốc Sáng kiến an ninh tại Đại học Texas đã phỏng vấn những người di cư và cho biết, nhiều người nói thời tiết không thể đoán trước là lý do khiến họ rời bỏ đất nước. Số liệu thống kê cho thấy, người dân di cư từ Lempira, khu vực trồng cà phê chính của Honduras đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2017 đến 2018. Những người không thể di cư đến Mỹ thì di chuyển đến các thành phố lớn như Tegucigalpa.