Khủng hoảng chính trị Thái Lan chưa có hồi kết

Thứ Tư, 23/09/2020, 20:05
Sáng ngày 20-9-2020 tại Bangkok, Thái Lan, hàng chục nghìn người biểu tình đã hô vang khẩu hiệu kêu gọi cải tổ hoàng gia, loại ông Prayuth Chan-ocha, một cựu lãnh đạo đảo chính, khỏi vị trí Thủ tướng hiện thời.


Người biểu tình đã tuần hành từ đại học Thammasat, nơi có truyền thống phản đối quân đội và chủ nghĩa bảo hoàng, đến Sanam Luang, tức cánh đồng hoàng gia, bên ngoài Cung điện hoàng gia. 

Người biểu tình đã dùng xi măng gắn chặt một tấm bảng đồng xuống bãi cỏ gần Hoàng cung, tuyên bố Thái Lan thuộc về người dân, chứ không phải hoàng gia do vua Maha Vajiralongkorn đứng đầu. Tấm bảng đồng được đặt ở Sanam Luang ngay sau khi mặt trời mọc. Trước đó, một tấm bảng tương tự kỷ sự kết thúc nền quân chủ chuyên chế tại Thái Lan vào năm 1932 đã được dỡ bỏ sau khi Vua Vajiralongkorn lên nắm quyền.

Biểu tình đòi cải tổ

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ giữa tháng 7-2020 đến nay, tổng cộng Thái Lan đã diễn ra hơn 170 cuộc biểu tình chỉ trích hoàng gia cũng như tìm kiếm hiến pháp mới, kêu gọi tiến hành bầu cử. Tuy nhiên, do chịu tác động của dịch bệnh COVID-19, quy mô và ảnh hưởng của các cuộc biểu tình này ở mức trung bình. Tình hình đã có sự thay đổi nhanh chóng trong 2 tháng trở lại đây.

Ngày 17-7, một thanh niên thuộc Hội thanh niên tự do (FY) đã tổ chức trên mạng Internet kêu gọi biểu tình ở tượng đài dân chủ Bangkok. Mặc dù Chính phủ Thái Lan chưa dỡ bỏ Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp nhưng chỉ trong một ngày ngắn ngủi, hàng nghìn người đã có mặt tại địa điểm đó, tiếng vang rất lớn khiến mọi người bất ngờ. 

Điều đáng ngạc nhiên nhất là lại có 8 triệu lượt người xem trực tiếp cuộc biểu tình này thông qua các phương tiện mạng xã hội. Sau đó vài ngày, nhiều trường đại học tại các tỉnh và thành phố của Thái Lan đã hợp tác với FY, tổ chức biểu tình chống chính phủ, làn sóng này dần dâng cao.

Hàng nghìn người biểu tình xuống đường kêu gọi cải tổ hoàng gia.

Tiếp đó, FY đổi tên thành Tổ chức nhân dân tự do (FP) nhằm tìm kiếm mặt trận thống nhất rộng lớn hơn. Ngày 10-8, FP tổ chức cuộc biểu tình với tên gọi "Pháp trị không khoan dung" tại Đại học Thammasats với hơn 2.000 người tham dự. 

Tổ chức này đã thuê một công ty giải trí và triển lãm chuyên nghiệp, lắp đặt sân khấu lớn giống như liveshow của các ngôi sao ca nhạc, trang bị thêm màn hình LED lớn và thiết bị âm thanh ánh sáng cực tốt. 

Những nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng như luật sư Anon Nampa, các lãnh đạo chủ chốt của FP như Panasya Sitthijirawattanakul (biệt danh Rainbow), Parit Chiwarak (biệt danh Penguin),… liên tiếp lên sân khấu phát biểu. 

Ngoài việc nhấn mạnh ba yêu cầu lớn (giải tán Quốc hội, chấm dứt đe dọa người dân và sửa đổi lại Hiến pháp năm 2017), họ liều lĩnh chĩa mũi nhọn vào chế độ quân chủ lâu đời của Thái Lan. 

Không dừng lại ở đó, người biểu tình còn đưa ra 10 yêu cầu cải cách chế độ quân chủ, bao gồm xóa bỏ các điều khoản như Điều 6 (cấm truy tố nhà vua), Điều 112 (tội xúc phạm nhà vua) tại Luật Hình sự của nước này. Mức độ của các yêu cầu này đã làm cho cả thế giới kinh ngạc.

Tại hoạt động biểu tình ngày 10-8, người biểu tình còn công bố bài phát biểu được ghi âm của cựu quan chức ngoại giao Thái Lan, Pavin Chachavalpongpun phải sống lưu vong ở Nhật Bản vì xúc phạm nhà vua. Trên màn hình LED, bức ảnh của Pavin giống như các thành viên của Hoàng gia, được trang trí bằng khung ảnh viền vàng, phía dưới có dòng chữ "cuộc sống thánh thiện không biên giới".

Việc những người biểu tình chĩa mũi nhọn vào chế độ quân chủ đã khiến các nhân vật nổi tiếng trên phương tiện truyền thông đều dự báo có thể nhiều người dân không tham gia. Nhưng điều bất ngờ là phóng viên Reuters ước tính có ít nhất 30.000 người tham gia biểu tình. 

Trong khi đó, các nhà tổ chức cho hay, có hơn 50.000 người tham gia. Theo cảnh sát, có khoảng 18.000 người tham gia biểu tình, số người biểu tình lớn nhất kể từ khi ông Prayuth lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014.

Sự khác biệt so với các cuộc biểu tình trước đây

Các cuộc biểu tình chống chính phủ từ tháng 7/2020 đến nay có những đặc điểm khác biệt rõ rệt so với các hoạt động biểu tình trước đây.

Một là, theo Giám đốc Viện Nghiên cứu an ninh và quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn, Thitinan Pongsudhirak cho biết giai đoạn 2005-2014, vở chính kịch ở Thái Lan thường trải qua ba màn chính: mở đầu là một cuộc bầu cử, sau đó là những vấn đề của chính phủ dẫn tới các cuộc biểu tình trên đường phố và kết thúc bằng sự can thiệp quân sự hoặc tư pháp. 

Tuy nhiên, lần này đối thủ chính của lực lượng ủng hộ nguyên trạng xoay quanh quân đội và chế độ quân chủ không phải là bộ máy chính đảng của thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra cùng những người áo đỏ. Thay vào đó, một phong trào thanh niên, sinh viên trên diện rộng, khởi phát một cách tự nhiên trong khuôn viên của vô số các trường trung học và đại học ở Thái Lan.

Phong trào sinh viên Thái Lan bắt đầu từ những năm 1970, đã có hai cuộc biểu tình chống chính phủ quy mô lớn vào năm 1973 và 1976. Năm 1992, thành phần chính của các cuộc biểu tình chống Suchinda Kraprayoon (Thủ tướng Thái Lan từ ngày 7-4 đến ngày 24-5-1992, được quân đội ủy quyền sau cuộc đảo chính quân sự năm 1991) là tầng lớp trung lưu thành thị. Bước sang thế kỷ 21, bản chất của phe áo vàng và áo đỏ là tầng lớp dân nghèo và trung lưu thành thị. Sau gần nửa thế kỷ, sinh viên lại một lần nữa trở thành lực lượng chính của nền chính trị đường phố.

Hai là, ngọn cờ sinh viên đã đưa ra một cách rõ ràng ba yêu cầu chính trị lớn mà nhiều người trong giới tinh hoa chính trị không ủng hộ với chủ trương sửa đổi Hiến pháp của sinh viên. Các cuộc biểu tình trong tháng 8-2020 là lần đầu tiên Thái Lan chứng kiến người biểu tình công khai yêu cầu coi cải cách chế độ quân chủ là yêu cầu lớn nhất. Mặc dù yêu cầu này bị dư luận xã hội chỉ trích mạnh mẽ nhưng ở mức độ nào đó cho thấy một bộ phận dân chúng vẫn còn thiếu thiện cảm với chế độ hiện tại và lo lắng về tương lai của bản thân.

Người biểu tình kêu gọi cải cách chế độ quân chủ ở thủ đô Bangkok hôm 19-9.

Thủ tướng Thái Lan cảnh báo người biểu tình đòi cải cách nền quân chủ là họ đang tạo ra sự chia rẽ và điều này có thể gây ra sự sụp đổ của Thái Lan, đồng thời khiến nước này chìm trong biển lửa. Sự thể hiện của các sinh viên trong các cuộc biểu tình yều cầu đòi cải cách hoàng gia vừa qua giống như một tảng đá ném xuống mặt hồ yên ả.

Các nhà phân tích nhận định có thể giới sinh viên cảm thấy không công bằng với kiểu thiết kế thể chế hiện tại. Gần đây, Thái Lan hủy bỏ toàn bộ cáo buộc đối với Vorayuth Yoovidyah, người thừa kế Tập đoàn Red Bull, lái xe đâm chết một cảnh sát và bỏ chạy, càng khiến giới sinh viên cảm nhận sâu sắc về sự bất công trong xã hội. Vụ án này đã xảy ra cách đây nhiều năm và gần đây mới bị phanh phui, khiến cả xã hội Thái Lan bàng hoàng. Vụ án có rất nhiều nghi vấn, dấu vết của việc được che đậy rất rõ ràng.

Bình đẳng chúng sinh vẫn chưa thực sự đạt được trong xã hội Thái Lan, truyền thống bao che trong xã hội khiến thế hệ mới muốn tìm kiếm sự thay đổi.

Ba là, đối với các cuộc biểu tình trước đây, người bị đổ lỗi thường là thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra hoặc là Thanathorn, người sáng lập Đảng Tương lai mới, một đại diện của giới trẻ Thái Lan trong Quốc hội. Thế nhưng, các nhà lãnh đạo và các diễn giả của phong trào biểu tình do sinh viên khởi xướng vừa qua không hề ca ngợi Thaksin hay Thanathorn, mà dường như đây là mặt trận của riêng họ.

Một khảo sát trên báo Matichon của Thái Lan cho thấy 58% người tham gia lo ngại sắp có đảo chính. Ngày 19-9-2020 vừa qua cũng đánh dấu 14 năm diễn ra đảo chính lật đổ chính quyền ông Thaksin Shinawatra.

Trong thời khắc khó khăn, người ta thường tìm kiếm sự thay đổi cho dù đôi khi đó không hẳn là điều họ muốn. Câu chuyện của Thái Lan cũng vậy. Đoàn người biểu tình kêu gọi sửa đổi Hiến pháp để có thể lần nữa tìm kiếm những người thực sự đại diện cho lá phiếu, quyền lợi của họ. 

Một số ít thậm chí cho rằng đã đến lúc Thái Lan từ bỏ chế độ quân chủ lập hiến, nền tảng tối quan trọng và không thể chạm tới trong gần 90 năm qua. Tuy nhiên, đó có thực sự là điều họ mong muốn và có lẽ khủng hoảng chính trị ở Thái Lan vẫn chưa có hồi kết.

Thanh Bình
.
.
.